Đột phá ngành dệt may - Bài cuối: Nâng cấp giá trị sản phẩm

Áp lực cạnh tranh ngày càng gay gắt, cộng với việc các thị trường liên tục nâng cao tiêu chuẩn chất lượng vừa là thách thức nhưng cũng là động lực để doanh nghiệp dệt may Việt Nam chủ động cập nhật xu hướng sản xuất, tiêu dùng; đầu tư nghiên cứu phát triển, hướng đến mục tiêu trở thành ngành công nghiệp thời trang có giá trị gia tăng cao.

Chú thích ảnh
Công nhân may làm việc tại Công ty TNHH May mặc Dony, xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh, Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN

Đổi mới công nghệ và số hóa

Từ cuối năm 2022 đến nay, lượng đơn hàng của các doanh nghiệp dệt may trong nước sụt giảm mạnh, do ảnh hưởng của lạm phát, suy giảm kinh tế ở các thị trường xuất khẩu lớn như Mỹ và EU. Tính riêng 6 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu dệt may đạt 18,6 tỷ USD giảm 17,6% so với cùng kỳ.

Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam nhận định: đà tăng trưởng của dệt may Việt Nam chững lại do tác động liên hoàn của lạm phát, suy giảm kinh tế, xung đột giữa các quốc gia khiến sức mua của người tiêu dùng chậm lại, tồn kho các mặt hàng ở mức cao. Trong bối cảnh này, các doanh nghiệp phải cơ cấu lại cả thị trường và sản phẩm. Nhiều doanh nghiệp không chỉ sản xuất các mặt hàng truyền thống như áo sơ mi, denim, hàng dệt kim… mà còn làm cả áo cho người theo đạo Hồi để khai thác thị trường khu vực Trung Đông.

Theo ông Vũ Đức Giang, trong bối cảnh sức mua thị trường yếu và áp lực cạnh tranh ngày càng lớn, để khai thác được các đơn hàng số lượng nhỏ và cần giao nhanh đòi hỏi doanh nghiệp phải có sự điều chỉnh nhất định về dây chuyền sản xuất, phân công lao động… Do đó, những giải pháp về số hoá, đầu tư về công nghệ được coi là chìa khoá giúp doanh nghiệp nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm giá bán và rút ngắn thời gian giao hàng.

Bà Nguyễn Thị Tuyết Mai, Phó tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam cũng cho rằng, giải pháp từ tự động hoá đến sản xuất thông minh là một trong những gải pháp mang tính quyết định. Chuyển đổi số sẽ giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí, tăng năng suất lao động, tạo sự kết nối giữa các bộ phận, tăng tốc độ ra thị trường và mở rộng khả năng thu hút và giữ khách hàng. Tuy nhiên, đến nay việc đưa công nghệ số vào sản xuất trong ngành dệt may vẫn còn khiêm tốn.

Thực tế tại một số doanh nghiệp đã áp dụng công nghệ, chuyển đổi số cho quy trình quản trị, vận hành nhà máy cho thấy, ứng dụng công nghệ số có thể làm thay đổi cục diện và nâng cao vị thế cạnh tranh cho doanh nghiệp bằng việc giải quyết bài toán sử dụng ít lao động hơn nhưng vẫn đảm bảo năng lực sản xuất, thích ứng được với yêu cầu đa dạng của khách hàng.

Ông Phạm Văn Việt, Chủ tịch HĐQT Công ty Việt Thắng Jean, cho biết, Việt Thắng Jean đã ứng dụng các công nghệ hiện đại vào những công đoạn có độ phức tạp cao với máy laser, máy ozone, máy phun màu, dây chuyền sấy tự động đáp ứng các tiêu chuẩn cao nhất của thị trường EU. Việc đầu tư vào công nghệ hiện đại cũng giúp doanh nghiệp cắt giảm đáng kể chi phí nhân công, hạ được giá thành sản phẩm để cạnh tranh tốt hơn trong giai đoạn khó khăn.

Nhờ đó, trong khi nhiều doanh nghiệp vẫn đang khan hiếm đơn hàng, từ tháng 3 đến nay, Việt Thắng Jean đã có đơn hàng tương đối, duy trì được khoảng 90% công suất hoạt động của nhà máy. Tới nay, các thị trường xuất khẩu chính như EU, Mỹ vẫn chưa phục hồi nhưng Việt Thắng Jean vẫn duy trì được đơn hàng ở các thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản và mở rộng sang các thị trường mới như Canada, Australia…

Xanh hoá và gia tăng giá trị

Chú thích ảnh
Ngành dệt may phải xanh hóa để đáp ứng xu hướng tiêu dùng mới. Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN

Không chỉ số hóa, áp dụng công nghệ, ngành dệt may còn phải xanh hóa để đáp ứng xu hướng tiêu dùng mới. Hiện nay, nhiều thị trường lớn như: EU yêu cầu sản phẩm dệt may phải có tuổi thọ cao, có thể tái chế, tái sử dụng để giảm tiêu thụ tài nguyên, giảm phát thải khí nhà kính, giảm sử dụng nước và hoá chất độc hại. Nói cách khác, số hóa và xanh hóa là xu hướng tất yếu mà doanh nghiệp phải ứng dụng càng nhanh càng tốt.

Ông Phan Thanh Tuấn, Giám đốc Công ty may Thành Phát cũng cho biết, dù hiện tại nhà máy đang phải chạy đơn hàng nhỏ lẻ, các sản phẩm giá thành thấp nhưng đó không phải là chiến lược dài hơi. Công ty đang triển khai các dự án sản xuất sản phẩm từ nguyên liệu tự nhiên như: sợi sen, sợi hàu, sợi bạc hà… phù hợp nhu cầu tiêu dùng sản phẩm có nguồn gốc tự nhiên, thân thiện với môi trường và xu hướng kinh tế tuần hoàn đang ngày càng phổ biến.

Các khách hàng của Thành Phát tại Nhật Bản luôn đi đầu về các sản phẩm chống tia cực tím, kháng khuẩn… nên sợi hàu, sợi sen, sợi bạc hà sẽ có cơ hội lớn trong thời gian tới. Khi kinh tế thế giới hồi phục đà tăng trưởng, những sản phẩm chất lượng cao chắc chắn sẽ được khách hàng đón nhận tích cực.

Trong khi đó, Việt Thắng Jean lại “xanh hóa” nhà máy và sản phẩm bằng cách lắp đặt điện mặt trời gắn trên mái nhà xưởng để phục vụ sản xuất, giảm tiêu thụ năng lượng điện lưới, góp phần giảm chi phí và phát thải. Nguyên liệu vải cũng được chọn lọc theo các tiêu chí thân thiện với môi trường và có khả năng tái sử dụng, kéo dài vòng đời sử dụng của sản phẩm.

Ông Phạm Văn Việt cho rằng, những nỗ lực của từng doanh nghiệp là rất cần thiết nhưng chưa đủ để đẩy nhanh việc “xanh hoá” và phát triển ngành dệt may Việt Nam một cách bền vững. Theo đó, hầu hết doanh nghiệp may mặc Việt Nam đều là doanh nghiệp nhỏ, sử dụng công nghệ cũ và phụ thuộc vào nguyên liệu nhập. Ngành dệt may rất cần sự hỗ trợ của Nhà nước thông qua việc đẩy mạnh ngành công nghiệp hỗ trợ và hình thành khu công nghiệp dệt may phục vụ sản xuất tập trung theo mô hình xanh, bền vững, tuần hoàn.

Cụ thể, Thành phố cần có quy hoạch khu công nghiệp có quy mô đủ lớn, có hạ tầng sản xuất, công nghệ xử lý nước thải, chất thải đạt tiêu chuẩn quốc tế, sử dụng năng lượng xanh, năng lượng tái tạo đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế cho các doanh nghiệp sản xuất nguyên phụ liệu và doanh nghiệp may. Việc sản xuất nguyên liệu tập trung cũng sẽ giúp các doanh nghiệp may mặc chủ động được đầu vào, cắt giảm chi phí logistics, đáp ứng quy tắc xuất xứ để tận dụng ưu đãi xuất khẩu.

Theo ông Phạm Văn Việt, trên thực tế, doanh nghiệp dệt may Việt Nam chỉ thực hiện được một phần ở khâu cắt may trong sản xuất sản phẩm, còn các nhãn hiệu nổi tiếng, nhà phân phối đẳng cấp có ảnh hưởng đến thị trường và người mua đều thuộc về các doanh nghiệp quốc tế. Nguyên nhân gốc rễ vẫn do mảng thiết kế và phát triển thiết kế của doanh nghiệp Việt Nam còn quá yếu, ít có các sản phẩm mang thương hiệu riêng để tiếp cận với các nhà bán lẻ trên toàn cầu.

“Thiết kế là khâu có tỷ suất lợi nhuận cao trong chuỗi giá trị may mặc, do vậy các quốc gia đi trước chỉ tập trung vào khâu nghiên cứu và thiết kế sản phẩm mới nhằm tạo ra những thương hiệu nổi tiếng. Yếu tố quan trọng để thâm nhập và trụ vững được ở mắt xích này đòi hỏi các doanh nghiệp cần có các nhà thiết kế có khả năng nắm được xu hướng, thị hiếu thời trang của người mua toàn cầu. Chính vì vậy, trong tầm nhìn dài hạn, nếu muốn đưa ngành dệt may Việt Nam thoát khỏi “bẫy gia công” giá trị thấp, ngành dệt may cần đầu tư xứng tầm cho nghiên cứu chất liệu, đào tạo đội ngũ thiết kế để tạo nên sản phẩm mang thương hiệu Việt tham gia vào thị trường thời trang quốc tế”, ông Phạm Văn Việt đề xuất.

Xuân Anh (TTXVN)
Đột phá ngành dệt may - Bài 1: Khó khăn bủa vây
Đột phá ngành dệt may - Bài 1: Khó khăn bủa vây

Dệt may là một trong những ngành công nghiệp truyền thống của Việt Nam, giải quyết công ăn việc là cho hàng triệu lao động và đóng góp hàng chục tỷ USD vào kim ngạch xuất khẩu hàng năm. Tuy nhiên, ngành công nghiệp dệt may Việt Nam đang chịu cạnh tranh ngày càng gay gắt từ các đối thủ có sự đầu tư về công nghệ cũng như nắm bắt tốt xu hướng. Trong bối cảnh đó, nhiều ý kiến cho rằng, đã đến lúc ngành dệt may định hình lại chiến lược phát triển, tạo ra sự đột phá về chất để phát triển một cách bền vững hơn.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN