Đó là thông tin được bà Trần Anh Đào, Quyền Tổng giám đốc Sở Giao dịch Chứng khoán TP Hồ Chí Minh (HOSE) cho biết tại Hội nghị Cấp cao Thành viên Hội đồng quản trị năm 2023, do Hội Thành viên Độc lập Hội đồng Quản trị Doanh nghiệp Việt Nam (VNIDA) tổ chức ở TP Hồ Chí Minh, chiều 17/11.
Theo bà Trần Anh Đào, các doanh nghiệp đang đứng trước nhiều thách thức mang tính sống còn cũng như những yêu cầu đổi mới về chuyển đổi số, áp dụng các tiêu chuẩn ESG (Môi trường - Xã hội - Quản trị doanh nghiệp), ứng dụng khoa học công nghệ… Trước bối cảnh này, chất lượng quản trị công ty và áp dụng phương thức thích ứng trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết. Quản trị thích ứng là cách tiếp cận mang tính thích ứng, linh hoạt, giúp doanh nghiệp đáp ứng nhanh chóng những thay đổi lớn cũng như những cú sốc về mặt kinh tế.
Là trung tâm cốt lõi trong bộ máy quản lý và quản trị doanh nghiệp, bà Đào cho rằng, Hội đồng quản trị và các thành viên phải tiên phong trong tiếp cận và áp dụng phương thức quản trị thích ứng trong hoạt động. Qua đó, "chèo lái" công ty vượt qua khó khăn, thách thức, giúp công ty không chỉ tăng trưởng ổn định mà còn có thể phát triển mạnh mẽ.
"Một nghiên cứu trên 500 doanh nghiệp niêm yết thực hiện trong năm 2023 cho thấy, nhóm công ty thực hành nguyên tắc quản trị công ty tốt hơn thì sẽ có tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu cũng như tỷ suất lợi nhuận trên tổng tài sản sẽ tốt hơn. Đặc biệt, việc thực hiện các tiêu chuẩn quản trị công ty tốt cũng giúp doanh nghiệp giảm rủi ro biến động giá và khả năng tăng giá trị cổ phiếu cũng tốt hơn nhóm doanh nghiệp còn lại", bà Trần Anh Đào cho biết.
Từ thực tế trên, lãnh đạo HOSE cho rằng, Hội đồng quản trị và các thành viên hoạt động hiệu quả sẽ là yếu tố cốt lõi giúp doanh nghiệp có bệ phóng vượt qua khó khăn. Đồng thời, việc duy trì thực hành quản trị công ty tốt thì doanh nghiệp Việt Nam sẽ ngày càng chứng tỏ sức sống bền bỉ và giúp nền kinh tế tăng trưởng bền vững hơn trong thời gian tới.
Ông Lê Công Điền, Vụ trưởng Vụ Giám sát Công ty Đại chúng, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cũng cho rằng, quản trị công ty nói chung và hoạt động của Hội đồng quản trị nói riêng là yếu tố cốt lõi giúp doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, đa dạng hóa quyền lợi cũng như giảm thiểu những biến động tổn thất kinh tế.
Nhận thức rõ điều đó, thời gian qua Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã ban hành và khuyến khích các doanh nghiệp Việt Nam áp dụng Bộ Nguyên tắc Quản trị Công ty theo Thông lệ tốt nhất dành cho các công ty đại chúng của Việt Nam, với những nhóm nguyên tắc theo thông lệ quốc tế. Bên cạnh đó, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cùng các Sở Giao dịch Chứng khoán có nhiều hoạt động phổ biến, khuyến khích hoạt động ESG trong hoạt động doanh nghiệp.
Tuy nhiên, bên cạnh nỗ lực của cơ quan quản lý, đại diện Ủy ban Chứng khoán Nhà nước hy vọng các tổ chức phi chính phủ trong và ngoài nước, hiệp hội nghề nghiệp như VNIDA có thể phổ biến, tạo động lực để doanh nghiệp áp dụng thông lệ tốt nhất về quản trị doanh nghiệp. Qua đó, giúp doanh nghiệp giảm thiểu rủi ro, tăng tính bền vững trong kinh doanh và sức chống chịu với các rủi ro.
Tại hội nghị, ông Nguyễn Sinh Dũng Thắng, Chủ tịch VNIDA cũng cho rằng, đứng trước bối cảnh kinh tế biến động liên tục, thách thức đan xen và phức tạp chưa từng có, nhu cầu về quản trị thích ứng chưa bao giờ trở nên cấp bách như hiện nay.
"Hội nghị Cấp cao Thành viên Hội đồng Quản trị năm 2023 là cơ hội để các nhà quản trị có cái nhìn sâu sắc về bối cảnh hiện tại cũng như khám phá các chiến lược đổi mới giúp các tổ chức vượt qua thách thức và thúc đẩy phát triển bền vững. Đây cũng là nền tảng kết nối, khơi dậy sự đổi mới và xây dựng cộng đồng cam kết đổi mới tích cực trong lĩnh vực quản trị doanh nghiệp", đại diện VNIDA cho biết.