Không chỉ những dự án đã đi vào hoạt động ổn định, hiệu quả và có nhiều đóng góp cho sự phát triển của địa phương, nhiều dự án dù đang trong quá trình cơ cấu và đầu tư nhưng cũng rất chú trọng và làm tốt công tác an sinh xã hội, được lãnh đạo và người dân Lào ghi nhận và đánh giá cao.
Một trong những dự án trên là Công ty Nông nghiệp Nam Lào do Công ty Cổ phần Tập đoàn Trường Hải (THACO) đầu tư có tổng diện tích trên 27.000 hecta nằm trên địa bàn hai tỉnh Attapeu và tỉnh Sekong, trong khu vực Tam giác Phát triển Campuchia - Lào - Việt Nam (CLV), đang trong quá trình quy hoạch tổng thể, đầu tư đồng bộ và hình thành Khu liên hợp nông nghiệp quy mô lớn, khép kín - tích hợp - tuần hoàn trên toàn bộ diện tích nói trên.
Với số vốn đầu tư giai đoạn 2024 - 2028 là 750 triệu USD, dự án được kỳ vọng không chỉ tạo ra giá trị thực, đóng góp bền vững vào nền nông nghiệp và kinh tế của Lào, mà còn tạo ra nhiều công ăn việc làm, góp phần đáng kể vào công cuộc xóa đói giảm nghèo của địa phương. Dự kiến đến năm 2028, công ty sẽ tuyển dụng tới 25.000 công nhân để làm việc cho dự án.
Sinh ra và lớn lên tại huyện Xaysettha, tỉnh Attapeu, một tỉnh vùng sâu vùng xa, còn rất nhiều khó khăn của Lào, chị Lone Phommachak chưa bao giờ có thể hình dung một ngày nào đó, không cần phải ly hương mà chị vẫn có thể kiếm được công việc ổn định với mức thu nhập cao hơn so với mặt bằng chung mà các bạn của chị phải vất vả xa quê kiếm sống ở các khu đô thị cách nhà hàng trăm km.
Chia sẻ với phóng viên TTXVN tại Lào, chị Lone Phommachak cho biết, chị và chồng đã làm cho Công ty Nông nghiệp Nam Lào được khoảng 3 năm và hiện muốn tiếp tục gắn bó lâu dài với công ty. Chị cho biết khi làm việc tại đây, vợ chồng chị không chỉ có tổng thu nhập lên tới hơn 10 triệu kíp (461 USD)/tháng, cao hơn khá nhiều so với mặt bằng chung ở Lào, mà còn được khám sức khỏe miễn phí, được ký hợp đồng lao động và có hợp đồng bảo hiểm. Bên cạnh đó, Công ty còn cho lao động ở nhà tập thể miễn phí với đầy đủ mọi vật dụng thiết yếu như giường, chiếu, chăn, màn, bếp, thậm chí cả chổi quét và cây lau nhà.
Theo chị Lone, so với thời làm ruộng, làm nương vô cùng vất vả nhưng cũng chỉ đủ ăn và không có tiền ở nhà trước đây, làm việc ở công ty tốt hơn nhiều, không chỉ dư ăn, dư tiêu mà chị còn có tiền để giúp đỡ, hỗ trợ bố mẹ và họ hàng. Cũng vì thấy cuộc sống rất ổn, nên chị đã rủ cả gia đình em trai, em dâu cùng con cái của họ tới làm việc cho công ty và sống tại khu tập thể.
Tương tự như chị Lone, chị Ichnaly Khamsuan, đến từ huyện Samakhixay, tỉnh Attapeu, Nam Lào cũng muốn gắn bó lâu dài với Công ty Nông nghiệp Nam Lào do công ty có chính sách an sinh xã hội rất đầy đủ. Hay như chị Duangchan Sengduong, đến từ huyện Samakhixay, tỉnh Attapeu, cũng cảm thấy rất hài lòng khi làm việc với công ty. Trong hai năm làm việc tại dây chuyền đóng gói chuối xuất khẩu, chị được công ty hỗ trợ rất nhiều thứ ngoài lương, như được cấp nhà ở, sử dụng điện, nước miễn phí; được khám bệnh, được ký hợp đồng, được đóng bảo hiểm và được hỗ trợ thêm tiền ăn vào các ngày làm việc… Khu nhà các gia đình chị Lone và chị Ichnaly đang ở là một trong rất nhiều khu tập thể kiên cố được doanh nghiệp đã và đang xây dựng dành cho người lao động làm việc tại Dự án. Được phân bổ đều trong khắp khu vực dự án nhằm tạo điều kiện thuận tiện cho việc đi lại của người lao động, các khu nhà tập thể này đều có đặc điểm chung là nằm không xa nơi làm việc của công nhân, được xây dựng quay mặt vào nhau với khoảng giữa là sân dùng để trồng hoa và rau tạo nên khoảng xanh rất mát mắt. Các căn hộ tại đây đều được xây dựng khép kín với đầy đủ công năng, tiện ích như phòng ngủ, phòng bếp, hệ thống vệ sinh; được trang bị đầy đủ đồ dùng thiết yếu và được thiết kế thành hai loại, gồm căn hộ cho người độc thân và hộ gia đình.
Trao đổi với các phóng viên TTXVN tại Lào, ông Nguyễn Nhật Tuấn, Phó Tổng Giám đốc Công ty Nông nghiệp Nam Lào cho biết xác định phát triển nguồn nhân lực là một trong những yếu tố quyết định nền tảng của doanh nghiệp, chính vì vậy, bên cạnh chính sách tiền lương hấp dẫn, cao hơn mặt bằng chung, thực hiện ký hợp đồng lao động và đóng bảo hiểm xã hội với lao động, công ty luôn chú trọng đến đời sống an sinh xã hội của người lao động. Do đó, công ty đang tập trung đầu tư xây dựng các công trình nhà tập thể có tính thẩm mỹ cao, kiên cố, vững chắc, đảm bảo an toàn cho người lao động với đầy đủ các công năng, tiện ích.
Bên cạnh đó, công ty cũng đã thành lập một trung tâm đào tạo tại huyên Xaysettha, tỉnh Attapeu để bổ túc, hướng dẫn sơ cấp, nâng cao tay nghề cho người lao động nhằm đáp ứng hiệu quả sản xuất.
Đánh giá cao sự đầu tư bài bản của Công ty Nông nghiệp Nam Lào tại địa bàn tỉnh, ông Sounnakhone Keoviengkham, Giám đốc Sở Kế hoạch Đầu tư tỉnh Attapeu cho biết, việc công ty luôn quan tâm tới đời sống của người lao động, đầu tư xây dựng hệ thống đường sá, hệ thống điện, hệ thống nhà tập thể, đào tạo nghề cho lao động..., đặc biệt là ký hợp đồng lao động và đóng bảo hiểm cho người lao động, đã giúp người lao động yên tâm, bởi đây chính là những điều mà người lao động cần để ổn định cuộc sống.
Theo ông Sounnakhone, đầu tư của Công ty Nông nghiệp Nam Lào đến nay đã tạo ra lượng lớn việc làm cho lao động Lào, góp phần quan trọng giải quyết vấn đề thất nghiệp của tỉnh Attapeu nói riêng và khu vực Nam Lào nói chung.