Nhằm tạo diễn đàn trao đổi những thông tin, luận cứ khoa học về những điểm mới liên quan đến vấn đề môi trường và Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 đối với các doanh nghiệp, sáng 29/12, Viện Hỗ trợ pháp lý và Bảo vệ môi trường (Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam) phối hợp với Hội Giáo dục chăm sóc sức khỏe cộng đồng Việt Nam và Hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt - Đức tổ chức Hội thảo “Doanh nghiệp với Luật Bảo vệ môi trường”.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Tiến sỹ Nguyễn Gia Thọ, Ủy viên Hội đồng quản lý Viện Hỗ trợ pháp lý và Bảo vệ môi trường, Trưởng ban tổ chức Hội thảo cho biết, tại Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, hoạt động bảo vệ môi trường là hoạt động nhằm làm cho môi trường trong lành, sạch đẹp; phòng ngừa, hạn chế tác động xấu đối với môi trường, ứng phó sự cố môi trường; khắc phục ô nhiễm, suy thoái; phục hồi và cải thiện môi trường; khai thác, sử dụng hợp lý và tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ đa dạng sinh học.
Do đó, Hội thảo này sẽ góp phần giúp các doanh nghiệp có cái nhìn đầy đủ và toàn diện hơn về điểm đổi mới của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020; nhằm có phương thức quản lý, giải quyết các vấn đề về môi trường chủ động hơn. Từ đó có biện pháp phòng ngừa, kiểm soát các dự án có nguy cơ cao gây ô nhiễm môi trường, đóng góp cho tăng trưởng theo hướng bền vững.
Bàn về những điểm mới của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 mà các chủ thể kinh doanh cần lưu ý, Tiến sỹ Nguyễn Thị Bình, Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội cho biết, nhiều điểm mới của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 tác động tới hoạt động của các chủ thể kinh doanh. Những nội dung đó gồm: Điểm mới về phân loại dự án theo nguy cơ gây ô nhiễm môi trường; đánh giá tác động môi trường; giấy phép môi trường; bồi thường thiệt hại trong lĩnh vực môi trường. Các chủ thể kinh doanh cần nghiên cứu để nâng cao trình độ pháp lý và thực hiện nghiêm chỉnh nghĩa vụ bảo vệ môi trường. Chủ thể kinh doanh cần tránh 2 xu hướng cực đoan như sau: Hiểu biết pháp luật nhưng vẫn tìm cách chống đối và vi phạm; vi phạm pháp luật do thiếu hiểu biết.
Ngoài việc tuân thủ các quy định mới về môi trường, các nhà đầu tư cũng cần phải lưu ý trách nhiệm chứng minh mối quan hệ nhân quả giữa hành vi vi phạm pháp luật về môi trường và thiệt hại của hành vi đó sẽ thuộc về các cá nhân, tổ chức bị kiện. Quy định này cũng sẽ ràng buộc và tăng cường trách nhiệm đối với nhà đầu tư trong việc thực hiện và tuân thủ các quy định pháp luật về môi trường. Các nhà đầu tư cần cập nhật những hướng dẫn này để có thể tuân thủ đúng các quy định của Luật Bảo vệ môi trường, tránh rủi ro trong hoạt động đầu tư kinh doanh.
Tại Hội thảo, các đại biểu đã thảo luận một số vướng mắc, bất cập trong Luật Bảo vệ môi trường; đề xuất giải pháp để các quy định về xử lý vi phạm hành chính và tội phạm về môi trường được thực hiện một cách hiệu quả, có tính khả thi và phù hợp với thực tiễn. Trong đó, các đại biểu nhấn mạnh đến hoàn thiện quy định trong việc phân loại tội phạm về môi trường; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức và trách nhiệm của mọi công dân trong phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm và vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường; tăng cường công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường, cơ chế, chính sách về bảo vệ môi trường...