Ông Hoàng Mai Tùng, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án 1 (Ban Quản lý đường sắt đô thị TP Hồ Chí Minh) cho biết, việc đóng điện trạm Bình Thái là bước chuyển giai đoạn từ sử dụng điện tạm sang sử dụng điện vĩnh cửu, chuẩn bị cho các hoạt động kiểm tra và vận hành thử. Sau khi đóng điện, các đơn vị sẽ tiến hành thử nghiệm thiết bị tại khu vực depot (bao gồm các tòa nhà vận hành và bảo dưỡng, xưởng bảo dưỡng, bãi đỗ, nhà vệ sinh tàu...) và các nhà ga.
Trạm biến áp Tân Cảng và trạm biến áp Bình Thái có nhiệm vụ tiếp nhận điện cung cấp cho tuyến metro số 1. Dự kiến, trạm Tân Cảng sẽ đóng điện cuối năm 2021, khi đó dự án sẽ có đầy đủ nguồn điện vĩnh cửu cung cấp cho việc chạy tàu và vận hành tuyến.
Cũng trong sáng 13/7, tàu vận chuyển đã đưa hai đoàn tàu số 6 và số 7 của tuyến metro số 1 từ Nhật Bản về tới cảng Khánh Hội (Quận 4, TP Hồ Chí Minh). Chiều cùng ngày, việc bốc dỡ hai đoàn tàu lên các xe chuyên dụng bắt đầu được thực hiện. Dự kiến từ nay đến 16/7, nhà thầu sẽ vận chuyển lần lượt các đoàn tàu về depot Long Bình (thành phố Thủ Đức) và đặt lên các đường ray tại depot.
Việc vận chuyển lần này được đơn vị vận chuyển siết chặt nhằm đảm bảo phòng, chống dịch, số lượng công nhân, kỹ sư được giới hạn để đảm bảo giãn cách, phải xét nghiệm và đảm bảo 5K suốt quá trình làm việc. Đợt này, đơn vị vận chuyển cũng sử dụng thiết bị chuyên chở hiện đại hơn; trong đó, xe chuyên dụng là dạng module ghép trục, có thể lái được tất cả các bánh, có chức năng nâng hạ độ cao và có thể kéo được cả hai đầu.
Trước đó, tháng 10/2020, đoàn tàu đầu tiên của metro số 1 được lắp đặt thành công tại depot Long Bình. Đến nay, đã có 7 đoàn tàu trong tổng số 17 đoàn tàu của tuyến metro số 1 đã về tới TP Hồ Chí Minh.
Về kế hoạch vận hành thử, ông Hoàng Mai Tùng cho biết, chạy thử tuyến số 1 có rất nhiều giai đoạn từ yêu cầu đơn giản đến phức tạp, để đáp ứng các yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn trong vận hành. Theo kế hoạch, việc chạy thử dự kiến thực hiện vào cuối năm 2021 khi các hệ thống liên quan chạy tàu được lắp đặt và thử nghiệm phối hợp giữa các hệ thống với nhau thành công. Tuy nhiên, do dịch COVID-19 phức tạp, kế hoạch vận chuyển và điều động nhiều thiết bị và chuyên gia bị ảnh hưởng, có thể thời gian chạy thử sẽ phải điều chỉnh.
Theo ông Hoàng Mai Tùng, trước khi tiến hành thử nghiệm với toàn bộ hệ thống chạy tàu gồm 11 hệ thống, tiêu biểu như hệ thống thông tin tín hiệu, cấp điện trên cao, đường ray, giám sát tàu..., các đoàn tàu phải được tiến hành thử nghiệm kết hợp với từng hệ thống. Việc có thêm số lượng đoàn tàu được nhập khẩu, chuyên gia tư vấn và kỹ sư Việt Nam sẽ bắt đầu kiểm tra giao nhận, chuẩn bị cho kiểm tra chạy thử và kết hợp thử nghiệm với từng hệ thống riêng biệt.
Dự án xây dựng tuyến metro số 1 có tổng chiều dài 19,7 km, với 14 nhà ga, sử dụng nguồn vốn ODA của Nhật Bản. Hiện dự án đã hoàn thành 87% tổng khối lượng. Trong số đó, gói thầu CP1a đoạn ngầm từ ga Bến Thành đến ga Nhà hát Thành phố đạt 91,7%; CP1b đoạn ngầm từ ga Nhà hát Thành phố đến ga Ba Son đạt 98,3%; CP2 (đoạn trên cao và depot) đạt 93,63%; CP3 mua sắm thiết bị cơ điện, đầu máy toa xe, đường ray và bảo dưỡng về thiết bị đạt 72,7%.