Bài 1: Chuyển đổi tư duy sản xuất
Đồng bằng sông Cửu Long là vựa lúa, thủy sản, trái cây lớn nhất cả nước, cung ứng nguồn nguyên liệu cho chế biến và xuất khẩu. Đây cũng là khu vực tạo nên sản phẩm cung ứng cho nhu cầu tiêu dùng của cả nước. Với xu thế hội nhập hiện nay, tiêu chí sản xuất an toàn và an toàn sản xuất được đặt lên hàng đầu để đảm bảo cho sức khỏe người tiêu dùng lẫn người sản xuất. Chính vì vậy, thay đổi tư duy phát triển nông nghiệp là cách thức tất yếu để phát triển một nền nông nghiệp bền vững.
Nông thôn phát triển
Nâng cao vai trò, vị thế, năng lực làm chủ, cải thiện toàn diện đời sống vật chất của người dân nông thôn vốn nằm trong các chương trình phát triển nông nghiệp, nông thôn của Chính phủ.
Để có thể hoàn thiện chương trình, đưa nông thôn Việt Nam nói chung, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long nói riêng lên tầm phát triển mới, cần có sự nỗ lực hướng dẫn của chính quyền địa phương, chung sức, đồng lòng của người dân nơi đây.
Theo Nghị quyết 26-NQ/CP ban hành chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 19-NQ/TW về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045, Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp cùng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các bộ, ngành, cơ quan liên quan đưa khu vực nông thôn Việt Nam có hướng đi mới trong phát triển kinh tế hiện nay.
Một trong những vấn đề then chốt chính là thay đổi phương thức sản xuất, thay đổi tư duy sản xuất để phù hợp hơn với tình hình mới, khẳng định vị thế của người dân nông thôn Việt Nam trên thị trường thế giới.
Là một trong 13 tỉnh thuộc Đồng bằng sông Cửu Long, Kiên Giang có tiềm năng, vị thế lớn về cây lúa, thủy, hải sản. Đây cũng là địa phương có đóng đóng góp lớn về nguyên liệu cho các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu, góp phần đưa hình ảnh nông sản Việt Nam ra thị trường thế giới mạnh mẽ hơn.
Thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW, tỉnh Kiên Giang gắn với triển khai thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn đạt nhiều kết quả thiết thực. Lãnh đạo tỉnh Kiên Giang nhấn mạnh, nông nghiệp của tỉnh đã phát triển cả về quy mô và trình độ sản xuất, bảo đảm an ninh lương thực, xuất khẩu nông sản.
Nông dân Kiên Giang cũng đã phát huy tốt hơn vai trò chủ thể, tích cực trong chuyển đổi cơ cấu sản xuất, ứng dụng khoa học - công nghệ, chuyển đổi tư duy từ sản xuất truyền thống sang sản xuất hàng hóa. Nông thôn có sự thay đổi rõ rệt, khởi sắc và từng bước rút ngắn khoảng cách với đô thị. Dù sản xuất gặp nhiều bất lợi nhưng năm 2022 tỉnh đã có kết quả phát triển kinh tế - xã hội rất ấn tượng. GDP toàn tỉnh đạt mức tăng trưởng 7,7%, cao nhất trong nhiều năm qua. Tổng sản phẩm ước đạt 68.000 tỷ đồng; trong đó, lĩnh vực nông nghiệp Kiên Giang chiếm trên 40%. Riêng ngành nông nghiệp đã hoàn thành đạt và vượt tất cả các chỉ tiêu được giao, ông Lê Quốc Anh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang chia sẻ.
Theo Ông Lê Hữu Toàn, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kiên Giang, vượt qua một năm nhiều khó khăn, nhất là giá vật tư nông nghiệp, giá xăng dầu tăng cao nhưng ngành nông nghiệp đã tổ chức sản xuất đạt và vượt nhiều chỉ tiêu được giao. Trong đó, tổng diện tích lúa gieo trồng năm 2022 là gần 700.000/704.000 ha, sản lượng lúa thu hoạch đạt trên 4,4 triệu tấn, trong đó, có 5.400 ha sản xuất lúa đạt chuẩn chứng nhận hữu cơ, VietGAP, GlobalGAP và tiêu chuẩn SRP,…
Tỉnh đã được Cục Bảo vệ thực vật cấp 101 mã số vùng trồng 11 loại cây trồng, gồm: lúa, xoài, bưởi, chuối, khóm, gừng, khoai lang, khoai môn, măng cụt, mít và sầu riêng. Riêng lĩnh vực thủy sản, tỉnh Kiên Giang định hướng tăng cường hoạt động nuôi thủy sản mặn, lợ, ngọt để bổ sung sản lượng, cũng như tái cấu trúc lại lĩnh vực khai thác thủy sản theo hướng phát triển bền vững. Tổng sản lượng nuôi trồng ước đạt hơn 800.000 tấn năm 2022. Nhiều sản phẩm nông nghiệp của Kiên Giang đã được xuất khẩu sang châu Âu, Mỹ, Nhật Bản. Sản phẩm nông nghiệp của Kiên Giang cũng đã được đa dạng hóa, chất lượng tốt, duy trì tăng trưởng ở mức khá cao, khẳng định vị thế quan trọng là trụ đỡ của nền kinh tế. Sản xuất kinh doanh nông nghiệp chuyển mạnh theo hướng nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng, an toàn, hiệu quả và bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu, ông Lê Hữu Toàn cho biết thêm.
Cùng với đó, tỉnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với từng tiểu vùng sinh thái và điều kiện tự nhiên, nhất là chuyển đổi hàng chục nghìn ha đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng các loại cây trồng khác và kết hợp nuôi trồng thủy sản mang lại hiệu quả kinh tế cao. Đồng thời, tăng cường chuyển đổi cơ cấu giống, ứng dụng khoa học kỹ thuật, cơ giới hóa để tăng năng suất, chất lượng cây trồng, vật nuôi, giảm chi phí sản xuất.
Đối với trồng lúa chú trọng phát triển liên kết sản xuất theo mô hình cánh đồng mẫu lớn, cánh đồng lớn gắn với tiêu thụ, tăng diện tích lúa chất lượng cao, đảm bảo chế biến gạo đạt chuẩn xuất khẩu. Nuôi trồng thủy sản, tỉnh phát triển nhanh nuôi tôm công nghiệp – bán công nghiệp, từng bước sản xuất theo chuỗi giá trị, ứng dụng công nghệ cao để tăng năng suất, chất lượng.
Thay đổi sản xuất
Với thế mạnh cá tra và cây lúa, tỉnh An Giang, nông nghiệp tiếp tục khẳng định vai trò nền tảng, là bệ đỡ quan trọng giúp kinh tế An Giang vượt qua khó khăn trong bối cảnh suy thoái kinh tế và đại dịch COVID-19. Ngành nông nghiệp ngoài việc đảm nhiệm vai trò an ninh lương thực còn mang về giá trị kim ngạch lớn.
Với nhiệm vụ thực hiện nghị quyết 19-NQ/TW về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045, tỉnh An Giang cũng đã có những chuyển biến lớn trong sản xuất nông nghiệp. Theo ông Nguyễn Sĩ Lâm, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh An Giang, đã đến lúc An Giang phải bắt tay ngay vào chuyển đổi số trong nông nghiệp, nông dân, nông thôn.
Bắt đầu từ việc xây dựng và hình thành các mã vùng trồng cho các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh như cá tra, lúa gạo, xoài, rau màu,… xem đây là một cuộc cách mạng nhằm thay đổi tư duy của người nông dân trong sản xuất nông nghiệp, nếu không sẽ lỡ nhịp. Giai đoạn 2016 - 2020, An Giang đã tập trung triển khai đồng bộ nhiều chương trình, đề án lớn như tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu cây trồng từ lúa sang rau màu và cây ăn trái, phát triển thủy sản bền vững…
Giai đoạn 2020 - 2025, An Giang từng bước hình thành được các vùng sản xuất chuyên canh, tập trung quy mô lớn đối với các sản phẩm chủ lực của tỉnh như: cá tra, trái cây, rau màu, lúa nếp gắn với liên kết, tiêu thụ theo chuỗi giá trị nông sản, đảm bảo chất lượng và nhu cầu thị trường.
Cơ cấu sản xuất nông nghiệp của tỉnh An Giang cũng chuyển dịch theo hướng tăng thủy sản, trái cây, giảm lúa, công tác nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao khoa học kỹ thuật, quy trình sản xuất tiên tiến; các tiêu chuẩn chất lượng VietGAP, GlobalGAP… được tăng cường áp dụng.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan nhìn nhận: An Giang thực hiện chuyển đổi từ tuy duy “sản xuất nông nghiệp” sang tư duy “kinh tế nông nghiệp” để tạo ra giá trị gia tăng cao hơn cho các sản phẩm nông nghiệp, ban đầu có thể không nhiều, nhưng chất lượng hơn.
Về lâu dài, khi sản phẩm nông nghiệp có thương hiệu, lợi nhuận sẽ cao hơn, chi phí sản xuất thấp và bảo vệ môi trường. Từ đó, hướng đến phát triển nền nông nghiệp dựa trên hệ sinh thái bền vững, vì sức khỏe cộng đồng, giải quyết được ổn thỏa bài toán sản xuất và thích ứng.
Cùng với đó, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại ngành nông nghiệp không đơn thuần là phân bổ, điều chuyển quy mô, tăng giảm nội ngành mà đó là quá trình chuyển đổi mô hình sản xuất, thay đổi tư duy lẫn phương thức sản xuất. Chuyển từ phát triển dựa vào doanh nghiệp dẫn đầu sang kết hợp doanh nghiệp dẫn đầu và doanh nghiệp nhỏ, doanh nghiệp vừa, doanh nghiệp khởi nghiệp. Cùng đó, chú trọng tạo dựng và phát triển đa dạng hệ sinh thái, chuyển từ sản xuất đơn ngành sang sản xuất đa ngành.
Bài cuối: Tạo nền kinh tế tiết kiệm