Đồng bằng sông Cửu Long thu hút đầu tư chưa xứng tiềm năng

Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) hiện có nhiều lợi thế về nông nghiệp, tuy nhiên thu hút đầu tư vào vùng vẫn còn yếu và tập trung chủ yếu ở một vài tỉnh trọng điểm. Để có thể thu hút đầu tư và khai thác được tiềm năng của vùng, cần có thêm những chính sách và đầu tư hạ tầng cho riêng vùng.

Tiềm năng lớn, khai thác kém

Tại Hội nghị xúc tiến thương mại, đầu tư nông nghiệp - nông thôn vùng ĐBSCL (trong khuôn khổ MDEC Sóc Trăng 2014) diễn ra sáng 6/11 tại TP Sóc Trăng, bà Victoria Kwakwa, Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, cho rằng ĐBSCL không chỉ là vựa lúa và vựa cá lớn nhất của Việt Nam mà còn là nguồn cung ứng lương thực cho thế giới qua việc xuất khẩu gạo và sản phẩm thủy sản. Đây là lợi thế tiềm năng rất lớn của vùng. Bên cạnh đó, tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn vùng hàng năm đạt trên 8% (dự kiến năm 2014 đạt 8,14%) đã tạo sự ổn định cho nền kinh tế, tạo tiền đề để thu hút các nhà đầu tư.

Các doanh nghiệp đầu tư ký kết văn bản ghi nhớ đầu tư với lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng tại hội nghị đầu tư vùng ĐBSCL.


Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT), tính đến giữa năm 2014, toàn vùng ĐBSCL có khoảng 38.000 doanh nghiệp có vốn đầu tư trong nước đang hoạt động, trong đó tập trung nhiều nhất ở 5 tỉnh: Cần Thơ, An Giang, Long An, Tiền Giang và Kiên Giang. Bên cạnh đó, tính đến tháng 9/2014, tại ĐBSCL đã có 903 dự án FDI còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 11,8 tỷ USD, trong đó tỉnh Long An đứng đầu với 536 dự án, tiếp đến là Kiên Giang và Tiền Giang.

“Với ý chí quyết tâm cao, tinh thần sẵn sàng hợp tác, chúng tôi mong muốn các nhà đầu tư, các doanh nghiệp trong nước, các tổ chức quốc tế, tìm hiểu 67 dự án trọng điểm ưu tiên trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn của 13 tỉnh, thành phố trong vùng, với tổng vốn đầu tư khoảng 22.000 tỷ đồng và 1,4 tỷ USD để cùng hợp tác đầu tư trong thời gian tới”, ông Nguyễn Phong Quang, Phó Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ kêu gọi tại hội nghị.

Mặc dù thu hút đầu tư tương đối, nhưng theo đánh giá của Bộ KHĐT, ngành công nghiệp sản xuất ở ĐBSCL chủ yếu là sản phẩm sơ chế, chưa có nhiều sản phẩm chế biến sâu. Theo đó, mặc dù chế biến thủy sản là ngành công nghiệp mũi nhọn, luôn chiếm tỷ trọng và có tốc độ tăng trưởng cao trong vùng, nhưng sản phẩm chế biến chỉ dừng lại ở mức là cá tra phi lê, tôm đông lạnh, mực đông lạnh… chưa kể hệ số sử dụng công suất chế biến thủy sản đông lạnh đạt thấp. Trong khi đó, các cơ sở chế biến thức ăn chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản chưa phát triển; công suất xay xát và chế biến gạo xuất khẩu chưa tương ứng với nguồn nguyên liệu của địa phương, công nghệ xay xát lạc hậu tiêu tốn nhiều năng lượng và tỷ lệ hao hụt cao.

Theo ông Dương Quốc Xuân, Phó Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ, mặc dù công nghiệp chế biến được xem là tối cần thiết để nâng cao giá trị sản phẩm chủ lực ở ĐBSCL, nhưng việc thu hút đầu tư vào lĩnh vực này gặp rất nhiều khó khăn. “Sở dĩ nhà đầu tư trong nước và nước ngoài không tích cực, hăng hái đầu tư bởi đầu tư vào lãnh vực nông nghiệp nói chung và lĩnh vực chế biến nói riêng có độ rủi ro cao, thời gian thu hồi vốn chậm, tuy nhiên chính sách đầu tư lại không có gì ưu đãi mà vẫn áp dụng như những lĩnh vực đầu tư khác. Đó là điều bất hợp lý”, ông Xuân nói. Còn theo đánh giá của TS Đoàn Duy Khương, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, mặc dù có nhiều lợi thế cạnh tranh, tuy nhiên nền kinh tế khu vực ĐBSCL vẫn chưa phát triển tương xứng với tiềm năng và còn nhiều khó khăn về điều kiện để phát triển như: giao thông, giáo dục, thương mại và dịch vụ…

Cần thêm chính sách đầu tư vào nông nghiệp

Thứ trưởng Bộ KHĐT Nguyễn Văn Hiếu cho rằng, tăng cường thu hút đầu tư là then chốt trong việc tái cơ cấu nông nghiệp vùng ĐBSCL hiện nay. Tuy nhiên, để có thể thu hút đầu tư mang lại hiệu quả, thì cần có những chính sách “đủ mạnh”, đầu tư đồng bộ vào cơ sở hạ tầng; chất lượng nguồn nhân lực; quy hoạch và định hướng chung cho phát triển mang tính kinh tế vùng; có chiến lược chung, đồng bộ và có tính liên kết.

Trong khi đó, theo bà Victoria Kwakwa, cần phải tăng cường vốn FDI cho nông nghiệp ĐBSCL. “ĐBSCL góp phần “nuôi” thế giới qua việc xuất khẩu gạo và sản phẩm thủy sản nhưng chỉ có phần nhỏ FDI dành cho nông nghiệp, chỉ chiếm 1,5% (3,6 triệu USD) trong tổng lượng vốn FDI cam kết tại Việt Nam”, bà Victoria Kwakwa cho biết. Theo bà Victoria Kwakwa, muốn thu hút đầu tư tốt, các địa phương cần có mục tiêu, chiến lược xúc tiến đầu tư cụ thể.

Chẳng hạn với lúa gạo, thì cần huy động các hội nông dân quan tâm đến phát triển các giống đặc sản trong trường hợp nhà đầu tư sẵn sàng xây dựng nhà máy gạo chuyên dụng trong vùng lân cận; tiến hành đánh giá sâu hơn về các thị trường toàn cầu và khu vực cho các sản phẩm dựa vào lúa gạo và xác định các sản phẩm cụ thể để sản xuất tại Việt Nam; xác định các tỉnh tiềm năng trở thành địa điểm hấp dẫn đối với các nhà đầu tư chế biến; chuẩn bị tài liệu xúc tiến mô tả địa điểm và mục tiêu, cơ hội cho nhà đầu tư; khởi động tiếp cận các công ty chế biến thực phẩm toàn cầu và khu vực như ADM, Conagra, General Mills, Kraft, Meiji, Nissin; làm việc với các công ty quan tâm và chính quyền địa phương chuẩn bị các địa điểm, tạo thuận lợi cho đầu tư…

Trong khi đó, theo ông Dương Quốc Xuân, nông dân hiện chịu áp lực rất lớn đầu vào và đầu ra, trong đó khâu chế biến là rất quan trọng để tăng giá trị sản phẩm nông nghiệp. “Cái cần hiện nay là chính sách. Việc đầu tư nông nghiệp phức tạp, khó khăn và rủi ro lớn nhưng chính sách lại bằng như những lĩnh vực khác, điều đó bất hợp lý. Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ cũng đã trao đổi với Bộ Nông nghiệp và Bộ Công Thương để cùng nhau có ý kiến đề xuất Chính phủ xử lý vấn đề này. Đành rằng luật thuế và chính sách thuế do ta đưa ra nhưng cái nào không phù hợp cuộc sống thì cần điều chỉnh”, ông Xuân nói. Còn theo ông Nguyễn Phong Quang, Phó Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ, trăn trở nhất hiện nay của vùng là làm thế nào để phát triển tiềm năng, thế mạnh của mình qua việc kêu gọi đầu tư vào phát triển nông nghiệp nông thôn theo hướng liên kết vùng, đưa khoa học kỹ thuật áp dụng vào sản xuất.

Bài và ảnh: M.T-Anh Đức
Liên kết vùng đồng bằng sông Cửu Long
Liên kết vùng đồng bằng sông Cửu Long

Vấn đề tái cơ cấu kinh tế chuyển đổi mô hình tăng trưởng để biến vùng kinh tế trọng điểm ĐBSCL thực sự là vùng kinh tế trọng điểm của cả nước, phát triển bền vững đã được đưa ra bàn luận sôi nổi tại hội thảo Liên kết vùng đồng bằng sông Cửu Long...

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN