DOC khởi xướng điều tra chống bán phá giá tủ đựng dụng cụ nhập từ Việt Nam

Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) vừa thông báo khởi xướng điều tra chống bán phá giá với tủ đựng dụng cụ nhập khẩu từ Việt Nam và Trung Quốc (ngoài điều tra về phá giá, Trung Quốc còn bị điều tra về trợ cấp).

Trước đó, DOC thông báo đã nhận được đơn kiện của ngành sản xuất nội địa đề nghị điều tra chống bán phá giá sản phẩm tủ đựng dụng cụ (tool chests and cabinets) có mã HS: 9403.20.0030, 9403.20.0026 và 7326.90.3500.

Cục Quản lý Cạnh tranh (Bộ Công Thương) cho biết, giai đoạn điều tra sẽ bắt đầu từ 1/10/2016-31/3/2017 do Tập đoàn Waterloo Industries Hoa Kỳ đứng nguyên đơn. Cùng đó, biên độ phá giá cáo buộc với Việt Nam là 21,85% (nguyên đơn sử dụng nước thay thế là Indonesia). Đối với Trung Quốc, biên độ phá giá cáo buộc là 159,99% (giảm so với biên độ cáo buộc trong đơn kiện).

Theo Cục Quản lý Cạnh tranh, nguyên đơn cáo buộc sản phẩm bị điều tra được xuất khẩu sang Hoa Kỳ với giá thấp hơn giá trị thông thường. Không những thế, việc bán phá giá đã gây ra thiệt hại đáng kể cho ngành sản xuất Hoa Kỳ qua việc kìm giá, ép giá, suy giảm lợi nhuận, sụt giảm khối lượng bán hàng, suy giảm thị phần, suy giảm số lượng việc làm và làm giảm công suất sử dụng.

Sau khi thông báo khởi xướng điều tra, DOC đã gửi bản câu hỏi lượng và giá trị cho các doanh nghiệp được nêu trong đơn kiện để thu thập dữ liệu về lượng và giá trị xất khẩu nhằm làm cơ sở lựa chọn bị đơn bắt buộc. Các doanh nghiệp không nhận được bản câu hỏi Q&V vẫn có quyền nộp bản trả lời (có thể lấy bản câu hỏi tại website của cơ quan điều tra). Thời hạn để trả lời bản câu hỏi Q&V là không muộn hơn 5h00 chiều (theo giờ bờ Đông Hoa Kỳ) ngày 11/5/2017.

Thông lệ, sau khi lựa chọn bị đơn bắt buộc, DOC sẽ gửi bản câu hỏi điều tra (thường 10-15 ngày sau khi khởi xướng điều tra) tới các bị đơn bắt buộc được lựa chọn.

Các bị đơn khác mà không được lựa chọn là bị đơn bắt buộc vẫn có thể được hưởng mức thuế suất riêng (bằng bình quân gia quyền của mức thuế suất áp dụng cho các bị đơn bắt buộc) (bị đơn tự nguyện). Để được lựa chọn là bị đơn bắt buộc, các doanh nghiệp phải gửi yêu cầu tới cơ quan điều tra (trong vòng 30 ngày kể từ ngày công bố thông báo khởi xướng điều tra).

Ngoài ra, Hoa Kỳ có quy định về thuế suất gộp nên các nhà xuất khẩu mà không trực tiếp sản xuất ra sản phẩm bị điều tra cũng sẽ chịu thuế suất bằng với thuế suất của các nhà sản xuất cung cấp sản phẩm bị điều tra cho các nhà sản xuất này trong giai đoạn điều tra.

Để chuẩn bị cho việc xây dựng bản câu hỏi điều tra của mình, DOC cho phép các bên có liên quan đưa ra các bình luận, vấn đề liên quan đến phạm vi sản phẩm bị điều tra. Dựa vào đó, DOC sẽ xem xét tất cả các bình luận nhận được từ các bên có liên quan và có thể tham vấn với các bên có liên quan trước khi ban hành kết luận sơ bộ.

Thời hạn nộp các bình luận nêu trên là trước 5h00 chiều (theo giờ bờ Đông Hoa Kỳ) ngày thứ Hai, 22/5/2017. Thời hạn cho các bên đưa ra các bình luận phản biện là trước 5h00 chiều (theo giờ bờ Đông Hoa Kỳ) thứ Năm, 1/6/ 2017.

Tuy nhiên, nếu các bên có liên quan nhận thấy một số thông tin bổ sung có thể liên quan đến phạm vi sản phẩm bị điều tra, thì có thể liên hệ DOC để cung cấp ngoài thời hạn này.

Ngoài ra, DOC cho biết các bên liên quan có thể cung cấp bất kỳ thông tin hoặc bình luận nào liên quan đến việc phát triển một danh sách chính xác các đặc tính vật lý của sản phẩm nói chung và các đặc tính vật lý được sử dụng làm tiêu chí so sánh để xác định sản phẩm tương tự. Thời hạn để cung cấp thông tin là trước 5h00 chiều (theo giờ bờ Đông Hoa Kỳ) thứ Ba, 16/5/2017. Thời hạn cho các bên đưa ra các bình luận phản biện là trước 5h00 chiều (theo giờ bờ Đông Hoa Kỳ) thứ Ba, 23/5/2017.

Cục Quản lý Cạnh tranh khuyến cáo: Mọi tài liệu phải được nộp dưới dạng bản điện tử (electronical) thông qua hệ thống cổng thông tin điện tử ACCESS, hoặc dưới dạng bản giấy tới Cơ quan thực thi và tuân thủ (cơ quan điều tra trực thuộc DOC) theo địa chỉ: Enforcement&Compliance’s APO/Dockets Unit, Room 18022, U.S. Department of Commerce, 1401 Constitution Avenue, NW, Washington, DC 20230 (ngày nhận và ngày gửi tính theo dấu bưu điện). Trong trường hợp kết luận không có thiệt hại, vụ việc sẽ được chấm dứt.



Uyên Hương (TTXVN)
Doanh nghiệp thép Việt sẽ đấu tranh nếu bị Mỹ điều tra chống bán phá giá
Doanh nghiệp thép Việt sẽ đấu tranh nếu bị Mỹ điều tra chống bán phá giá

Mới đây, một số doanh nghiệp Mỹ đã gửi đơn tới Bộ Thương mại Mỹ (DOC) xem xét, khởi xướng điều tra chống lẩn tránh thuế, chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp đối với sản phẩm thép cán nguội nhập khẩu từ Việt Nam.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN