Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ

Khoảng 95% doanh nghiệp (DN) tại TP Hồ Chí Minh có quy mô vừa và nhỏ, chiếm 42% về số lượng lao động toàn ngành công nghiệp, nhưng chỉ tạo ra 21% doanh thu, 6,7% lợi nhuận và 9,8% về nộp ngân sách… Điều này cho thấy, năng lực của DN thành phố còn rất hạn chế, khi đối diện với  sự cạnh tranh trong sân chơi hội nhập với DN nước ngoài.

Các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ngành dệt may được hỗ trợ 50% lãi suất.


Ưu đãi nhiều…


Chủ trương hỗ trợ DN vừa và nhỏ, thực ra là hỗ trợ gần như toàn bộ DN, vì như số liệu ở trên, khoảng 95% DN thành phố có quy mô vừa và nhỏ. Ngay từ năm 2011, thành phố đã xây dựng nhiều chương trình hỗ trợ DN vừa và nhỏ, nổi bật nhất là chương trình kích cầu với nhiều chính sách ưu đãi cho các DN, hiện vẫn được duy trì. Trong đó, các DN sản xuất các sản phẩm thuộc ngành công nghiệp hỗ trợ, bao gồm điện tử - tin học như linh kiện điện tử - quang điện tử cơ bản, vật liệu sản xuất linh kiện điện tử, linh kiện phục vụ công nghiệp lắp ráp điện tử, pin… các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ cho các ngành công nghiệp công nghệ cao… đều được hỗ trợ 100% lãi suất vay. Một số sản phẩm công nghiệp hỗ trợ trong các ngành dệt may, giày da cũng được hỗ trợ 50% lãi suất vay.

Theo Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh: Ngoài những chính sách chung, thành phố đã đẩy mạnh nhiều giải pháp hỗ trợ, giải quyết khó khăn về vốn đầu tư sản xuất - kinh doanh. Chương trình Kích cầu thông qua đầu tư của thành phố đã hỗ trợ cho 109 dự án với tổng mức đầu tư gần 9.000 tỷ đồng, trong đó số vốn vay được ngân sách hỗ trợ chiếm trên 4.300 tỷ đồng. Tính riêng trong năm 2014, thành phố đã hỗ trợ 32 dự án tham gia chương trình Kích cầu, với tổng mức đầu tư hơn 2.700 tỷ đồng, trong đó số vốn ngân sách hỗ trợ lãi suất chiếm trên 1.300 tỷ. Bên cạnh đó, trong chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp, các ngân hàng cũng đã thực hiện kí kết với tổng số tiền gần 40.000 tỷ đồng cho 1.138 DN trong năm 2014 và con số cam kết của các ngân hàng trong năm 2015 là 128.000 tỷ đồng.

Ngoài ra, trong nhiều năm nay, vấn đề đối thoại, tháo gỡ khó khăn, đồng hành cùng DN… cũng luôn được thành phố chú trọng. Chỉ riêng năm 2014 thành phố đã nhận và trả lời gần 1.000 câu hỏi thắc mắc từ phía DN và tổ chức nhiều hội nghị đối thoại chuyên đề liên quan đến thuế, hải quan, lao động và bảo hiểm xã hội… thu hút trên 2.000 DN tham gia. Thành phố cũng tổ chức nhiều khóa huấn luyện, đào tạo và hội thảo chuyên đề về lập kế hoạch kinh doanh, lập kế hoạch tiếp thị, đàm phán thương lượng trong kinh doanh… nhằm nâng cao năng lực cho các DN vừa và nhỏ. Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia, mặc dù đã có nhiều chính sách hỗ trợ, nhưng trên thực tế, tỷ suất lợi nhuận của DN vừa và nhỏ hiện nay nhìn chung vẫn còn rất thấp, điều này không chỉ phản ánh năng lực của DN mà còn cho thấy, những chương trình hỗ trợ DN vẫn chưa thực sự phát huy hiệu quả.

TS Huỳnh Thanh Điền, Đại học Kinh tế TP.HCM:

Ngoài vấn đề về vốn, các DN vừa và nhỏ còn phải đối mặt với những khó khăn mang tính cố hữu như thị trường nhỏ, manh mún, công nghệ chưa theo kịp các nước bạn, chính sách thu hút và khuyến khích các DN tích cực tham gia lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ còn nhiều bất cập... Những rào cản này khiến tổng thể sức cạnh tranh của các DN trong lĩnh vực này không thể so được với các DN nước ngoài, và DN của chúng ta vẫn đứng ngoài chuỗi liên kết toàn cầu.

Bà Lã Thị Lan, Tổng giám đốc Tập đoàn Đầu tư Tiến Lộc:

Thành phố cần có chính sách hỗ trợ sản xuất các sản phẩm chủ lực, thành lập cụm công nghiệp cơ khí - điện với quỹ đất sạch, hỗ trợ xây dựng hạ tầng, đồng thời hỗ trợ nguồn vốn cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng như hỗ trợ cho các doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh để tham gia vào các chuỗi cung ứng các sản phẩm hỗ trợ cho các doanh nghiệp lớn và DN FDI.

Vẫn còn bất cập

Theo một số chuyên gia kinh tế tại TP Hồ Chí Minh, việc tỷ suất lợi nhuận trên tổng tài sản của DN vừa và nhỏ chỉ chiếm 1,8% so với toàn ngành công nghiệp là 6,9%, cho thấy những chính sách ưu đãi của thành phố vẫn chưa sát với thực tế, đặc biệt là các chính sách kích cầu liên quan đến các ngành công nghiệp hỗ trợ. Mặc dù, thành phố đã có chính sách hỗ trợ lãi suất DN trong chương trình kích cầu đối với những sản phẩm công nghiệp hỗ trợ, tuy nhiên, việc tiếp cận vốn của các DN trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ vẫn còn nhiều khó khăn, thậm chí là đang gặp quá nhiều rào cản.

Ông Huỳnh Văn Minh, Chủ tịch Hiệp hội DN TP.HCM cho rằng, điểm nghẽn lớn nhất vẫn là cơ chế chính sách mà cụ thể là vấn đề thủ tục hành chính. Thành phố cần tập trung hỗ trợ cho DN hội nhập; tháo gỡ chính sách cho DN vừa và nhỏ, đặc biệt là DN tư nhân, thúc đẩy cải cách thể chế cho DN hoạt động. Hiện cả nước chưa có tài liệu nào hướng dẫn cho DN biết phải nắm bắt gì, lưu ý gì trong hội nhập mà chủ yếu DN tự tìm hiểu. Cơ chế tiếp cận vốn hiện rất khó khăn, dù đã tồn tại khá lâu nhưng chưa có giải pháp tháo gỡ rốt ráo. Cần có chính sách về lãi suất phù hợp và ổn định lâu dài thì DN mới làm ăn được. Thực tế, các dự án đầu tư chiều sâu, vòng đời dự án dài nhưng không NH nào bảo đảm lãi suất cho vòng đời dự án, dẫn đến nhiều DN “chết” vì lãi suất biến động. Vì sợ, nhiều DN không dám vay, không dám đầu tư chiều sâu.

Ông Hàng Vay Chi, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP Việt Hương, Chủ tịch Hội DN quận 11 cũng cho rằng, thành phố chưa quan tâm đúng mức đến DN vừa và nhỏ. Thành phố nên thành lập quỹ hỗ trợ DN vừa và nhỏ, sử dụng nguồn quỹ này hỗ trợ, bảo lãnh DN vay vốn đầu tư máy móc, công nghệ, cần có chính sách kết nối, liên kết giữa DN lớn và DN vừa và nhỏ để cùng tạo ra sản phẩm. Chỉ cần lập được quỹ khoảng 2.000 tỉ đồng để bảo lãnh DN vừa và nhỏ vay vốn đầu tư máy móc, công nghệ, nếu đầu tư tốt, chỉ vài ba năm, DN vừa có thể lớn lên thành DN cỡ trung.

Trong cuộc gặp gỡ DN mới đây, ông Lê Thanh Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh cam kết thành phố sẽ làm hết sức mình để tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh và đầu tư, coi khó khăn của doanh nghiệp như là những khó khăn của chính mình để cùng nhau tháo gỡ. Bí thư Lê Thanh Hải cho biết, Chương trình kích cầu đã có tác động tích cực. Thành phố sẽ đẩy mạnh hơn nữa hoạt động của quỹ hỗ trợ phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ, đồng thời đẩy mạnh các chương trình như kết nối doanh nghiệp - ngân hàng, xúc tiến thương mại, thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ... cũng như tiếp tục cải cách mạnh mẽ hơn nữa các thủ tục hành chính, xây dựng đội ngũ cán bộ công chức, rà soát lại vấn đề đào tạo nguồn nhân lực để đáp ứng nguồn nhân lực cho các doanh nghiệp, nhất là lao động chất lượng cao.


Lê Hiền

Hà Nội 'giải cứu' doanh nghiệp vừa và nhỏ
Hà Nội 'giải cứu' doanh nghiệp vừa và nhỏ

Kể từ khi Chính phủ quyết định triển khai Nghị quyết 13/NQ-CP với gói giải pháp tài chính trị giá 29.000 tỷ đồng, TP.Hà Nội đã sớm thực hiện nhiều biện pháp nhằm "giải cứu" doanh nghiệp. Nổi bật là hơn 5.150 tỷ đồng giãn, giảm, gia hạn tiền thuế cho 7 vạn doanh nghiệp nhỏ và vừa...

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN