Sau 5 năm triển khai Nghị quyết 08, nhiều chỉ tiêu về thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn, giá trị sản phẩm trên diện tích đất cạnh không ngừng được tăng cao, vượt kế hoạch đề ra. Tuy nhiên, để nâng cao hiệu quả kinh tế trong sản xuất nông nghiệp sau dồn đổi vẫn đang là bài toán khó.
Hình thành vùng hàng hóa lớn, giá trị kinh tế cao
Tại huyện Tam Nông, trong vòng 5 năm đã thực hiện dồn đổi ở hầu hết các xã với tổng diện tích trên 2.000 ha. Sau dồn đổi, bình quân mỗi hộ chỉ còn còn 2,04 thửa, giảm 6 thửa. Huyện dần hình thành các vùng chuyên canh giống mới có năng suất, chất lượng cao như măng tây, ớt, chuối, cam canh, bưởi diễn, cây dược liệu…; trong đó, thành công nhất phải kể đến vùng trồng chuối với quy mô lớn tại các xã Thượng Nông, Hồng Đà, Hương Nộn.
Ông Nguyễn Mạnh Thắng, Giám đốc Hợp tác xã Thượng Nông huyện Tam Nông cho biết, hiện 30 ha chuối tây, 20 ha chuối tiêu hồng với năng suất trung bình đạt hơn 243 tạ/ha, mỗi năm sản lượng đạt 1.200 tấn. Từ năm 2018, Hợp tác xã đã xuất khẩu chính ngạch chuối sang thị trường Trung Quốc.
Nhờ chủ trương dồn đổi, tích tụ ruộng đất của địa phương, ông Thắng đã đứng ra thành lập hợp tác xã và chủ động liên kết với các hộ chuyển đổi từ trồng rau mầu hiệu quả kinh tế thấp sang chuyên trồng các loại chuối tây, chuối diêu hồng. Mô hình trồng chuối đã đem lại hiệu quả kinh tế cao gấp 2 lần so với trước.
Ông Trần Tú Anh, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phú Thọ cho biết, tỉnh đã hình thành 19 vùng sản xuất chuối tập trung với diện tích 563 ha; trong đó, huyện Hạ Hòa 3 vùng với diện tích 120 ha, Cẩm Khê 3 vùng có diện tích 78 ha, Lâm Thao 2 vùng với 70 ha, Thanh Ba 8 vùng tương đương 250 ha và Tam Nông 3 vùng với 50 ha.
Hiện tỉnh đang tiếp tục rà soát, xác định diện tích vùng có khả năng phát triển cây chuối gắn với phát triển hợp tác xã để mở rộng diện tích trồng. Dự kiến, đến năm 2030, toàn tỉnh sẽ thêm 1.400 ha trồng chuối. Cụ thể, huyện Tam Nông 150 ha, huyện Hạ Hòa 200 ha, huyện Cẩm Khê 150 ha, Phù Ninh 200 ha, Thanh Ba 200 ha, Thanh Thủy 250 ha, Đoan Hùng 150 ha, Lâm Thao 100 ha...
Ngoài vùng trồng chuối quy mô lớn, hiện Phú Thọ còn hình thành được 29 vùng trồng lúa chất lượng cao với diện tích trên 1.900 ha; trong đó có 1.600 ha có quy mô liền vùng từ 10 ha trở lên, cho thu nhập cao hơn 7,2 triệu đồng/ha so với trước; 9 vùng trồng rau an toàn với diện tích 175 ha, cho thu nhập 600 triệu đồng/ha, cao hơn 500 triệu đồng/ha và 8 vùng trồng bưởi cho thu nhập từ 170-200 triệu đồng/ha, cao hơn từ 50-70 triệu đồng/ha so với trước chưa dồn đổi.
Thúc đẩy các loại hình kinh tế phát triển
Thời gian gần đây loại hình kinh tế trang trại, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh đã tăng nhanh về số lượng và chất lượng, góp phần tích cực trong thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Chỉ tính riêng từ năm 2016 đến tháng 7/2021, toàn tỉnh đã hình thành được 133 trang trại với diện tích 1.547 ha; 5 hợp tác xã kiểu mới với diện tích 25 ha thực hiện sản suất rau quả, chăn nuôi gà, nuôi trồng thủy sản cho thu nhập cao. Bên cạnh đó, nhờ thực hiện dồn đổi, tích tụ đất, tỉnh đã thu hút được 4 doanh nghiệp thuê đất với diện tích 66 ha để trồng chuối, cây dược liệu, phát triển chăn nuôi tổng hợp.
Theo ông Trần Tú Anh, tỉnh cũng đã triển khai và cụ thể hóa nhiều cơ chế, chính sách của nhà nước về nông nghiệp, nông thôn gắn với phát triển kinh tế trang trại, hợp tác xã và thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 05/2019/NQ-HĐND ngày 16/7/2019 của HĐND tỉnh về chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển nông nghiệp nông thôn trên địa bàn.
Cùng đó, Phú Thọ đã đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao hiệu quả đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn; hỗ trợ các loại hình kinh tế về đất đai, tín dụng, lao động, khoa học công nghệ, xúc tiến thương mại, thị trường; đồng thời, xây dựng các chuỗi cung ứng sản phẩm trang trại an toàn vệ sinh thực phẩm tạo niềm tin cho người tiêu dùng và tăng sức cạnh tranh của sản phẩm hàng hóa trên thị trường.
Ngoài ra, tỉnh còn dành nguồn lực lớn đề hỗ trợ "dồn điền đổi thửa" nên chỉ trong 5 năm triển khai Nghị quyết, Phú Thọ đã đầu tư 85 tỷ đồng hỗ trợ đo đạc, chỉnh lý hồ sơ địa lý, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và đầu tư xây dựng hệ thống giao thông, kênh mương nội đồng, sắp xếp lại ruộng đất. Nhờ đó, đáp ứng nhu cầu sản xuất hàng hóa, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiêp, thúc đẩy ứng dụng tiến bộ kỹ thuật công nghệ cao, chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, hình thành được nhiều trang trại, hợp tác xã…
Những kết quả đạt được của việc dồn đổi, tích tụ, tập trung ruộng đất đã góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế trong sản xuất nông nghiệp, đưa giá trị tăng thêm ngành lên 4,5%/năm; giá trị sản phẩm bình quân đất canh tác đạt 108 triệu đồng/ha, thu nhập bình quân đầu người đạt 35 triệu đồng/ha, vượt chỉ tiêu Nghị quyết đưa ra.
Ông Nguyễn Thanh Hải, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ cho biết, thời gian tới, tỉnh sẽ đẩy mạnh đo đạc thực địa, chỉnh lý, cấp lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân; đồng thời, tập trung tổ chức lại sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng tại những vùng đã chuyển đổi; tiếp tục ban hành chính sách hỗ trợ việc tích tụ tập trung đất đai; khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư vào sản xuất nông nghiệp.
Các địa phương chủ động xây dựng kế hoạch tích tụ, tập trung đất và xác định địa điểm, quy mô đảm bảo việc tích tụ, tập trung đất đai mang lại hiệu quả thiết thực gắn với xây dựng nông thôn mới.