Kỳ vọng hút thêm tỷ USD vốn ngoại
Ủy ban Chứng khoán (UBCK) cùng các thành viên thị trường như: Công ty chứng khoán SSI, Techcombank và các ngân hàng lưu ký… đang tích cực xây dựng các giải pháp, chuẩn bị nguồn lực, nhân lực, công nghệ, tài chính để chuẩn bị cho việc thị trường nâng hạng, cũng như các giải pháp để nâng hạng thị trường chứng khoán (TTCK).
“TTCK đang sôi động, mức thanh khoản của thị trường năm 2024 luôn ở mức gần 1 tỷ USD, chưa tính đến khối lượng trên thị trường trái phiếu Chính phủ (khoảng 8.000 - 9.000 tỷ đồng/phiên) và trái phiếu doanh nghiệp. Nếu chỉ tính theo thanh khoản, TTCK Việt Nam có thể tự tin là một trong những thị trường sôi động nhất tại Đông Nam Á", Phó Chủ tịch UBCK Nhà nước Bùi Hoàng Hải chia sẻ tại Tọa đàm “Thị trường chứng khoán Việt Nam: Động lực mới, Cơ hội mới” do báo Đầu tư tổ chức mới đây.
Lãnh đạo UBCK nhấn mạnh: Trong 24 năm qua, TTCK đã tạo ra giá trị lớn đối với nền kinh tế, nhất là công tác cổ phần hóa. Sự ra đời của TTCK đã thúc đẩy mạnh mẽ cổ phần hóa và nâng cao hiệu quả của doanh nghiệp Nhà nước.
Nếu nhìn trên thị trường, trong số khoảng 1.800 doanh nghiệp đang niêm yết và đăng ký giao dịch có đến gần một nửa là các doanh nghiệp có nguồn gốc cổ phần hóa. Với TTCK, đã có rất nhiều doanh nghiệp Nhà nước mở rộng sản xuất, kinh doanh và đem lại nhiều giá trị cho nhà đầu tư và Nhà nước. Điển hình như: REE, doanh nghiệp đầu tiên tham gia TTCK và nay đã trở thành doanh nghiệp lớn đầu ngành.
Tuy nhiên, thời gian qua, vốn ngoại rút nhiều khỏi TTCK Việt Nam, với hơn 60.000 tỷ đồng kể từ đầu năm. Đây cũng là tình trạng chung trên thế giới, khi đồng USD tăng giá, Mỹ duy trì lãi suất cao. Thực tế cho thấy, khối ngoại bán 6 tỷ USD tại Thái Lan, 120 tỷ USD tại Trung Quốc… trong 6 tháng đầu năm, cao hơn tại Việt Nam nhiều lần. Tình trạng này được dự báo sẽ thay đổi trong những tháng cuối năm, khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đảo chiều chính sách tiền tệ, có thể cắt giảm lãi suất vào tháng 9/2024.
Một số dự báo cho rằng, chỉ cần TTCK được nâng hạng từ cận biên lên mới nổi, sẽ thu hút thêm khoảng 2 tỷ USD vốn ngoại, chưa kể sự đảo chiều về chính sách tiền tệ của Mỹ.
Trao đổi với báo giới, bà Lê Thị Lệ Hằng, Giám đốc Chiến lược SSI cho biết: Nâng hạng thị trường sẽ là cơ hội lớn với các doanh nghiệp niêm yết Việt Nam. Kịch bản tốt nhất, khi các bước đi trong lộ trình tiến tới nâng hạng TTCK Việt Nam suôn sẻ, Việt Nam có thể vào rổ chỉ số thị trường mới nổi trong tháng 3/2026.
“Với trường hợp Việt Nam được FTSE (FTSE hiện là một trong hai tổ chức xếp hạng thị trường uy tín nhất thế giới) nâng hạng vào tháng 9/2025, khoảng thời gian từ lúc công bố đến lúc thực sự được lọt vào rổ thị trường mới nổi thường cách khoảng 6 - 12 tháng”, bà Lê Thị Lệ Hằng cho biết.
Các nhà đầu tư nước ngoài kỳ vọng nhiều vào câu chuyện TTCK Việt Nam được nâng hạng lên thị trường mới nổi. Năm nay, Việt Nam ước tính khoảng 2 tỷ USD vốn ngoại rút ra. Tuy nhiên, nếu được đưa vào danh mục cổ phiếu thị trường mới nổi của FTSE, ước tính cũng sẽ thu hút được khoảng 2 tỷ USD tiền vào.
Gỡ 2 nút thắt
Theo các chuyên gia trong ngành, đến nay vẫn còn hai “nút thắt” lớn là quy định ký quỹ trước khi giao dịch (prefunding) và hạn mức đối với nhà đầu tư nước ngoài (room ngoại).
“Với prefunding, Bộ Tài chính đang hoàn thiện dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 120/2020/TT-BTC, Thông tư 119/2020/TT-BTC, Thông tư 121/2020/TT-BTC và Thông tư 96/2020/TT-BTC, trong đó tập trung xử lý vấn đề cho phép nhà đầu tư nước ngoài không cần phải ký quỹ 100% tiền trước khi thực hiện giao dịch mua chứng khoán”, ông Bùi Hoàng Hải cho biết.
Đối với "room ngoại" và quyền tiếp cận bình đẳng thông tin với nhà đầu tư nước ngoài, Dự thảo Thông tư mới cũng tập trung vào nội dung bắt buộc các công ty niêm yết phải công bố thông tin bằng tiếng Anh và tiếng Việt, nhằm tạo thuận lợi cho nhà đầu tư nước ngoài tiếp cận nhanh nhất thông tin trên TTCK.
Theo bà Lê Thị Lệ Hằng, bên cạnh các “rào cản” với TTCK như: Quy định “prefunding” hay “room ngoại”, TTCK Việt Nam cũng chưa xây dựng được các “rổ” hàng hóa mới để tạo nên sức hấp dẫn riêng cho nhà đầu tư, nhất là nhà đầu tư ngoại. Điều này dẫn đến hệ lụy, dù các nhà đầu tư muốn phân bổ nhiều hơn vào thị trường Việt Nam vẫn phải chờ đợi. Hiện, số lượng nhà đầu tư cá nhân, nhỏ lẻ trên TTCK đang chiếm hơn 90%.
Để nâng hạng thị trường, cơ quan quản lý cần có các quy định cụ thể, tạo thuận lợi hơn cho doanh nghiệp trên UPCoM (các doanh nghiệp đã thực hiện đấu giá cổ phần lần đầu ra công chúng - IPO) có thể thuận lợi lên sàn giao dịch chính thức HoSE hoặc HNX. Tuy nhiên, cơ quan quản lý cũng cần có các chế tài mạnh hơn gắn với thời gian cụ thể, để buộc các doanh nghiệp ở UPCoM phải lên sàn giao dịch chính thức.
Bà Nguyễn Thị Thu Hiền, Tổng Giám đốc Công ty chứng khoán Techcombank (TCBS) cho rằng: Để TTCK phát triển trở thành kênh huy động vốn hiệu quả cho nền kinh tế, việc đầu tư mạnh tay cho công nghệ và đa dạng hóa sản phẩm đầu tư rất quan trọng, bởi các nhà đầu tư hiện khá trẻ.
Thời gian qua, thị trường cũng chứng kiến nhiều phiên giao dịch tỷ USD với sự tham gia của rất nhiều nhà đầu tư thuộc thế hệ trẻ, trong đó có cả thế hệ GenZ. Họ sẵn sàng sử dụng công nghệ để cơ cấu thị trường. Đề cập vê việc này, bà Nguyễn Thị Thu Hiền nhấn mạnh: Đây là một lực lượng cực kỳ mạnh. “Với số lượng mở tài khoản mới ở TCBS trong nửa đầu năm nay, 56% là nhà đầu tư đưới 30 tuổi. Họ thích công nghệ mới. Đó là động lực giúp TCBS đưa ra những sản phẩm công nghệ, giúp họ vào thị trường nhanh nhất”, lãnh đạo TCBS chia sẻ.
“Để những doanh nghiệp Việt Nam như KBC tiếp cận được dòng dịch chuyển đầu tư vốn ngoại vào thị trường Việt Nam, tôi cho rằng, cần sự quyết tâm từ Chính phủ, chính quyền địa phương, các cơ quan ban ngành và chính doanh nghiệp, nhà đầu tư... Trước khi doanh nghiệp ngoại "đổ bộ" vào Việt Nam, các doanh nghiệp giáo dục cần có chính sách giáo dục đào tạo về nhân lực công nghệ cao”, ông Đặng Thành Tâm, Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc - CTCP (mã KBC - sàn HOSE) nhấn mạnh.