Đồng nội tệ Nga đã có tháng tăng giá mạnh nhất kể từ những năm đầu thập kỉ 1990, do được hỗ trợ bởi giá dầu tăng cao, cuộc chiến ở miền Đông Ukraine hạ nhiệt và sức ép không quá lớn từ các khoản nợ nước ngoài. Đồng ruble đã tăng 11,5% so với đồng bạc xanh trong tháng 2, lên mức 1 USD đổi được 61,7 ruble. Đây là mức tăng theo tháng mạnh nhất trong hơn 20 năm qua, tờ nhật báo Vedomosti (Nga) đưa tin. Cũng trong khoảng thời gian này, đồng ruble tăng giá 13,2% so với euro.
Đồng ruble đã tăng giá mạnh trong tháng 2 vừa qua. Ảnh: Reuters |
Đà phục hồi diễn ra sau khi đồng ruble đã mất đến 40% giá trị so với đồng USD hồi năm ngoái, đỉnh điểm là tháng 12. Mức độ ổn định hóa đồng nội tệ Nga đã xóa tan những đồn đoán cho rằng kinh tế nước này đang trên đà sụp đổ. Thế nhưng các chuyên gia vẫn giữ thái độ thận trọng trước kịch bản đồng ruble sẽ lấy lại được mức giá như thời điểm đầu năm 2014.
Mức tăng giá này trước hết được hỗ trợ bởi giá dầu tăng, với việc vàng đen có tháng tăng giá đầu tiên kể từ tháng 7/2014. Dầu Brent Biển Bắc hiện được giao dịch quanh ngưỡng 60 USD/thùng.
Chuyển biến tích cực của tình hình địa chính trị là một nhân tố chủ đạo - ông Alexei Devyatov, nhà kinh tế trưởng tại quỹ đầu tư UralSib Capital tại Moskva nhìn nhận. Đồng ruble đã lấy lại giá trị ngay sau khi các nhà lãnh đạo Nhóm Normandy ký Thỏa thuận Misnk 2 hôm 12/2 và tiếp tục tăng giá những ngày sau đó, với việc giao tranh ở miền Đông Ukraine hạ nhiệt.
Sức ép không quá lớn từ các khoản nợ nước ngoài cũng là tiền đề thuận lợi đưa tới sự hồi phục đồng nội tệ của Nga. “Việc chi trả các khoản nợ nước ngoài là một nguyên nhân chính đưa đến sự sụp đổ của đồng ruble (hồi tháng 12/2014). Trong tháng 1 và tháng 2/2015, các khoản nợ đến hạn không nhiều và sức ép với đồng ruble vì thế giảm đi”, ông Devyatov bình luận. Cùng với đó, các hãng xuất khẩu lớn của Nga như Gazprom, Rosneft, Alrosa… cũng đã bán ra một lượng lớn ngoại tệ trong tháng 2, giúp đồng ruble tăng giá.
Hoài Thanh (
Theo The Moscowtimes)