Doanh nhân Việt bản lĩnh vượt gian khó trong dịch COVID-19

Đại dịch COVID-19 kéo dài đến nay đã khiến 94% doanh nghiệp trên cả nước lâm vào tình trạng khó khăn. Đây chính là thời điểm “lửa thử vàng, gian nan thử sức” của cộng đồng doanh nhân.

Chú thích ảnh
May hàng xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản của CTCP may Hưng Việt, huyện Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên. Ảnh: Trần Việt/TTXVN

Vượt lên trong đại dịch

Trong đợt dịch COVID-19 lần thứ bùng phát từ cuối tháng 4/2021, Bắc Giang là tỉnh chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Vào thời điểm đó, bà Nguyễn Thị Thanh Thủy, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Tổng công ty May Bắc Giang “ngồi trên đống lửa”, doanh nghiệp phải tạm dừng sản xuất để phòng chống dịch cùng với nhiều chi phí phát sinh. Tuy nhiên, ngay sau đó, doanh nghiệp đã bắt tay vào thực hiện “3 tại chỗ” (sản xuất tại chỗ, ăn uống tại chỗ, nghỉ ngơi tại chỗ), với chỉ khoảng 1/3 lao động được làm việc dẫn tới khó hoàn thành các đơn hàng. Một mặt công ty đã phải thương lượng với đối tác để lui thời gian, mặt khác đẩy mạnh sản xuất như tăng ca...

Để kịp các đơn hàng giữ chữ tín với khách hàng, công ty cũng mạnh dạn chuyển đổi hình thức vận tải từ hàng hải sang hàng không mặc dù chi phí cao hơn gấp nhiều lần. Đến nay, nhà máy sản xuất hàng may mặc xuất khẩu của Tổng Công ty May Bắc Giang đã sản xuất trở lại. Hiện công ty đã tiếp nhận nhiều đơn hàng từ Mỹ, Nhật, châu Âu…, nhờ đó năm nay, công ty vẫn dự kiến đạt doanh thu 1.100 tỷ đồng, vượt chỉ tiêu 10%-15%.

Tương tự, nhiều doanh nghiệp đã đổi mới tư duy, áp dụng công nghệ cho sản xuất kinh doanh để tạo sự bứt phá trong bối cảnh dịch tiếp diễn. Đơn cử, Công ty Cổ phần Nafoods Group (Nghệ An) nhờ đầu tư số hoá sản xuất từ con giống, nguyên liệu, đến chế biến, 9 tháng 2021, doanh nghiệp vẫn đạt doanh thu tăng trưởng 31%, lợi nhuận ròng tăng 19% so với cùng kỳ năm 2020...

Không chỉ vừa duy trì sản xuất an toàn, góp phần tăng trưởng nền kinh tế đất nước, hơn bao giờ hết, các tập đoàn, doanh nghiệp, doanh nhân... vẫn luôn sẵn sàng thể hiện tinh thần vì cộng đồng chung tay cùng Chính phủ phòng chống dịch. Hàng chục nghìn tỷ đồng và rất nhiều hiện vật, vật tư y tế đã được cộng động doanh nghiệp đóng góp cho công tác phòng chống dịch. Doanh nghiệp, doanh nhân là lực lượng chủ lực trong phát triển kinh tế, tạo công ăn việc làm cho người lao động và thực hiện an sinh xã hội, xóa đói, giảm nghèo. Các thành tựu phát triển kinh tế - xã hội của nước ta có vai trò và đóng góp quan trọng của Đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp. 

Cần thêm những quyết sách “giải nguy” 

Theo Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Phạm Tấn Công, trong 9 tháng đầu năm đã có trên 90.000 doanh nghiệp giải thể và tạm ngừng kinh doanh. Bình quân một tháng có hơn 10.000 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng hơn 24% so với năm 2020. Bức tranh chung của cộng đồng doanh nghiệp đang có sự suy giảm mạnh về quy mô hoạt động và sự gia tăng mức độ ảnh hưởng đến toàn bộ nền kinh tế. Do đó, cần có những chính sách hỗ trợ thiết thực đến với doanh nghiệp.

“Tình hình đặc biệt này đòi hỏi Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ phải có cách làm đặc biệt và những quyết sách đặc biệt để giải nguy cho những doanh nghiệp đang khó khăn. Đồng thời, “trong nguy có cơ”, những quốc gia sớm kiểm soát được dịch bệnh, có hệ thống chính sách mới phù hợp với “điều kiện bình thường mới” thì doanh nghiệp sẽ chớp được cơ hội chiếm lĩnh các vị trí tốt hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu”, Tân Chủ tịch VCCI cho biết.

VCCI mong muốn Chính phủ nhìn nhận các doanh nghiệp là một chủ thể trong ứng phó dịch COVID-19 và tạo điều kiện cho doanh nghiệp chủ động về y tế tại chỗ, tự xét nghiệm, tự điều trị các ca F0 nhẹ theo điều kiện của doanh nghiệp, Nhà nước chỉ cần hỗ trợ, hướng dẫn và ban hành các quy định, chính sách phù hợp; đồng thời, rà soát, kịp thời điều chỉnh hệ thống pháp lý phù hợp với điều kiện “bình thường mới”, mạnh dạn phá bỏ những quy định cũ không còn phù hợp. 

Bên cạnh đó, VCCI cũng kiến nghị các giải pháp về tài chính như xem xét nâng trần nợ công quốc gia để tăng quy mô các gói hỗ trợ ứng phó COVID-19; nghiên cứu ban hành các chính sách tài khóa, tiền tệ có tính chất đột phá như bổ sung gói hỗ trợ cấp bù lãi suất cho doanh nghiệp, xem xét mức giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế VAT, phí công đoàn... 

Ở góc độ doanh nghiệp, ông Phạm Đình Đoàn, Chủ tịch Tập Đoàn Phú Thái cho biết, cần kêu gọi được sức mạnh đó, trong đó “cỗ xe tam mã” Chính quyền - Doanh nghiệp - Người dân cần được quan tâm để sẵn sàng cho mọi thách thức. 

Còn ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) cho rằng, Chính phủ cần thực hiện giải pháp “5T” để hỗ trợ doanh nghiệp. Đó là:  “Trợ thở” - mở cửa một cách kiên định, nhanh chóng; “Tiếp máu” - biện pháp liên quan đến chính sách tài khóa, tiền tệ, an sinh xã hội…; “Thúc đẩy” doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh; cải cách “Thể chế” và “Tổ chức” các chương trình xúc tiến thương mại, kết nối lại thị trường. Ngoài ra, doanh nghiệp cần chủ động nâng cao năng lực, chuyển đổi số, xây dựng mô hình kinh doanh bảo vệ môi trường và xã hội hóa doanh nghiệp. Đây là định hướng chiến lược mà doanh nghiệp cần tính đến.

“Cách nay 76 năm, ngày 13/10/1945, trong lá thư đầu tiên gửi tới giới Công Thương, Bác Hồ đã viết: ‘Trong lúc các giới khác trong quốc dân ra sức hoạt động để giành lấy nền hoàn toàn độc lập của nước nhà, thì giới Công Thương phải hoạt động để xây dựng một nền kinh tế và tài chính vững vàng và thịnh vượng’. Sứ mệnh cao cả được Chủ tịch Hồ Chí Minh trao từ ngày ấy đến nay vẫn được giới doanh nhân Việt Nam ra sức thực hiện, với mục tiêu xây dựng đất nước ta phồn vinh, hạnh phúc”, ông Phạm Tấn Công dẫn chứng.
Chú thích ảnh
Thu Trang/Báo Tin tức
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc gặp mặt Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc gặp mặt Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam

Sáng 12/10/2021, tại TP Hồ Chí Minh, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc gặp mặt Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam nhân kỷ niệm Ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN