Theo ý kiến nhiều luật sư, chỉ vì mang đổi 100 USD tại tiệm vàng, ông Nguyễn Cà Rê đã bị xử phạt 90 triệu đồng; đồng thời còn bị tịch thu gần 2,3 triệu đồng đã đổi cho thấy có những bất cập về mặt xử phạt hành chính theo Nghị định 96/2014/NĐ-CP đối với hành vi cá nhân mua, bán ngoại tệ tại tổ chức không được phép thu đổi ngoại tệ. Việc xử phạt hành chính về giao dịch ngoại hối này tuy đúng về căn cứ pháp lý nhưng lại cho thấy “sự hài hước" về cách áp dụng luật tại Việt Nam.
Trao đổi với phóng viên báo Tin tức, chuyên gia ngân hàng, TS. Nguyễn Trí Hiếu cho biết: “Lần đầu tiên tôi nghe tin một người dân đổi ngoại tệ bị phạt tiền gấp nhiều giá trị ngoại tệ đem giao dịch. Trong khi đó, từ trước tới nay, rất nhiều tiệm vàng trên cả nước không có giấy phép vẫn mua ngoại tệ nhưng không ai xử phạt. Điều này cho thấy sự thiếu nhất quán trong thi hành pháp luật của Việt Nam”.
Theo ông Hiếu, xét về góc độ pháp lý, công an thành phố Cần Thơ không sai khi áp dụng quy định quản lý ngoại hối để xử phạt người đổi tiền. Chỉ có điều thực tế, chúng ta áp dụng luật không thống nhất. Luật Quản lý ngoại hối có từ rất nhiều năm nhưng đi khắp thị trường ở Hà Nội như phố Hà Trung, các tiệm vàng ở TP Hồ Chí Minh, người dân, doanh nghiệp sẵn sàng đổi ngoại tệ nhưng không ai bị phạt.
Đồng tình quan điểm này, một cán bộ ngân hàng cho biết, từ trước đến nay các đoàn kiểm tra liên ngành đa số chỉ xử phạt vi phạm hành chính đối với cơ sở tổ chức thu mua ngoại tệ chưa có giấy phép, hiếm khi có quyết định xử phạt người đi mua bán ngoại tệ.
Theo luật, người dân có quyền mang, cất giữ USD trong nhà hay gửi ngân hàng. Tuy nhiên, người dân chỉ được phép mua, bán tại các tổ chức được NHNN cấp phép giao dịch ngoại tệ.
Nhiều luật sư cho rằng, việc xử phạt là cần thiết nhưng chỉ nên phạt cảnh cáo ở mức nhẹ nhất để làm hồi chuông cảnh tỉnh người dân mua bán ngoại tệ không hợp pháp diễn ra nhiều năm nay. Về Luật Quản lý ngoại hối, cơ quan chức năng từ lâu đã thông báo việc mua ngoại tệ ở nơi hợp pháp nhưng với người dân, không rõ vì vô tình hay cố ý vẫn tiếp tục vi phạm. Cơ quan chức năng cung cần thông báo về việc mua bán ngoại tệ rõ ràng hơn.
Còn theo chuyên gia Cấn Văn Lực, cơ quan chức năng cần truyền thông, tuyên truyền nhiều hơn nữa để người dân nắm rõ quy định pháp luật. "Qua sự việc này, chúng ta cũng cần nghiên cứu xem có cần thiết sửa đổi Nghị định 96 hay không để phù hợp với bối cảnh mới. Năm 2014, Nghị định này được ban hành trong bối cảnh thị trường ngoại hối, thị trường vàng ở Việt Nam tương đối phức tạp và biến động mạnh. Hiện nay, thị trường đã ổn định, chúng ta cần xem xét mức phạt đó còn phù hợp hay không? Chúng ta có thể phạt nhưng cần căn cứ vào quy mô nhiều hay ít, mức phạt cho hành vi vi phạm 100 USD phải khác vi phạm 100.000 USD”, chuyên gia Cấn Văn Lực đề xuất.
Liên quan tới vụ phạt 90 triệu đồng chỉ vì đổi 100 USD, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng cho biết: Ông chưa tiếp cận hồ sơ vụ việc cụ thể nhưng đã giao Giám đốc NHNN chi nhánh Thành phố Cần Thơ tiếp cận xem xét hồ sơ cụ thể để có thể tư vấn cho UBND Thành phố Cần Thơ về vụ việc này.
Liên quan đến Nghị định 96/2014/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 17/10/2014 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng, Thống đốc Lê Minh Hưng cho biết, Nghị định 96 nằm trong kế hoạch sửa đổi, bổ sung trong thời gian tới và NHNN đang nghiên cứu đề xuất Chính phủ xem xét sửa một số nội dung cho phù hợp. Nghị định 96 đã ban hành từ năm 2014 và đã nằm trong kế hoạch sẽ báo cáo Chính phủ sửa đổi trong năm nay.
Trước đó, dư luận xôn xao vụ việc ông Nguyễn Cà Rê (38 tuổi, ở phường An Hòa, quận Ninh Kiều, Cần Thơ) bị UBND Thành phố Cần Thơ ra quyết định xử phạt 90 triệu đồng vì đã đổi 100 USD tại tiệm vàng Thảo Lực (Công ty TNHH MTV sản xuất và thương mại Nhân Đạt Jewelry Thảo Lực). Ông Nguyễn Cà Rê bị xử phạt vì hành vi “Mua bán ngoại tệ tại tổ chức không được phép thu đổi ngoại tệ” theo Nghị định 96/2014/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng.