Động lực thúc đẩy tăng trưởng sau dịch COVID-19 từ mô hình kinh tế chia sẻ

Ngay từ những ngày đầu chống dịch COVID-19 theo Chỉ thị, định hướng của Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương, cả hệ thống chính trị thành phố Hải Phòng đã vào cuộc quyết liệt, có nhiều cách làm sáng tạo, có kỷ luật chặt chẽ, quản trị dịch tễ một cách khoa học đem lại hiệu quả cao.

Thế nhưng trong cuộc chiến kinh tế, những nỗ lực của thành phố này mới chỉ ở bước khởi đầu, những tiêu cực từ các biện pháp ngăn chặn đại dịch đã tác động rất lớn, làm gián đoạn chuỗi cung ứng quan hệ cung cầu đến việc giảm nhu cầu, sản xuất đình trệ, thất nghiệp gia tăng... Mô hình kinh tế chia sẻ sẽ giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của thành phố sau dịch.

Bước đầu chặn đại dịch

Chú thích ảnh
Đoàn xe tuyên truyền lưu động về cách phòng, chống dịch COVID-19. Ảnh: An Đăng/TTXVN

Đến thời điểm này, Hải Phòng chưa ghi nhận ca dương tính virus SARS-CoV-2 và được nhân dân tin yêu đồng lòng ủng hộ. Hải Phòng tận dụng từng giờ để triển khai các biện pháp phòng, chống dịch. Từ các tầng lớp nhân dân, đến tri thức, cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân phát huy tinh thần yêu nước, lòng nhân ái trách nhiệm của mình cùng tham gia phòng chống dịch bệnh. Đó là một phong trào lan tỏa mà chưa khi nào khí thế và tính đoàn kết xã hội lại bền chặt, sát cánh và sẻ chia như vậy, có lẽ chính là sự hun đúc tâm thế của người Hải Phòng. 

Trong môi trường thành phố chưa có dịch bệnh cũng là điều kiện để phát triển kinh tế - xã hội... Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp ở Hải Phòng cho rằng, đạt được thành tích ngăn chặn phòng chống đại dịch một cách hiệu quả, khoa học và an toàn. Nhưng, trong kinh tế, những nỗ lực mới chỉ ở bước khởi đầu, những tiêu cực từ các biện pháp ngăn chặn đại dịch đã tác động rất lớn đến kinh tế toàn cầu, từ tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng quan hệ cung cầu đến việc giảm nhu cầu, sản xuất đình trệ, thất nghiệp gia tăng kéo theo nguy cơ vỡ nợ, phá sản của doanh nghiệp và tâm lý lo ngại rủi ro, thậm chí quan ngại của các nhà đầu tư... 

Ông Phạm Hồng Điệp, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty cổ phần SHINEC chia sẻ, sau khi họp với hơn 100 hiệp hội doanh nghiệp trên cả nước Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc đã công bố kết quả khảo sát của VCCI là khoảng 30% doanh nghiệp chỉ duy trì được hoạt động không quá 3 tháng, 50% chỉ trụ được nửa năm đầu nếu dịch COVID-19 kéo dài. Dịch đang là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng suy giảm của doanh nghiệp. 

Vì vậy, coi cuộc chiến kinh tế với mục tiêu đẩy lùi suy thoái, duy trì tăng trưởng đảm bảo an sinh xã hội, công ăn việc làm cho người lao động thì đội ngũ doanh nhân là những "chiến sĩ" trên tuyến đầu trong cuộc chiến kinh tế cũng như các "chiến sĩ" áo trắng đang ngày đêm đối diện với hiểm nguy... Cả hai cuộc chiến đều khốc liệt trong cùng một thời điểm hiện nay.
 
Phát triển mô hình kinh tế chia sẻ     

Có thể nói, Hải Phòng trong những năm gần đây đã có bước phát triển vượt bậc trên tất cả các lĩnh vực từ phát triển kinh tế, an sinh xã hội đến an ninh quốc phòng, tạo ra một thế trận lòng dân vững chắc. 

Trong quý I/2020, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) ước tăng 14,9%, gấp 3,9 lần tốc độ tăng của bình quân chung cả nước (3,82%). Kim ngạch xuất khẩu ước đạt trên 4 tỷ USD, tăng trên 15% so với cùng kỳ. Thu hút FDI đạt gần 200 triệu USD, gấp hơn 2,2 lần so với cùng kỳ...

Tuy nhiên, cũng trong quý I, dịch COVID-19 đã tác động mạnh đến nền kinh tế Việt Nam nói chung và kinh tế thành phố Cảng nói riêng. Theo ông Phạm Hồng Điệp, cần nghĩ ngay đến mô hình kinh tế chia sẻ sau dịch bệnh với sự bùng nổ của các thành tựu khoa học công nghệ, kinh tế chia sẻ sẽ có những phát triển đột phá và là yếu tố cốt lõi của nền kinh tế số hiện nay. 

Kinh tế chia sẻ cũng được coi là hoạt động tái thiết kinh tế, trong đó các cá nhân ẩn danh có thể sử dụng các tài sản nhàn rỗi, tài sản khó khôi phục thông qua các nền tảng kết hợp trên internet. Đó là mô hình kết nối để những người tiêu dùng có thể tận dụng nguồn lực dư thừa của nhau tạo ra giá trị gia tăng mới để phát triển kinh tế, xã hội. 

Khu công nghiệp Nam Cầu Kiền do Công ty cổ phần SHINEC làm chủ dự án trải dài trên địa bàn 4 xã gồm Kiền Bái, Thiên Hương, Lâm Động, Hoàng Động thuộc huyện Thủy Nguyên, thành phố Hải Phòng đang là mô hình mẫu về kinh tế chia sẻ.

Nam Cầu Kiền tiếp tục xây dựng một khu công nghiệp xanh, thân thiện với môi trường, hài hòa với mạng lưới an sinh nông thôn. Khu công nghiệp sinh thái này sẽ như một khu trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội của địa phương. Ở đó sẽ có doanh nghiệp chuyên trách xử lý nước thải, thu dọn rác công nghiệp, cung ứng thực phẩm, có hệ thống chợ ẩm thực, siêu thị giá rẻ, vườn hoa, công viên, khu vui chơi giải trí... 

Bạn Vũ Duy Mạnh từng là du học sinh chuyên ngành công nghệ thông tin tại Nhật Bản và hiện đang là kỹ sư đầu quân cho một doanh nghiệp tại khu công nghiệp Nam Cầu Kiền cho biết, trong điều kiện của Việt Nam có thể hiểu kinh tế chia sẻ là một phương thức kinh doanh mới của kinh doanh ngang hàng, một hệ thống kinh tế mà ở đó tài sản và dịch vụ được chia sẻ cho nhiều người sử dụng trên thị trường thông qua việc sử dụng các nền tảng số.

Cơ hội và lợi ích lớn nhất của kinh tế chia sẻ là việc tiết kiệm tài nguyên thông qua việc sử dụng tiết kiệm tài sản trong toàn bộ vòng đời của nó, tiết kiệm trong sử dụng tài sản, máy móc thiết bị, tiết kiệm tài nguyên đem lại giá trị gia tăng, tối ưu hoá lợi nhuận. 

Mô hình này rất phù hợp với mảng kinh tế dịch vụ, du lịch, thương mại, cảng biển, vận tải và logistics mà Hải Phòng đang là thế mạnh. Với sự sáng tạo của doanh nhân Hải Phòng thì đây là một trong những bước vượt tốc ngoạn mục để đứng dậy sau dịch.

Đứng dậy sau dịch

Tại thời điểm này, phần lớn các doanh nghiệp, nhà máy sản xuất công nghiệp, nhất là khối doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Hải Phòng đã giảm lực lượng lao động xuống từ 20-35%, với lý do giảm sản lượng đơn hàng, giảm nguồn cung nguyên liệu, tiết kiệm chi tiêu.

Làm thế nào để vực dậy nhanh được lĩnh vực công nghiệp này, nhiều doanh nghiệp nhận định, đây là một vấn đề rất khó trả lời vì nó vận hành theo quy luật cung cầu... mà thông qua đại dịch này cả hệ thống chính trị trên thế giới cũng như Việt Nam cần có cách nhìn khác về sự phát triển kinh tế và ứng xử với nhau trong xã hội. Đó là sự dịch chuyển và chuyển đổi từ một nền kinh tế truyền thống sang nền kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ... Theo đó, cần phải thay đổi cả hệ thống, trong đó phát huy vai trò của các bên liên quan gồm Nhà nước và doanh nghiệp hết sức quan trọng.

Kinh tế tuần hoàn là một xu hướng phát triển bền vững đạt được cả hai mục tiêu, ứng phó với sự cạn kiệt của tài nguyên đầu vào và tình trạng ô nhiễm môi trường trong phát triển đầu ra, xử lý triệt để, tiết kiệm nguyên liệu, tiết kiệm chi phí áp dụng được cả ở công nghiệp và nông nghiệp, tránh được các cơn bão và khủng hoảng kinh tế... an toàn một cách bền vững. 

Theo ông Phạm Hồng Điệp, chính vì điều này cần phải có một hành lang pháp lý rõ ràng. Thủ Tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo phát triển kinh tế tuần hoàn vào sự phát triển của nền kinh tế. Cho hình thành và phát triển các mô hình kinh tế tuần hoàn; trong đó, doanh nghiệp là động lực trung tâm, Nhà nước đóng vai trò kiến tạo, các tổ chức và từng người dân thực hiện và đây là thời điểm thuận lợi để ổn định phát triển, bứt phá kinh tế sau đại dịch.    

Hải Phòng chỉ đạo, điều hành, định hướng... doanh nghiệp doanh nhân Hải Phòng làm nòng cốt và cần lắm một sự sẻ chia, đồng cảm trên cơ sở luật pháp và lời động viên kịp thời từ các cấp chính quyền để tạo động lực cho giới doanh nhân an tâm sáng tạo, lao động sản xuất ra của cải vật chất cho xã hội và cống hiến xây dựng đất nước, xây dựng thành phố Cảng ngày một giàu mạnh.

"Cùng với các gói cứu trợ, các gói kích cầu mà Đảng, Chính phủ đang khẩn trương thực hiện có hiệu quả, thì gói kích thích kinh tế lớn nhất lúc này là tìm kiếm sự không đồng bộ của luật pháp và sự chồng chéo trong các văn bản hướng dẫn, nhằm giảm thiểu được các thủ tục và mọi rào cản được giải quyết triệt để. Điều này nhằm nuôi dưỡng và phát triển doanh nghiệp đứng vững và vượt qua sự suy thoái kinh tế toàn cầu sau dịch...", ông Phạm Hồng Điệp nói.   

Đoàn Minh Huệ (TTXVN)
Có thể cách ly thêm một thôn của xã Mê Linh để phòng chống dịch COVID-19
Có thể cách ly thêm một thôn của xã Mê Linh để phòng chống dịch COVID-19

Ổ dịch COVID-19 tại thôn Hạ Lôi (Mê Linh, Hà Nội) đang diễn biến phức tạp, huyện Mê Linh đề xuất mở rộng xét nghiệm sang các hộ dân thuộc thôn Liễu Trì và chuẩn bị phương án có thể cách ly toàn bộ thôn Liễu Trì, xã Mê Linh nếu tại thôn có trường hợp dương tính với vi rút SARS-CoV-2.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN