Indonesia đang kiểm soát chặt chẽ thanh khoản bằng cách bán tín phiếu, trong khi lãi suất liên ngân hàng của Malaysia đã tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 7.
Chiến lược gia của Bank of America chi nhánh ở Singapore – ông Abhay Gupta đánh giá: “Chúng tôi dự đoán các ngân hàng trung ương trong khu vực sẽ tiếp tục sử dụng sự kết hợp giữa thắt chặt thanh khoản và can thiệp để chống lại nguy cơ đồng tiền của họ thêm mất giá so với đồng bạc xanh”.
Chênh lệch lãi suất chuẩn mực giữa Đông Nam Á và Mỹ tiếp tục gia tăng khi các ngân hàng trung ương ở Indonesia, Philippines và Malaysia tạm dừng tăng lãi suất trong nửa đầu năm nay.
Bất chấp chênh lệch lớn, Ngân hàng Indonesia cho đến nay vẫn kiềm chế không đưa ra tín hiệu tăng lãi suất. Thay vào đó, họ đã bắt đầu bán cái gọi là chứng khoán hoặc trái phiếu SRBI có kỳ hạn 6, 9 và 12 tháng để thu hút dòng vốn nước ngoài và giảm sự phụ thuộc vào lãi suất cơ bản. Nếu thắt chặt lãi suất cơ bản quá nhiều có thể gây tổn hại cho nền kinh tế.
Ông Gupta cho biết, không chỉ Indonesia, các ngân hàng trung ương ở Malaysia và Philippines cũng đang sử dụng việc bán tín phiếu để thắt chặt thanh khoản và đẩy lãi suất lên cao hơn.
Lãi suất liên ngân hàng Kuala Lumpur kỳ hạn 3 tháng đã tăng lên 3,57%, cao nhất kể từ ngày 13/7. Tín phiếu kỳ hạn 56 ngày của ngân hàng trung ương Philippines (BSP) nhận được lãi suất trung bình là 6,7191% vào ngày 22/9, cao nhất kể từ đợt mở bán ngày 25/8.
Thống đốc BSP ngày 26/9 cho biết nếu rủi ro từ giá năng lượng và vận tải trở thành hiện thực, ngân hàng trung ương có thể tăng chi phí đi vay thêm 25 điểm cơ bản tại cuộc họp ngày 16/11 hoặc sớm hơn. Ngân hàng trung ương Thái Lan đã tăng lãi suất chủ yếu thêm 25 điểm cơ bản lên mức cao nhất trong 10 năm là 2,5% vào hôm 27/9 đồng thời báo hiệu rủi ro lạm phát tăng.