Đổi mới cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa

Luật Hỗ trợ DNNVV được Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) dự thảo đang trong quá trình lấy ý kiến cộng đồng doanh nghiệp, các chuyên gia.

Tại Hội thảo “Dự thảo Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa dưới góc nhìn của cộng đồng doanh nghiệp” do VCCI phối hợp với Bộ KH&ĐT tổ chức ngày 11/7, tại Hà Nội, các đại biểu cho rằng, những thay đổi trong cơ chế hỗ trợ là điều mong mỏi nhất của doanh nghiệp.

Nhiều chính sách nhưng chưa hiệu quả

Theo ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) chiếm hơn 97% lượng doanh nghiệp ở Việt Nam, được ví như “xương sống” của nền kinh tế nhưng hiện nay vẫn gặp nhiều khó khăn. Mặc dù thời gian qua, Nhà nước đã có nhiều chính sách hỗ trợ DNNVV nhưng việc hỗ trợ thực hiện theo phát triển ngành, mang tính dàn trải dẫn đến hỗ trợ đến DN chưa đem lại hiệu quả. Trong khi đó, các DNNVV với quy mô và năng lực hạn chế, đòi hỏi có sự hỗ trợ tổng thể, toàn diện về mọi mặt, để tăng khả năng cạnh tranh.

Công ty cổ phần Giấy xuất khẩu Thái Nguyên là một DN nhỏ và vừa tiêu biểu của tỉnh Thái Nguyên. Ảnh: Hoàng Nguyên - TTXVN

“Những hỗ trợ đối với DNNVV hiện nay mới chỉ dừng lại ở việc DN khó khăn thì Nhà nước hỗ trợ chứ chưa hướng đến mục tiêu thúc đẩy DN phát triển, chưa tạo động lực cho DN phát triển”, ông Lộc cho biết.

Bà Phạm Thị Thu Hằng, Tổng thư ký VCCI, chính sách hỗ trợ DNNVV hiện hành không thiếu. Nhưng câu hỏi lâu nay đối với các chính sách hỗ trợ DNNVV của Nhà nước đang thực thi đã đủ để giải quyết các vấn đề về phát triển DNNVV chưa? Nếu chưa thì phải tìm ra nguyên nhân tại sao các chính sách hỗ trợ phát triển DN đang thực thi chưa hiệu quả. Từ đó đối với xây dựng Luật hỗ trợ DNNVV mới cần có sự đột phá trong phát triển DN. “Luật mới cần có cách tiếp cận và tập trung vào giải pháp để giải quyết được những hạn chế do quy mô nhỏ của DN gây ra như không có vốn, không có tài sản thế chấp, không minh bạch sổ sách, kế toán, quản trị doanh nghiệp yếu...”, bà Hằng góp ý.

Đa dạng hóa hình thức hỗ trợ

Theo dự thảo, Luật Hỗ trợ DNNVV có 5 chương và 33 điều với những nội dung chính như cải thiện môi trường kinh doanh, cải cách hành chính; hỗ trợ DNNVV tiếp cận tín dụng, đổi mới nâng cao năng lực công nghệ; hỗ trợ mặt bằng sản xuất kinh doanh; mở rộng thị trường; thông tin tư vấn, phá triển nguồn nhân lực... Theo ông Nguyễn Hoa Cương, Phó Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp, Bộ KH&ĐT, mục tiêu của luật là đưa ra hệ thống các biện pháp toàn diện, thông qua thiết lập các nguyên tắc, chính sách, chương trình nhằm hỗ trợ DNNVV phát triển bền vững.

Theo ông Vũ Tiến Lộc, Luật Hỗ trợ DNNVV này sẽ tạo khung khổ pháp lý toàn diện, các công cụ đòn bẩy quan trọng thiết thực giúp DNNVV phát triển. Với những chính sách ưu đãi, hỗ trợ của luật sẽ khuyến khích các mô hình kinh tế hộ chuyển đổi thành doanh nghiệp, doanh nghiệp nhỏ sẽ có động lực phát triển thành doanh nghiệp lớn. “Luật ra đời sẽ dứt khoát không có cơ chế xin, hỗ trợ theo nguyên tắc trực tiếp, giảm chi phí không chính thức, giảm thủ tục hành chính, không “đẻ” thêm bộ phận chuyên trách hỗ trợ DNNVV. Việc hỗ trợ cần nhắm tới những DN khó khăn nhưng có tiềm năng phát triển chứ không phải những DN khó khăn triền miên”, ông Lộc cho biết.

Về đối tượng nhận hỗ trợ, các chuyên gia cho rằng, cũng cần xem xét tiêu chí xác định thế nào là DNNVV, tiêu chí xác định phải theo thông lệ quốc tế, hiện nay việc xác định DNNVV mới dựa vào nguồn vốn. Tuy nhiên, nếu áp dụng theo hình thức này thì không phù hợp nên cần áp dụng theo thông lệ quốc tế là dựa vào doanh thu. “Cùng với đó, chúng ta bàn nhiều câu chuyện: có bao gồm hộ kinh doanh không? Quan điểm của tôi là không, bởi nếu hộ kinh doanh nếu nghiêm túc nghiêm chỉnh thì đã đăng ký kinh doanh còn nếu chúng ta áp dụng hỗ trợ đại trà đến triệu triệu hộ kinh doanh thì nguồn nhà nước không đủ”, chuyên gia ngân hàng Cấn Văn Lực đề xuất.

Bà Phạm Thị Thu Hằng đề xuất, các chính sách hỗ trợ cần tạo cơ chế cho DN dễ dàng tiếp cận, thông tin minh bạch và thuận lợi. Cần bổ sung giải pháp khuyến khích các tổ chức tài chính, tín dụng phát triển các sản phẩm phù hợp cho DNNVV, tăng tỷ lệ dư nợ cho vay đối với DNNVV. Đa dạng hóa các hình thức hỗ trợ DN thông qua phát triển các Quỹ đầu tư tư nhân (bao gồm Quỹ đầu tư mạo hiểm, Quỹ thách thức...). Các chương trình hỗ trợ DNNVV cần có tính hệ thống, nhất quán theo chuỗi giá trị, giai đoạn tăng trưởng hoặc định hướng tái cấu trúc...

Bên cạnh đó, rất cần có sự thay đổi về tư duy, cách tiếp cận và hành xử của các cơ quan chức năng, cán bộ liên quan đến doanh nghiệp. Việc nghiên cứu dự thảo luật, hướng tới một luật thật sự của DNNVV vì loại hình DN này là rất quan trọng và cần kíp để gắn liền, phát huy tác dụng, cộng hưởng với mục tiêu thực hiện Nhà nước kiến tạo, hỗ trợ khởi nghiệp của nền kinh tế...

“Hiện nay ở các nước phát triển, cứ khoảng 10 người là có 1 DN thì Việt Nam có 90 triệu dân cần phải có 10 triệu DN. Nhưng Chính phủ rất cẩn trọng, muốn phát triển DN có chất lượng nên chúng tôi hướng tới hỗ trợ DN có mục tiêu, có định hướng và hiệu quả. Đặc biệt là hướng đến mục tiêu là quốc gia khởi nghiệp với nhiều DN khởi nghiệp kinh doanh trên nền tảng của những sản phẩm đổi mới, sáng tạo, tạo ra sản phẩm, dịch vụ mới có sức cạnh tranh”. 

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông


Xuân Hương - Thu Trang
Hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp vừa và nhỏ
Hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp vừa và nhỏ

Năm 2016, Chương trình kết nối ngân hàng (NH) - doanh nghiệp (DN) TP Hồ Chí Minh dự kiến sẽ “bơm” thêm 250.000 tỷ đồng vốn vay nhằm hỗ trợ nhiều hơn cho DN, hộ kinh doanh và tiểu thương...

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN