Tham dự có Đại sứ Việt Nam tại Lào Nguyễn Bá Hùng, đại diện các Tổng lãnh sự Việt Nam tại các tỉnh Luang Prabang, Savannakhet và Champasak, cùng đông đảo các doanh nhân đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam đang làm ăn, kinh doanh trên khắp cả nước Lào…
Tại buổi lễ, ông Dương Đình Bảng, Chủ tịch lâm thời BACI, đã ôn lại lịch sử và ý nghĩa của Ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10, cho biết thực hiện chủ trương đẩy mạnh hợp tác kinh tế với nước bạn Lào anh em, trên nền tảng của mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện giữa hai nước, trong thời gian qua, đã có rất nhiều doanh nghiệp Việt Nam sang đầu tư kinh doanh tại Lào.
Theo Chủ tịch BACI, với hơn 400 dự án đầu tư, tổng số vốn cam kết trên 5 tỷ USD, Việt Nam hiện là nhà đầu tư lớn thứ 3 trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Lào, chỉ sau Thái Lan và Trung Quốc. Trong những năm qua, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam tại Lào không chỉ góp phần cho ngân sách Lào hằng năm, mà còn đóng góp hàng chục triệu USD cho các hoạt động an sinh xã hội, xây dựng nhiều cơ sở hạ tầng, tạo công ăn việc làm cho hàng ngàn lao động Lào… Quan trọng hơn, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam đã góp phần từng bước thay đổi tư duy cho người lao động Lào, từ sản xuất nhỏ lẻ, sang sản xuất hàng hóa, góp phần tạo ra định hướng mới và cơ bản cho nền sản xuất phát triển kinh tế bền vững của Lào. Điều không chỉ được Chính phủ và nhân dân Lào đánh giá cao mà còn góp phần vun đắp cho mối quan hệ hữu nghị vĩ đại giữa hai nước Lào - Việt Nam.
Đánh giá cao và biểu dương cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam tại Lào về tinh thần, ý chí vượt khó trong đại dịch COVID - 19, Đại sứ Nguyễn Bá Hùng bày tỏ vui mừng khi nhận thấy bất chấp tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, hoạt động sản xuất, kinh doanh của phần lớn các doanh nghiệp vẫn bảo đảm ở mức có thể; các dự án đầu tư mới vẫn tiếp tục tăng dù ở mức khiêm tốn.
Đại sứ cũng nêu bật những khó khăn, thách thức mà các doanh nghiệp Việt Nam tại Lào đang và sẽ phải đối mặt trong thời gian tới, yêu cầu các doanh nghiệp cần phải hiểu rõ, thấm nhuần khái niệm bình thường mới, khắc phục và tận dụng tối đa điều kiện hiện có về nhân lực, công nghệ, chuyển dần theo hướng “sống chung với COVID-19”; đảm bảo tối đa an toàn trong sản xuất bằng cách tìm tòi, cập nhật áp dụng khoa học - công nghệ, kỹ thuật, áp dụng kỹ thuật số trong đầu tư sản xuất kinh doanh. Các doanh nghiệp đã có kế hoạch, xây dựng phương án cụ thể các hoạt động của doanh nghiệp để thích ứng với từng mức độ giãn cách xã hội của Chính phủ Lào để đảm bảo tối đa hóa hiệu quả sản xuất kinh doanh. Đối với những khó khăn, vướng mắc, cần phối hợp chặt chẽ với Đại sứ quán để có đề xuất Chính phủ Lào để chính phủ hai nước hỗ trợ, giải quyết.
Đại sứ Nguyễn Bá Hùng cũng kêu gọi các doanh nhân cần nhanh nhạy, mạnh dạn đi trước trong công cuộc đầu tư kinh doanh tại Lào; đoàn kết, hợp tác, hỗ trợ nhau để cùng phát triển; thể hiện tinh thần, nhiệt huyết, thiện chí, hăng say lao động của người dân Việt Nam trên đất bạn, góp phần làm bền chặt hơn nữa mối quan hệ anh em khăng khít giữa hai nước Việt – Lào anh em.
Nhân dịp này, Đại sứ cũng đánh giá cao và biểu dương những đóng góp tích cực của các doanh nghiệp Việt Nam tại Lào đối với Chính phủ hai nước Lào và Việt Nam trong công cuộc phòng, chống và ngăn chặn dịch COVID-19 trong thời gian qua.