Đổi mới nền kinh tế tập thể - Bài cuối: Giải pháp nào để phát triển?

Thời gian qua, những hợp tác xã nông nghiệp khi chuyển đổi theo Luật Hợp tác xã năm 2012 dù đã đạt hiệu quả bước đầu, song việc tìm giải pháp và động lực để hợp tác xã phát triển là vấn đề được đặt ra không chỉ đối với cơ quan chức năng mà với cả nông dân.

Bởi những chính sách phù hợp với mô hình hợp tác xã hiện còn khá “vắng bóng”, thực tế, nông dân vẫn “tự bơi” giữa thị trường bấp bênh.

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Cà Mau, lộ trình đặt ra là đến tháng 7/2016, các hợp tác xã phải chuyển đổi hoặc giải thể theo quy định của Luật hợp tác xã năm 2012. Nhưng đến thời điểm này, số hợp tác xã nông nghiệp đã chuyển đổi chưa tới 50%.

Ngành chức năng nhận định, những khó khăn, vướng mắc của đa số các hợp tác xã trên địa bàn tỉnh có điểm chung là chưa thiết lập được mối quan hệ tín dụng với các ngân hàng thương mại do không đủ điều kiện thế chấp tài sản, nên không đủ vốn hoạt động và mở rộng sản xuất kinh doanh, dịch vụ. Theo đó, các hợp tác xã vẫn thực hiện theo kiểu góp vốn sản xuất, chứ chưa có đủ vốn điều lệ hoặc tài sản chung của hợp tác xã.

Ông Nguyễn Đông Dương, Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp xã Lý Văn Lâm, thành phố Cà Mau chia sẻ, kế hoạch sản xuất được duyệt, hướng đến sản xuất lúa VietGAP, rau VietGAP, bao tiêu lúa cho nông dân, mở cơ sở phân phối nông sản sạch, cung ứng vật tư… Để làm được điều này cần từ 5 - 10 tỷ đồng. Tuy nhiên, vốn góp của 7 xã viên chỉ 200 triệu đồng rất khó thực hiện.

Theo ôngVũ Đăng Khoa, Chủ tịch Hội đồng quản trị Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Minh Hà A (xã Khánh Bình Đông, huyện Trần Văn Thời) cho biết, Hợp tác xã chuyển đổi theo Luật Hợp tác xã từ năm 2015, đến nay, còn khuyết vị trí kế toán và thủ quỹ. Hợp tác xã chưa tiếp cận được nguồn vốn ưu đãi, chỉ hoạt động với nguồn vốn nội lực của các thành viên. Cụ thể, vào đầu vụ mùa, Hợp tác xã đứng ra hợp đồng với đại lý mua vật tư cho các xã viên, đến khi thu hoạch lúa mới thanh toán tiền. Bên cạnh đó, Hợp tác xã được quy định vốn điều lệ gần 2 tỷ đồng là rất khó thực hiện vì kinh tế của xã viên không đồng đều, nhiều hộ khó khăn.

Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Minh Hà A hiện có 56 thành viên, tổng diện tích 150ha lúa 2 vụ và 50ha rau màu, cây ăn trái. Thời gian qua, tuy hợp tác xã có hợp đồng với một số công ty nhưng lượng nông sản được bao tiêu chiếm tỷ lệ thấp. Xã viên Bùi Thị Mận chia sẻ: “Năm trước, Hợp tác xã có hợp đồng với một cơ sở kinh doanh ở Phường 7, thành phố Cà Mau. Tuy nhiên, mỗi ngày, cơ sở này chỉ mua khoảng 5 - 10kg rau củ/hộ nhưng chỉ được vài hộ. Trong khi đó, vùng rau sạch của ấp đến 5ha, vì thế đa phần nông dân phải bán cho các thương lái khác, giá bấp bênh”.

Cùng cảnh, ông Trần Chí Lời, thành viên Hợp tác xã Hoàng Mỹ (xã Hòa Mỹ, huyện Cái Nước), cho biết: “ Hợp tác xã liên hệ ký kết hợp tác với các công ty giống và công ty cung ứng thức ăn theo hình thức bán trả chậm, để các hộ có điều kiện sản xuất. Gia đình đầu tư nuôi 7 ao tôm công nghiệp, sản lượng thu hoạch rất lớn. Tuy nhiên, hiện gia đình tự liên hệ bán cho thương lái, đôi khi bì "cò kè".. Ông Lời mong muốn tiếp cận vốn ưu đãi để mở rộng quy mô, diện tích, hướng đến nuôi theo quy trình công nghệ sạch”.

Trước nhu cầu về nguồn vốn, theo ngành chuyên môn, tỉnh Cà Mau cần sớm ban hành hoặc trình HĐND tỉnh ban hành chính sách hỗ trợ, ưu đãi đối với hợp tác xã theo Quyết định 2261/QĐ-TTg ngày 15/12/2014 của Thủ tướng Chính phủ, theo Thông tư số 15/2016/TT - BNNPTNT, ngày 10/6/2016 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn điều kiện và tiêu chí hưởng hỗ trợ đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đối với hợp tác xã nông nghiệp và theo Thông tư số 340/2016/TT-BTC, ngày 29/12/2016 của Bộ Tài chính hướng dẫn về mức hỗ trợ và cơ chế tài chính hỗ trợ bồi dưỡng nguồn nhân lực, thành lập mới, tổ chức lại theo chương trình hỗ trợ phát triển hợp tác xã giai đoạn 2015 – 2020. Đây sẽ là một động lực lớn hỗ trợ Hợp tác xã.

Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã tỉnh Cà Mau, ông Đỗ Văn Sơ kiến nghị, tỉnh cần tạo điều kiện để lãnh đạo Liên minh Hợp tác xã và một số hợp tác xã được chọn xây dựng mô hình kiểu mới tham quan, học tập kinh nghiệm trong và ngoài nước. Và chấp thuận cho Liên minh Hợp tác xã được tuyển mới viên chức theo biên chế được duyệt hoặc điều động cán bộ từ nơi khác về, hiện khuyết nhiều vị trí nên khó khăn trong hoạt động”.

Nhà nước hỗ trợ vốn, khoa học - công nghệ, tiếp thị ra thị trường, đào tạo nhân lực, xây dựng thương hiệu cho nông dân. Các Hợp tác xã phải tự khắc phục hạn chế của cách làm cũ, thực hiện đồng bộ giải pháp để tránh lặp lại điệp khúc “được mùa - mất giá”, tiến tới xây dựng thương hiệu, góp phần phát triển nền nông nghiệp chung của tỉnh và tăng thu nhập nông dân.

“Khung pháp lý và một số chính sách phát triển kinh tế tập thể chưa được triển khai đồng bộ, thiếu tính khả thi. Các chính sách hỗ trợ, ưu đãi đối với hợp tác xã về đất đai, xúc tiến thương mại, hạ tầng kỹ thuật và tín dụng… còn nhiều khó khăn, chưa kịp thời”, ông Đỗ Văn Sơ, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã tỉnh, nhận định.

Mục tiêu của tỉnh Cà Mau đến năm 2020, thu nhập bình quân của lao động và thành viên hợp tác xã đảm bảo cao hơn so với thu nhập bình quân chung của tỉnh. Ảnh: Duy Khương/TTXVN

Tỉnh Cà Mau đặt mục tiêu đến năm 2020, số hợp tác xã hoạt động có hiệu quả thuộc loại khá, giỏi chiếm 70% trở lên, không còn hợp tác xã duy trì hoạt động theo kiểu hình thức; phấn đấu thành lập mới 1 Liên hiệp hợp tác xã. Thu nhập bình quân của lao động và thành viên hợp tác xã đảm bảo cao hơn so với thu nhập bình quân chung của tỉnh.

Huỳnh Anh (TTXVN)
Đổi mới nền kinh tế tập thể - Bài 1: Điểm tựa cho nền sản xuất quy mô lớn
Đổi mới nền kinh tế tập thể - Bài 1: Điểm tựa cho nền sản xuất quy mô lớn

Sau 5 năm triển khai Luật Hợp tác xã năm 2012, bước đầu mang lại hiệu quả tích cực, các hợp tác xã thể hiện vai trò quan trọng trong thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp và tăng thu nhập cho nông dân.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN