Do đó việc xâu chuỗi, gắn kết 3 yếu tố cùng với mục tiêu tuần hoàn, linh hoạt hướng đến bảo vệ môi trường, bảo vệ sức khỏe con người khi sản xuất là điểm trọng tâm khi thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW, ngày 16/6/2022, Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Bảo vệ môi trường
Theo các chuyên gia, nông nghiệp tuần hoàn là quá trình sản xuất theo chu trình khép kín thông qua việc ứng dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật, công nghệ sinh học, công nghệ hóa lý vào việc tái chế các chất thải, phế phụ phẩm để làm nguyên liệu đầu vào cho quá trình sản xuất, chế biến nông, lâm, thủy sản. Thông qua quá trình này, không chỉ tạo ra được các sản phẩm chất lượng cao, an toàn mà còn giảm thiểu tối đa lượng chất thải ra môi trường, đồng thời góp phần nâng cao nhận thức của người dân về tái sử dụng phụ phẩm, phế phẩm trong sản xuất nông nghiệp gắn liền với việc bảo vệ môi trường. Với xu hướng phát triển kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp, góp phần vào định hướng giải quyết những thực trạng về biến đổi khí hậu mà các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long đang đối mặt.
Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, tổng khối lượng phụ, phế phẩm nông nghiệp cả nước khoảng 156,8 triệu tấn. Trong khối lượng phụ, phế phẩm này, có 88,9 triệu tấn phụ phẩm sau thu hoạch từ cây trồng, quá trình chế biến nông sản của ngành trồng trọt (chiếm 56,7%) 61,4 triệu tấn phân gia súc, gia cầm từ ngành chăn nuôi chiếm 39,1% và gần 1 triệu tấn từ ngành thủy sản...
Ước tính khối lượng phụ phẩm cây trồng và chất thải rất lớn, với 42,7 triệu tấn lúa thì 60 triệu tấn phụ phẩm từ rơm, vỏ trấu, cám gần 10 triệu tấn phế phụ phẩm từ sản xuất ngô hơn 850 nghìn tấn phế phụ phẩm từ khoai lang trên 12 triệu tấn phế phụ phẩm từ sắn…
TS. Trần Công Thắng, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn đánh giá, nguồn phế phụ phẩm này cần được xem là đầu vào quan trọng, kéo dài chuỗi giá trị gia tăng trong nông nghiệp. Nếu tận dụng được toàn bộ khối lượng khổng lồ phế phẩm này sẽ đạt giá trị sản xuất nông nghiệp vô cùng lớn, tăng từ 30 - 100%.
Hiện nay, nông nghiệp tuần hoàn được ứng dụng tại rất nhiều địa phương khu vực Đồng bằng sông Cửu Long như Tiền Giang, Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang… Những địa phương này có nhiều thế mạnh về lúa gạo, trái cây và thủy sản, nguồn nguyên liệu chủ yếu cho phục vụ chế biến và xuất khẩu. Do đó, việc áp dụng nông nghiệp tuần hoàn sẽ mang lại hiệu quả cao hơn trong sản xuất và tiêu thụ, nhất là sản xuất an toàn cho môi trường, tăng hiệu quả về thu nhập cho nông dân.
Ông Phạm Thiện Nghĩa, Chủ tịch UBND Đồng Tháp chia sẻ, phát triển kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp sẽ góp phần thực hiện hiệu quả Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp giai đoạn 2021 - 2025 tầm nhìn đến năm 2030 theo hướng phát triển nông nghiệp bền vững, nâng cao giá trị gia tăng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh nông sản. Đồng Tháp cũng đẩy mạnh thu hút đầu tư vào phát triển nông nghiệp công nghệ số, tự động hóa, quản trị tiên tiến, nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, thích ứng với biến đổi khí hậu, hình thành trung tâm cơ giới hóa nông nghiệp và phát triển công nghiệp chế biến nông sản.
Tỉnh tiếp tục phát triển các sản phẩm chủ lực (lúa, cá tra, hoa kiểng, xoài, sen) và các ngành hàng có tiềm năng, hình thành và phát triển bền vững các vùng sản xuất nông thủy sản quy mô tập trung, sản xuất theo chuỗi giá trị của từng loại sản phẩm. Qua đó, từng bước tiến hành tiêu chuẩn hóa hệ thống nuôi trồng gắn với truy xuất nguồn gốc, đưa sản phẩm nông nghiệp tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Tăng hiệu quả kinh tế
Kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp là tái sử dụng các phế phẩm nông nghiệp làm nguyên, phụ liệu cho hoạt động sản xuất tiếp theo. Điều này cho thấy, những thứ trước kia bỏ đi, hiện nay có thể thành nguyên liệu giá rẻ, tiết kiệm chi phí đầu vào cho sản xuất, vừa giảm chi phí xử lý phế phẩm. Bài toán chi phí cho thấy rõ hiệu quả của nông nghiệp tuần hoàn.
Nông nghiệp tuần hoàn đã tồn tại ở Việt Nam từ rất lâu đời trong các hệ thống canh tác như vườn - ao - chuồng; vườn - ao - chuồng - rừng; xen canh, gối vụ. Trong các hệ thống này, chất thải của chăn nuôi được sử dụng để phục vụ cho trồng trọt, phụ phẩm trồng trọt được sử dụng để làm thức ăn cho vật nuôi và nuôi trồng thủy sản. Tuy nhiên, nông nghiệp tuần hoàn trước đây chỉ mang tính manh mún, nông hộ, lấy tiết kiệm làm lợi nhuận của từng hộ gia đình.
Hiện nay, Nghị quyết 19-NQ/TW về nông nghiệp, nông dân và nông thôn đã đưa ra một hướng đi thống nhất cho nông nghiệp tuần hoàn, đưa các mô hình tiết kiệm làm lợi nhuận của các nông hộ mở rộng quy mô lớn hơn, xứng tầm hơn với vai trò nguyên liệu chủ yếu cho chế biến và xuất khẩu.
Đặc biệt, phát triển sản xuất và tiêu thụ lúa gạo tuần hoàn là mục tiêu trong ngành nông nghiệp. Thông tin từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho thấy, phát thải khí metan và cacbonic từ sản xuất lúa gạo chiếm 25% tổng phát thải sản xuất nông nghiệp. Vì vậy, ứng dụng nông nghiệp tuần hoàn là nền tảng giúp giảm phát thải trong sản xuất lúa gạo, bảo vệ môi trường sản xuất.
Ông Đỗ Hà Nam, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tập đoàn Intimex, cho biết, hằng năm, Việt Nam sản xuất khoảng 43 triệu tấn lúa (trên 21 triệu tấn gạo). Ngành lúa gạo Việt Nam với mục tiêu "Hiện đại, tuần hoàn và phát thải thấp" những năm qua đã làm được nhiều điều thế giới khâm phục. Tuy nhiên, hiện nay sản xuất lúa gạo vẫn còn sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Do đó, khi ứng dụng nông nghiệp tuần hoàn thì phải giảm các danh mục này để tăng chất lượng sản phẩm.
Ông Trần Anh Thư, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang chia sẻ, ngành nông nghiệp An Giang nói riêng và khu vực Đồng bằng sông Cửu Long nói chung đã dần hình thành các chuỗi liên kết chặt chẽ, từ cây lúa đến trái cây, thủy sản, tùy thuộc quy mô, nhu cầu và năng lực của doanh nghiệp, cơ bản định hướng người dân thay đổi tư duy trong việc không nên sản xuất tự phát và không ký kết hợp đồng tiêu thụ với doanh nghiệp.
Ứng dụng nông nghiệp tuần hoàn giúp nông dân đổi mới công nghệ hiệu quả trên diện rộng, giúp tăng hiệu quả sản xuất, giảm phát thải khí nhà kính, hạn chế được tình trạng đốt rơm, rạ như trước kia. Nông nghiệp hiện đại, tuần hoàn, phát thải thấp hiện là xu hướng tương lai cần thực hiện, nếu không sẽ khó xuất khẩu sản phẩm ra thị trường thế giới.