Ngày 31/5, Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP Hồ Chí Minh, Cục Hải quan TP Hồ Chí Minh và Liên minh tạo thuận lợi thương mại Việt Nam đã tổ chức Hội nghị về “Quy định xác định trước: Tình hình áp dụng tại Việt Nam và lợi ích cho doanh nghiệp” nhằm trao đổi thông tin về việc áp dụng quy định xác định trước đối với tình hình thực tế của doanh nghiệp hiện nay.
Để tạo điều kiện cho doanh nghiệp kê khai các thủ tục hải quan khi xuất nhập hàng, Tổng cục Hải quan Việt Nam đã chủ động, tích cực và nỗ lực không ngừng trong tiến trình hội nhập để cải cách, hiện đại hoá thủ tục hải quan. Đặc biệt là việc ban hành các quy trình xác định trước mã số, xuất xứ, trị giá hải quan đối với hàng hoá xuất nhập khẩu, đáp ứng yêu cầu chính đáng của người khai hải quan, phù hợp với thông lệ quốc tế.
Các đại biểu đã chỉ rõ những lợi ích của việc quy định xác định trước cho doanh nghiệp khi kê khai hải quan. |
Tại Việt Nam, quy định xác định trước đã được đề cập trong Luật Hải quan (2014); Nghị định 08/2015/NĐ-CP ngày 21/01/2015 Quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật Hải quan về thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát, kiểm soát hải quan; Thông tư 38/2015/TT-BTC ngày 25/3/2015 của Bộ Tài chính Quy định về thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát; thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu và quản lý thuế đối với hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu.
Ông Đặng Thái Thiện, Phó Trưởng phòng Giám sát quản lý Cục Hải quan TP Hồ Chí Minh, cho biết quy định xác định trước mã số, xuất xứ, trị giá hải quan đối với hàng hoá xuất nhập khẩu (gọi tắt là “Quy định xác định trước” - mã HS) giúp cho người khai hải quan chủ động xác định trước số thuế phải nộp khi làm thủ tục thông quan, tránh phát sinh việc tranh cãi giữa người khai hải quan và hải quan cửa khẩu khi làm thủ tục hải quan, minh bạch hoá thủ tục hải quan, cho việc làm thủ tục hải quan được thống nhất trên toàn quốc, ngăn chặn hiện tượng nhũng nhiễu, tiêu cực của công chức Hải quan.
Thế nhưng, thực tế vẫn còn nhiều doanh nghiệp chưa tiếp cận được thông tin và quy trình áp dụng các quy định này. Tính đến nay, cả nước chỉ mới có hơn 500 trường hợp xác định trước mã số HS; 5 trường hợp xác định trước trị giá hải quan và chưa có trường hợp xác định trước xuất xứ đối với hàng hoá xuất nhập khẩu.
Ngoài ra, để thuận tiện cho doanh nghiệp, người khai hải quan có quyền đề nghị cơ quan Hải quan xác định trước mã số, xuất xứ, trị giá hải quan đối với hàng hoá dự kiến xuất khẩu, nhập khẩu; đề nghị xem xét lại kết quả xác định trước nếu không đồng ý với kết quả xác định trước của cơ quan Hải quan.
Ngoài việc nộp đủ hồ sơ đề nghị xác định trước theo quy định, người khai hải quan cũng cần tham gia đối thoại với cơ quan Hải quan nhằm làm rõ nội dung đề nghị xác định trước theo đề nghị của cơ quan Hải quan, thông báo bằng văn bản cho Tổng cục Hải quan trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày có sự thay đổi nào liên quan đến hàng hoá đã đề nghị xác định trước, trong đó nêu rõ nội dung, lý do, ngày tháng năm thay đổi.
Tại hội nghị, Cục Hải quan TP Hồ Chí Minh cũng đã hướng dẫn cho doanh nghiệp các loại hồ sơ xác định trước. Theo đó, đối với hồ sơ xác định trước mã số, doanh nghiệp cần có đơn đề nghị xác định trước theo mẫu số 01/XĐTMS/TXNK (phụ lục VI ban hành kèm theo Thông tư 38/2015/TT-BTC); mẫu hàng hoá dự kiến XK, NK. Trường hợp không có mẫu, doanh nghiệp phải cung cấp tài liệu kỹ thuật (bản phân tích thành phần, catalogue, hình ảnh ), mô tả chi tiết thành phần, tính chất, cấu tạo, công dụng, phương thức vận hành.
Đối với hồ sơ xác định trước xuất xứ, doanh nghiệp cần có đơn đề nghị xác định trước theo mẫu số 01/XĐTXX/GSQL (phụ lục V ban hành kèm theo Thông tư 38/2015/TT-BTC); bản kê các nguyên vật liệu dùng để sản xuất ra hàng hoá gồm: tên hàng, mã số HS, xuất xứ nguyên vật liệu cấu thành sản phẩm, giá CIF của nguyên vật liệu do nhà sản xuất hoặc xuất khẩu cung cấp; bản mô tả sơ bộ quy trình sản xuất ra hàng hóa...
Đối với hồ sơ xác định trước phương pháp xác định trị giá hải quan, doanh nghiệp cần có đơn đề nghị xác định trước theo mẫu số 02/XĐTTG/TXNK (phụ lục VI ban hành kèm theo Thông tư 38/2015/TT-BTC); hợp đồng mua bán do người đề nghị trực tiếp thực hiện giao dịch; tài liệu kỹ thuật, hình ảnh... Trường hợp chưa có giao dịch thực tế, chưa có các chứng từ nêu trên thì doanh nghiệp đề nghị cơ quan Hải quan hướng dẫn nguyên tắc, điều kiện áp dụng phương pháp xác định trị giá hải quan.
Đối với hồ sơ xác định trước mức giá, doanh nghiệp cần có đơn đề nghị xác định trước theo mẫu số 02/XĐTTG/TXNK (phụ lục VI ban hành kèm theo Thông tư 38/2015/TT-BTC); hợp đồng mua bán do người đề nghị trực tiếp thực hiện giao dịch; chứng từ thanh toán qua ngân hàng... Trường hợp chưa có các chứng từ giao dịch nêu trên thì doanh nghiệp đề nghị cơ quan hải quan hướng dẫn nguyên tắc, điều kiện áp dụng phương pháp xác định trị giá hải quan.