Đón làn sóng đầu tư nước ngoài chất lượng cao hơn

Với môi trường đầu tư kinh doanh đang được cải thiện tích cực, thời gian tới, Việt Nam có nhiều cơ hội để thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài với chất lượng cao hơn.


Bài 1: Tăng năng lực cạnh tranh

 

Thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) năm 2014 sẽ không giảm so với năm 2013. Không những thế, Việt Nam sẽ đón làn sóng FDI chất lượng cao hơn so với những giai đoạn trước đây.


Nhiều dự án FDI lớn đi vào hoạt động


Việc thu hút FDI quý I/2014 sụt giảm một nửa so với cùng kỳ năm ngoái không phải là một tín hiệu đáng lo ngại. Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh, việc so sánh thu hút FDI theo quý là không phản ánh được vấn đề. Quý I/2013, chúng ta có 2 dự án lớn đầu tư vào Việt Nam, là dự án Samsung Thái Nguyên, vốn đầu tư 2 tỷ USD, và dự án tăng vốn 2,8 tỷ USD của lọc hóa dầu Nghi Sơn (Thanh Hóa). Hai dự án này đã làm cho tổng mức thu hút FDI tăng vọt. “Tuy nhiên, năm nay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư dự báo thu hút FDI sẽ không giảm. Có một số dự án lớn hiện đang đàm phán để có thể ký kết trong năm 2014”, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh nói.

 

Dây chuyền sản xuất điện thoại di động Samsung tại tỉnh Bắc Ninh. Ảnh: Đức Tám - TTXVN


Các chuyên gia đầu tư cũng tin rằng, tuy vốn đăng kí từ đầu năm đến nay giảm so với năm ngoái nhưng triển vọng thu hút đầu tư vẫn rất tốt. Đặc biệt, việc bốn dự án FDI lớn đang thực hiện trong năm 2014 là Samsung, lọc hóa dầu Nghi Sơn, Formosa Hà Tĩnh, LG Hải Phòng sẽ có tác dụng tích cực đối với nền kinh tế. 5 tháng đầu năm xuất siêu khoảng 1,65 tỷ USD chủ yếu là nhờ hoạt động đầu tư nước ngoài, trong đó, DN trong nước nhập siêu 5,3 tỷ USD, DN nước ngoài xuất siêu gần 6,9 tỷ USD. Theo các chuyên gia kinh tế, sau khi các dự án này đi vào hoạt động còn góp phần làm nâng cao năng lực sản xuất công nghiệp, giảm nhập siêu, tăng dự trữ ngoại tệ, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đất nước...


Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng cho rằng, việc xuất hiện các nhà đầu tư nước ngoài tầm cỡ toàn cầu như Samsung, LG... sẽ có tác động gián tiếp mạnh mẽ đến việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế và tái cấu trúc lại một số ngành nghề ở Việt Nam theo hướng tăng chất lượng cạnh tranh.


Việt Nam đã từng đón hai làn sóng đầu tư, giai đoạn từ 1991 - 1997 là làn sóng thứ nhất và từ 2005 - 2007 là làn sóng thứ 2. Tuy nhiên, các dự án đầu tư trong những giai đoạn này chủ yếu là của các nhà đầu tư nhỏ. “Tôi lạc quan rằng, từ nay đến 2020, Việt Nam sẽ đón làn sóng đầu tư mới với chất lượng cao hơn. Sẽ có nhiều nhà đầu tư lớn trong các lĩnh vực giáo dục, y tế và công nghệ cao đầu tư vào Việt Nam và làm thay đổi chất lượng dòng vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam”, giáo sư Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài tin tưởng.


Cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư


Việt Nam đang có những lợi thế để thu hút đầu tư nước ngoài, đó là: cơ cấu dân số vàng, có khả năng đáp ứng nhu cầu đa dạng về nhân lực; việc tham gia liên kết khu vực và quốc tế (xây dựng Cộng đồng ASEAN và đàm phán nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) với các trung tâm kinh tế hàng đầu thế giới) sẽ giúp Việt Nam trở thành đầu mối quan trọng của mạng lưới liên kết kinh tế rộng lớn với 55 đối tác, trong đó có 15 thành viên G20... Bên cạnh đó, Việt Nam đang tích cực thúc đẩy tái cơ cấu kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường.


Theo Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) Đỗ Nhất Hoàng, Chính phủ trong nỗ lực chung nhằm tạo dựng môi trường kinh doanh thuận lợi và nâng cao năng lực cạnh tranh đã luôn chú trọng tạo điều kiện cho thúc đẩy và nâng cao chất lượng dòng vốn FDI trong thời gian tới.


Ông Hoàng cho biết thêm, với quan điểm nhất quán, coi đầu tư nước ngoài là một bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế, Chính phủ đã thường xuyên chỉ đạo các bộ, ngành và chính quyền các địa phương thực hiện nhiều giải pháp nhằm cải thiện môi trường đầu tư và nâng cao năng lực quản lý nhà nước, nhằm tăng cường thu hút và nâng cao hiệu quả đầu tư nước ngoài.


Theo ông Hoàng, để nâng cao năng lực cạnh tranh trong việc thu hút FDI, Việt Nam cần phải tiếp tục cải cách mạnh mẽ hơn về thủ tục hành chính, nâng cao hiệu quả công tác thực thi pháp luật. Đi đôi với đó là cải thiện cơ sở hạ tầng, phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao...


Về định hướng thu hút đầu tư nước ngoài trong tương lai, ông Đỗ Nhất Hoàng cho biết, thu hút đầu tư nước ngoài ở Việt Nam hiện nay đang đi vào hai lĩnh vực là sản xuất công nghiệp và dịch vụ. Tuy nhiên, tăng cường đầu tư vào công nghiệp hỗ trợ, nâng cao chuỗi giá trị sản xuất trong nước mới chính là mục tiêu mà các chính sách thu hút đầu tư nước ngoài chú trọng thời gian tới. “Sẽ có nhiều ưu đãi để thu hút doanh nghiệp đầu tư vào công nghiệp hỗ trợ”, ông Hoàng khẳng định.

 

Ông Atsusuke Kawada, Trưởng đại diện Tổ chức

Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (Jetro) tại Hà Nội: Từ tháng 10 - 11/2014, Jetro đã thực hiện một cuộc điều tra đối với các DN Nhật Bản đầu tư tại khu vực châu Á và châu Đại Dương. Trong số 4.600 DN tham gia khảo sát, có 435 DN đang hoạt động tại Việt Nam và 70% trong số các DN này trả lời rằng, họ có xu hướng mở rộng hoạt động sản xuất tại Việt Nam trong 1 hoặc 2 năm sắp tới. Hầu hết các DN Nhật Bản đều đưa ra lí do cho việc mở rộng sản xuất này là bởi sự tăng trưởng của hoạt động kinh doanh. Ngoài ra, họ cũng đánh giá cao về khả năng tăng trưởng, sự ổn định về chính trị - xã hội cũng như những thuận lợi về nguồn nhân lực ở Việt Nam.


Thu Hường - Nam Hoàng

 

Bài cuối: Việt Nam vẫn là điểm đến hấp dẫn

Bảo đảm môi trường đầu tư cho doanh nghiệp nước ngoài
Bảo đảm môi trường đầu tư cho doanh nghiệp nước ngoài

Đó là cam kết của đại diện cơ quan quản lý Nhà nước Việt Nam đối với cộng đồng doanh nghiệp nước ngoài tại buổi gặp gỡ do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức ngày 30/5 tại TP.HCM sau khi xảy ra vụ gây rối ở Bình Dương vừa qua.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN