Tại huyện biên giới Phong Thổ, tuy diện tích trồng dong riềng của các hộ gia đình ở trên nương cao, đường đi lại khó khăn, nhưng điều này không làm giảm tinh thần hăng say lao động của bà con bởi ai cũng “thắng vụ” dong riềng.
Gia đình chị Tẩn Lở Mẩy (dân tộc Dao), ở bản Lản Nhì Thàng, xã Lản Nhì Thàng, huyện Phong Thổ năm nay trồng hơn 1 ha dong riềng. Nhằm đẩy nhanh tiến độ thu hoạch, chị Mẩy đã đổi công và thuê thêm người dân trong bản. Đến nay, gia đình chị thu hoạch gần xong và đem lại thu nhập gần 100 triệu đồng.
Chị Mẩy chia sẻ, dong riềng năm nay được giá, thương lái về tận nơi thu mua, không phải mất công vận chuyển. Giá dong riềng năm nay cũng cao, chị bán được 2.500 đồng/kg. Năm ngoái dong riềng khó bán, phải đi xay thành bột mới bán được, mà giá cũng thấp một nửa.
Theo chị Mẩy, trồng dong riềng không mất nhiều công chăm sóc và chi phí đầu tư. Hàng năm, vào tháng 1 bà con trồng đến cuối năm được thu hoạch. Cả vụ chỉ làm cỏ 2 lần khi cây còn nhỏ. So với trồng lúa, ngô trước đây, cây dong riềng đem lại giá trị cao gấp nhiều lần. Gia đình chị sẽ tiếp tục gắn bó trồng cây dong riềng trong thời gian tới.
Tương tự, gia đình anh Phàn Ton Heng, bản Lản Nhì Thàng trồng gần 5.000 m2 dong riềng. Đến nay, gia đình anh thu được hơn 300 bao với trọng lượng hơn 20 tấn. Trừ chi phí, anh có thu nhập 40 triệu đồng từ dong riềng, góp phần nâng cao đời sống sinh hoạt cho gia đình.
Năm 2023, xã Lản Nhì Thàng triển khai 8/8 bản trồng 163 ha cây dong riềng. Giá bán năm nay cao, giá củ dao động từ 2.000 - 2.800 đồng/kg, giá bột 24.000 đồng/kg.
Ông Chang A Dua, Phó Chủ tịch UBND xã Lản Nhì Thàng cho hay, ngay từ cuối năm trước, xã chỉ đạo cán bộ chuyên môn tuyên truyền, vận động người dân chuyển đổi diện tích trồng ngô, sắn, lúa kém hiệu quả sang trồng dong riềng. Đến nay, trung bình mỗi hộ có thu nhập từ 80-100 triệu đồng, giúp người dân nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống. Đặc biệt, năm nay người dân có thu nhập cao từ dong riềng đã góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn xã từ 53,27% (năm 2022) xuống còn 44,43% (năm 2023). Năm tới, xã tiếp tục tuyên truyền bà con duy trì diện tích dong riềng hiện có, tận dụng đất đồi kém hiệu quả sáng trồng dong riềng.
Hiện huyện biên giới Phong Thổ có gần 400 ha dong riềng tập trung tại các xã Lản Nhì Thàng, Nậm Xe, Hoang Thèn, Ma Ly Pho. Ông Nguyễn Cảnh Đức, Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Phong Thổ cho biết, nhờ điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp và thuận lợi trồng cây dong riềng, nên năng suất đạt cao, trung bình từ 40-50 tấn/ha. Hiện bà con đang tranh thủ thời tiết thuận lợi, tập trung thu hoạch dong riềng; năm nay nhờ thương lái đến tận nơi thu mua nên người dân yên tâm về đầu ra, góp phần nâng cao đời sống cho người dân.
Thời gian tới, huyện Phong Thổ sẽ theo dõi thị trường; triển khai dự án hỗ trợ sản xuất dong riềng thông qua các chính sách từ Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi để xây dựng chuỗi liên kết sản xuất dong riềng cho người dân. Đồng thời, huyện kêu gọi thu hút các nhà liên kết mở rộng diện tích, nhằm đảm bảo sản lượng cũng như đầu ra cho người dân.
Hiện nay, cây dong riềng đã trồng ở nhiều địa phương ở Lai Châu như: Phong Thổ, Sìn Hồ, Tam Đường… và cho thấy được hiệu quả kinh tế cao. Theo người dân Lai Châu, thời vụ thu hoạch dong riềng bắt đầu từ 1/9 âm lịch, kéo dài trong khoảng gần 3 tháng thì kết thúc. Đây là loại cây dễ trồng, không đòi hỏi đầu tư vốn và công chăm sóc cầu kỳ, lại có khả năng chịu khô hạn tốt. Năng suất và chất lượng của dong riềng năm nay hơn năm ngoái do diện tích tăng và bà con chú ý phòng trừ sâu bệnh.
Tại thành phố Lai Châu, những ngày này, nông dân các bản vùng cao xã Sùng Phài đang hối hả bước vào mùa thu hoạch dong riềng. Bà con rất phấn khởi vì dong riềng được mùa mang lại hiệu quả kinh tế cao. Gia đình ông Chẻo Chản Ót, ở bản Sùng Phài, xã Sùng Phài nhận thấy trồng dong riềng hiệu quả, lại nhàn hơn so với các loại cây lúa, ngô. Từ đó, gia đình ông Ót đã chuyển diện tích đất kém hiệu quả sang trồng dong riềng. Năm nay, gia đình ông thu hoạch được 200 bao củ. Từ nguồn bán dong riềng, gia đình ông có nguồn thu nhập ổn định hơn trước. Để tiết kiệm chi phí và chủ động về cây giống, gia đình ông Ót đã chọn riêng những củ đẹp làm giống cho vụ sau, tiếp tục duy trì diện tích sản xuất.
Bà Sùng Thị Dẻ, Chủ tịch UBND xã Sùng Phài, thành phố Lai Châu cho biết, cây dong riềng được bà con trong xã trồng tập trung tại 3 bản Căn Câu, Sùng Phài, Sin Chải. Qua một năm trồng thử nghiệm cho thấy, cây dong riềng phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng và đem lại hiệu quả kinh tế cao. Năm vừa qua, xã phối hợp với Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp thành phố Lai Châu thường xuyên kiểm tra tình hình phát triển cây dong riềng; hướng dẫn bà con phòng bệnh. Có thể thấy, so với cây truyền thống (ngô, lúa), cây dong riềng đạt hiệu quả kinh tế gấp nhiều lần cây trồng khác.
Thời gian tới, xã khuyến khích bà con cải tạo đất, sử dụng đất chưa canh tác, đất kém hiệu quả sang trồng cây dong riềng. Việc tiêu thụ dong riềng với bà con Lai Châu khá thuận lợi, giá củ tươi và giá bột dong riềng được thương lái trả cao gấp đôi so với năm trước. Điều này giúp người dân có động lực gắn bó với cây dong riềng.