Đây là dự án truyền tải nguồn điện từ nước ngoài về Việt Nam và phải được hoàn thành trong tháng 4/2022 này. Tuy nhiên hạn đã sắp hết, nhưng việc giải phóng mặt bằng tại đây còn nhiều vướng mắc. Chủ đầu tư và nhà thầu thi công hiện đang phối hợp chặt chẽ để đẩy nhanh tiến độ dự án này.
Nhiều hộ dân không nhận đền bù
Có mặt tại công trường xây dựng tuyến đường dây 220 kV Lào Cai - Bảo Thắng những ngày đầu Hè, hàng trăm công nhân đang làm việc khẩn trương để dựng những vị trí cột cuối cùng, hoàn thiện kéo dây. Chia sẻ về dự án, ông Phùng Bảo Anh, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án các công trình điện miền Bắc (NPMB) cho biết, đây là dự án trọng điểm, cấp bách được Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) giao cho Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia (EVNNPT) là chủ đầu tư, NPMB quản lý dự án. Dự án có quy mô xây dựng mới 2 mạch đường dây 220 kV từ trạm biến áp 220 kV Lào Cai đến trạm biến áp 220 kV Bảo Thắng.
Mặc dù đây là dự án nhỏ, chiều dài chỉ 17 km nhưng lại có ý nghĩa lớn phục vụ truyền tải 330 MW nguồn điện nhập khẩu từ nước ngoài về Việt Nam; bảo đảm cung cấp an toàn, ổn định cho tỉnh Lào Cai nói riêng và khu vực miền Bắc nói chung ngay từ mùa nắng nóng năm nay. Cùng với đó là giải tỏa nguồn thủy điện nhỏ trong khu vực.
“Tính đến thời điểm hiện tại, dự án đã hoàn thành đúc móng và đang dựng 2 vị trí cột cuối cùng, dự kiến hoàn thành dựng cột trước ngày 18/4 này. Đối với công tác kéo dây, dự án đã hoàn thành giải phóng mặt bằng 17/22 khoảng néo, đã kéo dây xong 4 khoảng néo và đang kéo 4 khoảng néo”, ông Phùng Bảo Anh cho biết thêm.
Mặc dù thời hạn tháng 4 đã sắp hết, nhưng theo ông Đặng Đức Hoàn, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Sông Đà 11 Thăng Long, hiện nay, do còn vướng mắc trong vấn đề giải phóng mặt bằng hành lang tuyến, một số hộ dân vẫn chưa nhận tiền bồi thường. Vì vậy, tiến độ dự án đang chậm hơn so với kế hoạch đề ra ban đầu.
"Tuy nhiên, chúng tôi là đơn vị thi công dựng cột, kéo dây toàn bộ tuyến này, với quyết tâm cao nhất hoàn thành đóng điện dự án dịp 30/4 tới, đơn vị đã huy động 120 kỹ sư, công nhân để triển khai kéo dây. Nếu mặt bằng được bàn giao đủ, công ty sẽ huy động thêm kỹ sư, công nhân cùng với phương tiện máy móc từ các công trường khác để đáp ứng yêu cầu của dự án", ông Đặng Đức Hoàn nói.
Qua trao đổi tại công trường, vị đại diện Sông Đà 11 Thăng Long cũng cho hay, đơn vị thi công đã phối hợp chặt chẽ với đại diện lãnh đạo NPMB để tuyên truyền, vận động người dân dọc hành lang tuyến hiểu về tầm quan trọng và ý nghĩa dự án này, từ đó tạo thuận lợi về mặt bằng thi công. Dù vậy đến nay, khâu mặt bằng vẫn còn khó, ảnh hưởng tiến độ thi công dự án.
Về vấn đề này, ông Đỗ Bá Hùng, Phó Chủ tịch UBND huyện Bảo Thắng (tỉnh Lào Cai) thông tin thêm, hiện 35/35 vị trí cột với 52 hộ dân đã bàn giao đất cho chủ đầu tư để thi công dựng cột. Tuy nhiên, trong hành lang lưới điện có 127 hộ dân, huyện đã phê duyệt phương án đền bù cho 108 hộ và đang tập trung hoàn thiện hồ sơ đền bù. Tiến độ bồi thường giải phóng mặt bằng còn chậm vì một số hộ dân chưa hiểu hết chế độ chính sách nên chưa đồng thuận. Huyện tiếp tục phân công các cơ quan chuyên môn, chính quyền địa phương tuyên truyền vận động nhân dân để nhân dân chấp hành tốt bồi thường giải phóng mặt bằng.
Biện pháp mạnh
Để đảm bảo tiến độ của dự án này, khâu giải phóng mặt bằng được xem là điểm then chốt. Chủ đầu tư và nhà thầu thi công đều cho rằng, có mặt bằng sớm tại điểm nào, sẽ tiến hành làm "cuốn chiếu" tại điểm đó để đảm bảo tiến độ dự án.
Ông Đỗ Bá Hùng, Phó Chủ tịch UBND huyện Bảo Thắng khẳng định: “Chúng tôi nhận thức rất rõ tầm quan trọng của dự án. Thời gian qua, thực hiện theo yêu cầu UBND tỉnh Lào Cai và Tập đoàn Điện lực Việt Nam, huyện đã tập trung tuyên truyền vận động người dân, chỉ đạo các xã, thị trấn để đẩy nhanh giải phóng mặt bằng đường dây 220 kV Bảo Thắng - Lào Cai”.
Dù vậy, vẫn còn một vài hộ dân chưa đồng thuận, huyện sẽ tiếp tục vận động để nhân dân chấp hành tốt bồi thường giải phóng mặt bằng. Nhưng, đối với những hộ dân cố tình chống đối, về nguyên tắc khi chế độ chính sách của người dân được cơ quan chức năng thực hiện đầy đủ theo quy định của pháp luật, huyện Bảo Thắng sẽ xây dựng phương án bảo vệ thi công với quyết tâm muộn nhất ngày 22/4 sẽ hoàn thành toàn bộ mặt bằng dự án để đơn vị thi công kéo dây, để dự án về đích đúng hẹn.
Trong quá trình triển khai dự án, NPMB và huyện Bảo Thắng đã phối hợp rất tốt và những vướng mắc đều đã được trao đổi, cùng tháo gỡ.
Theo ông Đặng Đức Hoàn, Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Sông Đà 11 Thăng Long, với tính chất quan trọng của dự án, Chủ tịch HĐQT Công ty cùng các bộ phận chuyên môn đã trực tiếp có mặt tại công trường để chỉ huy, điều động lực lượng; phối hợp với NPMB và địa phương để đẩy nhanh tiến độ thi công. Các vướng mắc sẽ được tháo gỡ ngay tại công trường với quyết tâm hoàn thành đóng điện dự án dịp 30/4/2022.