Kết thúc phiên chiều 2/11, VN-Index tăng mạnh là 35,81 điểm (+3,44%) lên 1.075,47 điểm, ghi nhận là phiên tốt thứ hai của VN-Index kể từ đầu năm, sau phiên tăng gần 37 điểm ngày 03/1/2023.
Theo đó, chứng khoán và bất động sản là 2 nhóm ngành có nhiều mã tăng kịch trần nhất. Toàn sàn HoSE có 516 mã tăng giá, 26 mã đứng giá tham chiếu và 32 mã giảm giá. Tuy nhiên, thanh khoản khớp lệnh chỉ đạt 13.749 tỷ đồng, dù có cải thiện hơn trước nhưng nhìn chung khá thấp, nhất là trong một phiên tăng mạnh như chiều 2/11.
Nhóm VN30 có toàn bộ 30 mã tăng giá, trong đó nhiều mã tăng điểm mạnh như: GAS, GVR, TCB, BID, HPG, VHM, VCB, CTG, MSN, VPB, FPT, VIC, STB, SAB, SSI, MBB, SHB. Theo đó, SAB và GVR tăng mạnh khi chạm giá trần tại 61.400 đồng và 18.500 đồng/cổ phiếu. Ngoài ra, SSI đóng cửa sát mức cao nhất ngày +6,5% lên 28.900 đồng/cổ phiếu; HPG +5,43% lên 25.250 đồng/cổ phiếu…
Ngoài ra, các nhóm cổ phiếu ở lĩnh vực bất động sản như: CII, VCG, BCG, HHV, DIG, NVL, DXG, GEX, PDR, TCH, HDC, ITA, LCG, DXS, SCR…đều nằm trong số những cổ phiếu thanh khoản cao nhất sàn với khối lượng khớp lệnh có từ hơn 2,9 triệu đến hơn 26,2 triệu đơn vị.
Nhóm sản xuất cũng giao dịch hết sức khả quan. Theo đó, các mã tăng kịch trần gồm SAB, GVR, DPM, HSG, ANV, IDI.. Trong khi đó, HPG tăng 5,43%, MSN tăng 5,38%, DGC tăng 6,85%, DCM tăng 6,61%, BMP tăng 6,21%. Một số rất ít mã ghi nhận sắc đỏ có thể kể đến CAV, DBD, SHI.
Đóng cửa chiều 2/11 sàn HNX có 176 mã tăng (31 mã tăng trần). Theo đó, HNX-Index tăng 8,32 điểm (+3,97%), lên 217,97 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 116,1 triệu đơn vị, giá trị 2.036,6 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm hơn 10,6 triệu đơn vị, giá trị 141,3 tỷ đồng. Nhiều mã tăng trần với khối lượng khới lệnh cao như: API, DTD, TTH, VC7, MBG, LIG, DDG nằm trong số những mã tăng trần với khối lượng khớp lệnh cao.
Tuy nhiên, trái ngược với sự thăng hoa của thị trường chứng khoán trong phiên ngày 2/11, nhà đầu tư nước ngoài lại duy trì trạng thái bán ròng với -193 tỷ đồng trên sàn HoSE.
Theo đó, khối ngoại bán ròng mạnh các mã MWG (-284 tỷ đồng), VHM (-102 tỷ đồng), VRE (-59 tỷ đồng), HDB (-44 tỷ đồng), FUEVFVND (-23 tỷ đồng). Ngược lại, khối ngoại mua mạnh các mã PDR, DGC, HPG, TCB, VCG.
“Xét trong ngắn hạn T+3, sức mạnh tổng quan của chỉ số VN-Index ghi nhận diễn biến cải thiện khả quan từ đánh giá giảm điểm chuyển sang diễn biến đi ngang trong bối cảnh đà hồi phục được lan tỏa tốt ra các nhóm cổ phiếu với số mã tăng giá áp đảo số mã giảm giá. Thanh khoản cũng được cải thiện tốt hơn khi gia tăng khoảng 20% so với trung bình 10 phiên giao dịch cho thấy dòng tiền đang có dấu hiệu tham gia trở lại vào thị trường trong bối cảnh nhiều mã cổ phiếu đã có mức chiết khấu hấp dẫn”, đại diện Công ty cổ phần chứng khoán Ngân hàng Công thương (CTS) nêu.