Sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Ất Tỵ, ngày 3/2, gần 12.000 lao động của Tổng Công ty May 10 - CTCP (May 10) tại 7 tỉnh, thành phố trên cả nước đã đồng loạt ra quân sản xuất, bắt đầu ngày làm việc đầu tiên của năm Ất Tỵ với quyết tâm hoàn thành xuất sắc các chỉ tiêu kế hoạch đã đặt ra trong năm 2025.
Chia sẻ trong ngày đầu tiên đi làm của năm mới Ất Tỵ cũng đúng vào dịp kỷ niệm 95 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930 - 3/2/2025), ông Thân Đức Việt, Tổng Giám đốc Tổng công ty May 10, khẳng định, trải qua 95 năm, Đảng ta đã kiên định mục tiêu, lý tưởng, vượt qua mọi khó khăn, thách thức, đưa đất nước ngày càng phát triển, củng cố vững chắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ.
Ông Thân Đức Việt khẳng định, Đảng bộ và toàn thể cán bộ, công nhân viên Tổng công ty May 10 bước vào năm Ất Tỵ 2025 với khí thế mới, quyết tâm lập nhiều thành tích chào mừng Đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2025 - 2030 tiến tới Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng, góp phần thực hiện thành công con đường Chủ nghĩa xã hội mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta đã lựa chọn.
Năm 2024, tổng doanh thu của May 10 đạt 4.699 tỷ đồng, tăng 11% so với kế hoạch, tăng 10% so với năm 2023. Lợi nhuận trước thuế đạt 131,5 tỷ đồng, tăng 14% so với kế hoạch, tăng 7% so với năm 2023. Thu nhập bình quân của lao động đạt 10.000.000 đồng/người/tháng, tăng 5% so với kế hoạch, tăng 8% so với năm 2023. May 10 bảo đảm đầy đủ việc làm cho hơn 7.100 lao động, hỗ trợ 22% thu nhập tháng nhân dịp khai trường, thưởng lương tháng 13 bằng 13% tổng thu nhập năm 2024 cho người lao động.
Năm 2025, May 10 đặt mục tiêu doanh thu đạt 5.055 tỷ đồng tăng 7,4% so với năm 2024; lợi nhuận đạt 135 tỷ đồng tăng 2,3 % so với năm 2024. Thu nhập bình quân đạt 10.500.000 đồng/người/tháng, tăng 5% so với năm 2024.
Tại lễ ra quân, Tổng công ty May 10 đã phát động trong toàn thể cán bộ công nhân viên góp một phần thu nhập của mình tiếp tục ủng hộ các hoàn cảnh khó khăn.
Cùng với đó, sáng 3/2, Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex) tổ chức Lễ kỷ niệm 95 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930 – 3/2/2025) và khai xuân đầu năm theo hình thức trực tiếp và trực tuyến.
Phát biểu tại buổi lễ, ông Lê Tiến Trường, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐQT Vinatex nhấn mạnh, dưới sự dẫn dắt của Đảng, Việt Nam đã đi qua những chặng đường đầy thử thách, từ giành độc lập, thống nhất đất nước đến công cuộc đổi mới, phát triển kinh tế, đưa đất nước vươn lên trở thành nền kinh tế quy mô lớn thứ 33 thế giới với thu nhập bình quân đầu người đạt ngưỡng trung bình. Trong hành trình ấy, ngành Dệt May Việt Nam luôn giữ vai trò quan trọng, liên tục góp mặt trong nhóm ngành xuất khẩu chủ lực của cả nước, tạo việc làm cho hơn 2,5 triệu lao động, đóng góp vào sự phát triển kinh tế bền vững.
Bước vào năm 2025, trong bối cảnh đất nước đang hướng tới mục tiêu trở thành quốc gia phát triển vào năm 2045, ngành dệt may cần cụ thể hóa các định hướng chiến lược của Đảng thành những nhiệm vụ trọng tâm. Trong đó, Vinatex đặt ra các mục tiêu cụ thể như: Nâng cao năng suất lao động để đảm bảo thu nhập người lao động đạt mức trên 1,2 lần GRDP tại địa phương trú quân, phấn đấu đến năm 2030 đạt bình quân 750 USD/tháng; Xây dựng công nghiệp dệt may theo hướng hiện đại, đạt chuẩn ngay trong năm 2025 và gia nhập nhóm ngành công nghiệp hiện đại thế giới vào năm 2030; Chuyển đổi số mạnh mẽ, đưa dữ liệu quản trị lên không gian chung để so sánh và tối ưu hiệu quả quản lý; Phát triển chiến lược “một điểm đến”, mở rộng chuỗi cung ứng nội địa và tăng tỷ lệ nội địa hóa…
Năm 2025, Tập đoàn đặt mục tiêu tăng trưởng với lợi nhuận hợp nhất đạt 820 tỷ đồng, tăng gần 10% và lợi nhuận công ty Mẹ đạt 190 tỷ đồng, tăng 22,5% so với năm 2024. Cùng với đó, Vinatex tiếp tục định hình chiến lược dài hạn, xanh hóa chuỗi cung ứng, nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển nguồn nhân lực.
Cũng trong ngày 3/2, toàn bộ 33.000 người lao động của Tập đoàn Hoà Phát đã trở lại nhịp độ làm việc bình thường. Riêng với khối sản xuất ở các nhà máy làm theo ca sản xuất bình thường xuyên tết.
Theo đại diện Tập đoàn Hoà Phát, cả năm 2024, Hòa Phát đạt 140.560 tỷ đồng doanh thu, tăng 17% so với cùng kỳ năm trước, đạt kế hoạch năm 2024. Lợi nhuận sau thuế đạt 12.020 tỷ đồng, tăng 77% so với năm 2023 và vượt 20% kế hoạch năm.
Năm 2024, Hòa Phát đã sản xuất 8,7 triệu tấn thép thô, tăng 30% so với năm 2023. Sản lượng bán hàng các sản phẩm thép HRC, thép xây dựng, thép chất lượng cao và phôi thép đạt 8,1 triệu tấn, tăng 20%. Trong đó, thép xây dựng, thép chất lượng cao đạt 4,48 triệu tấn, tăng 18% so với cùng kỳ năm trước. Thép cuộn cán nóng HRC sản xuất hơn 3 triệu tấn, tăng 5% so với năm 2023.
Tại thị trường trong nước, Hòa Phát củng cố vị thế thị phần số 1 cả nước về thép dài, ống thép với lần lượt là 37,6% và 27,7% và đứng trong Top 5 thị phần tôn mạ với 8,2%. Sản phẩm đã cung cấp vào hàng loạt dự án hạ tầng lớn như sân bay, các tuyến Metro tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và nhiều dự án trọng điểm khác. Tập đoàn đã sản xuất và cung cấp hàng trăm ngàn tấn thép có hàm lượng kỹ thuật cao, phức tạp như thép cuộn làm tanh lốp ô tô, đinh ốc vít, lõi que hàn, cáp thang máy, thép hợp kim cao dập nguội, thép làm cẩu trục, thép dự ứng lực cường độ cao…
Thị trường xuất khẩu thép Hòa Phát mở rộng tới gần 40 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới. Năm 2024, hoạt động xuất khẩu đóng góp 31% doanh thu của toàn Tập đoàn.
Về sản phẩm hạ nguồn, Hòa Phát đã cung cấp trên 708.000 tấn ống thép cho thị trường, tăng trên 3% so với năm 2023. Tôn mạ các loại đạt hơn 446.000 tăng 36% so với cùng kỳ. Thép dự ứng lực các loại đạt 134.000 tấn, tăng 28% so với năm trước.
Năm 2024, Tập đoàn Hòa Phát nộp ngân sách 13.400 tỷ đồng, vượt xa con số 9.000 tỷ đồng năm 2023. Hòa Phát cũng dành hàng trăm tỷ đồng thực hiện các hoạt động an sinh xã hội. Trong đó, Tập đoàn đã hỗ trợ hỗ trợ xây dựng 1.500 căn nhà cho người nghèo, các hộ có hoàn cảnh khó khăn trên cả nước theo chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát của Chính phủ; hỗ trợ tái thiết Làng Nủ, Nậm Tông, xây nhà cho bà con tại xã A Lù, Lào Cai…