Dồn sức gỡ khó cho sản xuất kinh doanh cuối năm

Theo đánh giá của Bộ Công Thương, khó khăn lớn nhất trong sản xuất công nghiệp hiện nay vẫn là nhu cầu vốn tăng cao do mặt bằng giá các yếu tố sản xuất tăng nhưng nguồn vốn tín dụng giảm mạnh và lãi suất vẫn ở mức cao. Do không thu xếp được vốn nên tiến độ triển khai các dự án đầu tư nâng cao năng lực sản xuất vẫn rất chậm, ảnh hưởng lớn đến việc thực hiện các mục tiêu kế hoạch đặt ra và gây lãng phí các nguồn lực huy động.

Nhiều sức ép với doanh nghiệp

Tại buổi giao ban trực tuyến sản xuất, kinh doanh tháng 9 của Bộ Công Thương, diễn ra hôm qua (3/10), Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) Lê Tiến Trường cảnh báo: Sức lực của doanh nghiệp (DN) dệt may đang yếu dần do lãi suất vay vốn cao, chi phí sản xuất tăng nhanh và các đơn hàng đang cạn dần.

Công ty cổ phần May Arksun Việt Nam (Nam Định) tạo việc làm thường xuyên cho 650 lao động địa phương với mức lương bình quân 3 triệu đồng/người/tháng. Ảnh: Danh Lam - TTXVN


Các dự án lớn làm nguyên liệu cho ngành dệt may để giảm lệ thuộc nhập khẩu, tăng giá trị cho sản phẩm dệt may trong năm 2011 không thể triển khai được do thiếu vốn. Năm 2012, tình hình cũng chưa thấy sáng sủa hơn khi thị trường xuất khẩu ngành hàng này bị ảnh hưởng bởi khủng hoảng nợ ở EU, Hoa Kỳ và các dự án nguyên phụ liệu tiếp tục khó triển khai. “Các DN nhỏ, không có thương hiệu tốt có thể thiếu đơn hàng ngay từ tháng 10 và 11 này. Thậm chí, đã có DN dệt may từng làm ăn hiệu quả, có hàng nghìn công nhân cũng đã rơi vào cảnh phá sản và Vinatex phải mua lại để tái cơ cấu”, ông Trường chỉ rõ.

Ông Lâm Thanh Hùng, Phó Giám đốc Sở Công Thương Kiên Giang cũng cho rằng, việc thắt chặt chi tiêu công cũng như thắt chặt tín dụng tuy góp phần kiềm chế lạm phát nhưng lại gây khó khăn cho DN ở địa phương trong việc tiếp cận các nguồn vốn để mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh. Do những khó khăn này, nhiều DN chỉ hoạt động cầm chừng, thậm chí bỏ dở nhiều dự án.

Bên cạnh đó, theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Lê Dương Quang, tăng trưởng công nghiệp vẫn chưa thực sự mang tính bền vững, lâu dài vì tỷ trọng hàng hóa xuất khẩu gia công vẫn lớn, trong khi đó, việc phát triển công nghiệp hỗ trợ gặp nhiều khó khăn và chưa thu hút được sự quan tâm của các DN thuộc các thành phần kinh tế…

Tập trung gỡ khó khăn

Trước những khó khăn trên, trong 3 tháng cuối năm, Thứ trưởng Lê Dương Quang đã đề nghị các sở công thương, các tập đoàn, tổng công ty tiếp tục đẩy mạnh sản xuất, đảm bảo cân đối cung cầu các mặt hàng thiết yếu. Các doanh nghiệp cần khai thác tối đa năng lực sản xuất và nhu cầu thị trường để đáp ứng các sản phẩm thiết yếu của nền kinh tế là điện, than, xăng dầu, phân bón, sắt thép xây dựng và một số sản phẩm tiêu dùng và các sản phẩm xuất khẩu như dầu thô, sản phẩm may mặc, giày dép, cơ khí, dây và cáp điện, đồ gỗ, thủ công mỹ nghệ. Củng cố và nâng cao hệ thống phân phối nhằm mở rộng và tăng thị phần cho sản xuất công nghiệp.

Bộ Công Thương hứa sẽ tạo điều kiện tối đa cho DN, hộ kinh doanh, hộ nông dân đẩy mạnh sản xuất và xuất khẩu các mặt hàng truyền thống, các mặt hàng tiềm năng và các mặt hàng có kim ngạch lớn, có khả năng tăng trưởng cao đẩy mạnh xuất khẩu. Bộ cũng phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, Ngân hàng Nhà nước trong việc điều hành tỷ giá và các giải pháp về tài chính, tiền tệ để hỗ trợ tối đa cho hoạt động sản xuất và xuất khẩu.

Dự báo, thị trường hàng hóa các tháng còn lại của năm 2011 có thể diễn biến phức tạp, chịu tác động bởi nhiều yếu tố chủ quan và khách quan, Bộ Công Thương sẽ tập trung đẩy mạnh sản xuất công nghiệp và xuất khẩu hàng hóa với tốc độ tăng trưởng sản xuất công nghiệp và tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu đạt mức cao nhất có thể; theo dõi, kiểm tra kiểm soát, quản lý các diễn biến của thị trường hàng hóa để chủ động xử lý những phát sinh nhằm bảo đảm tốt nguồn cung ứng những mặt hàng trọng yếu với giá cả ổn định.

Thu Hường

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN