Doanh nghiệp mong đòn bẩy nguồn tài chính, ‘cởi trói’ trong tình hình mới

Việt Nam đang mở cửa trở lại, cộng đồng doanh nghiệp mong mỏi hơn bao giờ hết là được hỗ trợ dòng tiền, giãn nợ, đặc biệt “cởi nút” rào cản kinh doanh. Về phía các doanh nghiệp cần có kế hoạch phục hồi nhanh, xây dựng gói tài chính, tìm thị trường, nguồn lao động... đặc biệt là chuyển đổi số để nâng cao khả năng chống chịu với mọi nghịch cảnh.

Nhân ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10, Báo Tin tức đăng tải ý kiến các doanh nghiệp, chuyên gia kinh tế xung quanh vấn đề này.

Ông Phạm Đình Đoàn, Phó Chủ tịch Hội đồng Trung ương các Hiệp hội doanh nghiệp Việt Nam, Chủ tịch Tập Đoàn Phú Thái: Cần giảm thiểu các thủ tục cản trở doanh nghiệp

Chú thích ảnh
Ông Phạm Đình Đoàn - Phó Chủ tịch Hội đồng Trung ương các Hiệp hội doanh nghiệp Việt Nam, Chủ tịch Tập Đoàn Phú Thái. Ảnh: Báo Tin tức.

Để xây dựng được một doanh nghiệp vững mạnh phải mất nhiều thời gian, lên tới 20 - 30 năm; phải có dòng tiền lớn trả lương nhân viên, chi trả bảo hiểm, đóng thuế… Để tránh các thiệt hại lớn trong thời gian khó khăn này, doanh nghiệp mong mỏi Nhà nước hỗ trợ kịp thời thông qua việc giãn hạn trả nợ.

Trong bối cảnh dịch còn kéo dài, cần giảm thiểu được các thủ tục cản trở, hạn chế đối với các doanh nghiệp. Việc tái mở cửa đã góp phần kịp thời “cởi trói” và thúc đẩy hoạt động của doanh nghiệp lúc này. Ước tính, con số chi phí và thiệt hại của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam trong bối cảnh đại dịch hoành hành có thể lên tới 200.000 -  300.000 tỷ đồng, chủ yếu do thiếu hụt dòng tiền. 

Sự hỗ trợ của Nhà nước đối với dòng tiền cho các doanh nghiệp lúc này xuất phát từ các nguồn vốn sẵn có của Nhà nước. Theo đó, cho doanh nghiệp vay tạm ứng trước hoặc giãn thời gian đối với các khoản trả tới hạn để có thể cân đối lại dòng tiền, duy trì hoạt động. Mặc dù việc giãn nợ có thể gây ra một số mất mát, nhưng thiệt hại đó chắc chắn sẽ nhẹ hơn việc để nhiều doanh nghiệp đang làm tốt phải ngừng hoạt động. 

Đối với cộng đồng doanh nghiệp, cần chủ động triển khai 3 kế hoạch như: Tái cấu trúc, xem xét lại hiệu quả của từng lĩnh vực, trong đó duy trì và đầu tư vào các lĩnh vực có tiềm năng và mạnh dạn cắt bỏ những mảng kinh doanh không hiệu quả; cần có kiến thức về các hoạt động M&A - mua bán và sáp nhập doanh nghiệp; trong khi chờ đợi các nguồn cứu trợ của Nhà nước, các doanh nghiệp cùng cần chủ động đàm phán với các ngân hàng, tổ chức tài chính và khách hàng, người lao động... là những giải pháp tình thế để duy trì dòng tiền.

TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC): Giải pháp 5T từ Chính phủ

Chú thích ảnh
Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC), TS Vũ Tiến Lộc. Ảnh: TTXVN.

Thứ nhất (1T) - Trợ thở: Mở cửa nền kinh tế, chấp nhận sống chung an toàn với dịch là quyết định hết sức khó khăn, nhưng được xem là cỗ máy “trợ thở” lớn nhất cho các doanh nghiệp trong cơn nguy kịch.                

Thứ hai (2T) - Tiếp máu: Để yểm trợ cho doanh nghiệp tái khởi động phục hồi, Chính phủ cần tiếp tục bổ sung và tổ chức thật tốt, thật nhanh các gói hỗ trợ về tài khoá, tiền tệ, an sinh - xã hội cho người dân và doanh nghiệp. Các biện pháp giãn hoãn, giảm thuế, phí, giảm giá. giảm lãi suất, nới lỏng các điều kiện cho vay… cần mở rộng phạm vi với liều lượng lớn hơn, thời hạn dài hơn; mở rộng phạm vi giảm thuế giá trị gia tăng, bổ sung các biện pháp mới như: Bảo lãnh tín dụng và cấp bù lãi suất cho vay từ ngân sách… đang còn dư địa để thực hiện chính sách tài khoá ngược chu kỳ hỗ trợ cho doanh nghiệp và nền kinh tế. 

Thứ 3 (3T) - Tháo gỡ khó khăn vướng mắc, “cởi trói” cho doanh nghiệp: Cải cách thủ tục hành chính cho giai đoạn tái khởi động, phục hồi nền kinh tế cũng phải triển khai “thần tốc” như việc triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh để tranh thủ thời cơ cho doanh nghiệp vượt lên. Quốc hội đã đặt ra chương trình Nghị sự tập trung giải quyết 135 nhiệm vụ xây dựng pháp luật cho cả nhiệm kỳ. Chính phủ cũng đã trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội phương án 1 luật sửa 10 luật để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và nhiều chính sách tích cực khác cũng sẽ được ban hành, mà việc sửa đổi Luật đất đai vào năm 2022 là một điểm nghẽn lớn cần được gỡ bỏ. Những quyết sách này cần phải thực hiện nhanh. 

Thứ 4 (4T) - Thúc đẩy nâng cấp doanh nghiệp về quản trị, công nghệ và về nguồn nhân lực: Cần có sự chung tay của các cơ quan chính quyền, các hiệp hội và cộng đồng doanh nghiệp; cấp tập thúc đẩy các công tác trên thông qua nền tảng trực tuyến. 

Thứ 5 (5T) - Tăng cường liên kết, mở rộng các hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư để yểm trợ doanh nghiệp tiếp cận các thị trường. Đối với các doanh nghiệp, cần chủ động nâng cao năng lực của mình. Muốn nâng cao hiệu quả, khả năng chống chịu với mọi nghịch cảnh thì cần phải chuyển đổi số.

Chương trình 3 “hóa” như: Số hóa, xanh hóa và xã hội hóa là 3 việc quan trọng mà các doanh nghiệp phải xây dựng. Đây cũng là hướng phát triển bền vững của doanh nghiệp.

Ông Mạc Quốc Anh: Phó Chủ Tịch, Tổng Thư kí Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa thành phố Hà Nội (Hanoisme): Cần áp dụng thống nhất các biện pháp để duy trì nguồn cung ứng, lưu thông

Chú thích ảnh
Ông Mạc Quốc Anh, Phó Chủ Tịch, Tổng Thư kí Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa TP Hà Nội (Hanoisme). Ảnh: KTĐT.

Để tiếp tục thúc đẩy sự phát triển kinh tế mà vẫn đảm bảo an toàn chống dịch, Chính phủ và UBND TP Hà Nội cần đẩy mạnh chiến lược tiêm vaccine, phấn đấu đạt tỷ lệ tiêm chủng 70% tổng dân số trong thời gian sớm nhất; ban hành danh sách các địa phương, ngành, lĩnh vực được ưu tiên bố trí nguồn vaccine để chính quyền địa phương và doanh nghiệp, hợp tác xã, người dân chủ động kế hoạch duy trì hoạt động kinh tế - xã hội, sản xuất, kinh doanh. Đồng thời, áp dụng các biện pháp nhất quán, đồng bộ, thống nhất từ Trung ương đến địa phương để duy trì cả cung và cầu trên thị trường, duy trì sản xuất, cung ứng, lưu thông, vận chuyển hàng hóa, ổn định thị trường tiêu dùng trong nước.

Bên cạnh đó, hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, người dân thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh để phục vụ trực tiếp cho mục tiêu tăng trưởng kinh tế, ổn định đời sống xã hội. Chính vì vậy, hỗ trợ phải quyết liệt, mạnh mẽ, liên tục, thông suốt, công khai, minh bạch, đúng đối tượng, kịp thời, dễ tiếp cận, quy mô hỗ trợ phải tương xứng với ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh; điều kiện, tiêu chuẩn các gói hỗ trợ phải khả thi; các quy trình, thủ tục để hưởng hỗ trợ phải được đơn giản hóa tối đa.

Song song với đó, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp bảo đảm đúng mục tiêu, trúng đối tượng là những doanh nghiệp, hợp tác xã đang giảm hoặc không có lợi nhuận do tác động tiêu cực của dịch bệnh. Tập trung tháo gỡ khó khăn cho những ngành, lĩnh vực mang tính “dẫn dắt”, đối tượng, khu vực đóng góp đáng kể vào ngân sách Nhà nước, tạo lượng lớn việc làm cho người lao động, có tác động lan tỏa, lâu dài, đang tạo nên dư địa tăng trưởng mới cho nền kinh tế, kịp thời đón đầu nhu cầu của thế giới đang dần mở cửa sau đại dịch thay vì dàn trải nguồn lực.

Ông Nguyễn Đình Hùng, Ủy viên BCH Hanoisme, Chủ tịch Tập đoàn edX: Chuyển đổi số, ứng dụng thương mại điện tử để tồn tại 

Chú thích ảnh
Ông Nguyễn Đình Hùng, Ủy viên BCH Hanoisme, Chủ tịch Tập đoàn edX. Ảnh: KTĐT.

Chuyển đổi số hay thương mại điện tử không phải là "lá bài" duy nhất cho các doanh nghiệp thích ứng thời dịch bệnh, nhưng là điều kiện không thể thiếu được đối với mọi doanh nghiệp nếu muốn tồn tại. 

Dịch bệnh kéo dài nhiều ngày, người dân ở nhà, nhu cầu mua sắm online tăng cao hơn bao giờ hết. Đây là cơ hội vàng của doanh nghiệp chuyển sang bán hàng online. Nếu doanh nghiệp biết tận dụng cơ hội này, chuyển kinh doanh truyền thống sang kinh doanh thương mại điện tử, bán hàng online thì không những không bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, mà còn tận dụng được thời cơ, sự quyết tâm chuyển đổi sang bán hàng online. Doanh nghiệp có thể đạt được doanh thu lớn, thương hiệu gia tăng với chi phí thấp hơn việc duy trì các cửa hàng kinh doanh truyền thống.

Dịch bệnh kéo dài, nhân sự làm việc tại nhà là tất yếu, doanh nghiệp cần ngay lập tức ứng dụng các hệ thống phần mềm quản lý công việc, nhân sự… để điều hành doanh nghiệp từ xa, để nhịp độ làm việc vẫn diễn ra bình thường, nhân sự không bỏ việc, chuyển sang lĩnh vực khác, đơn vị khác. Bên cạnh đó, doanh nghiệp có thể tận dụng được một lượng lớn nhân sự cộng tác từ xa bán hàng cho mình mà không tốn nhiều chi phí như nhân sự cơ hữu.

Trên thực tế, edX đã bị ảnh hưởng nặng tới mọi lĩnh vực hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp như: Xưởng sản xuất tóc giả xuất khẩu bị đóng cửa, công nhân không có việc làm, đơn hàng không giao kịp cho khách hàng quốc tế; mảng nhập hàng qua Hệ sinh thái thương mại Alibaba cũng bị tạm ngưng do nhu cầu khách hàng giảm, công tác vận chuyển, logistic bị gián đoạn, giá hàng hoá tăng cao. Đặc biệt, mảng giáo dục đào tạo của của edX bị ảnh hưởng lớn, sinh viên nghỉ học nhiều tháng liên, công tác tuyển sinh gặp khó khắn lớn. 

Tuy nhiên, edX nhận thấy, dịch bệnh không thể kết thúc trong một thời gian ngắn, doanh nghiệp cần phải có giải pháp triệt để, thích nghi với diễn biến phức tạp. Để không gián đoạn công việc, edX chuyển toàn bộ hoạt động lên online, nhân sự làm việc online, họp online hàng ngày, báo cáo kết quả hoạt động hàng ngày, đào tạo online; tận dụng nguồn cộng tác viên online.

Bên cạnh đó, edX triển khai thêm Dự án xây dựng Hệ sinh thái Blockchain Diamond Network dựa trên nền tảng Substrate - Polkadot và đã nhận được lời đề nghị đầu tư trên 10 triệu USD. Ngoài ra, edX cũng đã mở thêm khoá đào tạo ngắn hạn về Blockchain, bước đầu khả quan, thu hút được hàng trăm học viên tham dự. Để gia tăng thêm nguồn thu, hỗ trợ cán bộ công nhân viên, edX đã triển khai thêm nhiều dự án tư vấn tái cầu trúc và niêm yết trên sàn chứng khoán cho các doanh nghiệp, tư vấn mua bán, chuyển nhượng doanh nghiệp.

Ông Lê Xuân Nghĩa, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển kinh doanh (Hiệp hội Công Thương TP Hà Nội): “Hà hơi” tiếp sức ngay để doanh nghiệp có sức bật

Chú thích ảnh
Ông Lê Xuân Nghĩa, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển kinh doanh (Hiệp hội Công Thương TP Hà Nội). Ảnh: TTXVN.

Nợ xấu ở Việt Nam là bệnh nền của nền kinh tế ngay cả khi chưa có COVID-19 và nay, nợ xấu đã trở thành vấn đề lớn. Gợi ý của Chủ tịch Quốc hội về xây dựng gói hỗ trợ lãi suất 2.000 tỷ đồng, nên được thảo luận một cách nghiêm túc vì quy mô các gói hỗ trợ COVID-19 ở Việt Nam vẫn ở mức thấp so với một số quốc gia. Các Chính phủ Mỹ, Nhật Bản, châu Âu đều có gói tài trợ lớn, hỗ trợ trực tiếp tiền cho doanh nghiệp, người lao động. Chưa có nước nào tài trợ qua ngân hàng.

Ví dụ: Chính phủ Mỹ đã tài trợ cho doanh nghiệp và người dân 5.800 tỷ USD, GDP của Mỹ khoảng 20.000 tỷ USD, chiếm hơn 1/4 GDP, phục hồi rất nhanh. Thậm chí, Nhật Bản hỗ trợ mạnh hơn 3.400 tỷ USD trên 5.000 tỷ USD GDP, chiếm trên 60% GDP. Họ hỗ trợ người lao động được hưởng lương và cho những doanh nghiệp lớn vay, tức là những doanh nghiệp cần phục hồi vay. Còn những doanh nghiệp hỗ trợ thông qua quỹ bảo lãnh doanh nghiệp hay châu Âu dùng gói 6.000 tỷ USD/15.000 tỷ USD GDP. 

Điều đó cho thấy phải "hà hơi" tiếp sức ngay để có sức bật. Không có vốn, không có lao động rất khó bật trong bối cảnh khó khăn hiện nay. Vậy ở nước ngoài, trong điều kiện khẩn cấp lấy ở đâu, lấy ở ngân hàng Trung ương, Chính phủ phát hành trái phiếu bán cho ngân hàng Trung ương. Sau này ngân hàng Trung ương giữ trái phiếu và bán trái phiếu ra thu tiền về chống lạm phát.

Hiện, Việt Nam chưa có chính sách đặc biệt, nhưng cũng không cần phát hành trái phiếu mà chỉ cần hoán đổi một phần quỹ dự trữ ngoại tệ là có được nguồn lực rất lớn. Từ bài học của thế giới và bài học kinh nghiệm năm 2009, Việt Nam cần thực hiện gói kích thích về lãi suất nhanh, quy mô đủ rộng, đừng như “muối bỏ biển". Biện pháp đưa ra cần đơn giản, tiện lợi để nhanh chóng hỗ trợ doanh nghiệp thời điểm này.

Chú thích ảnh
Minh Phương/Báo Tin tức
Tăng 'sức đề kháng' cho doanh nghiệp
Tăng 'sức đề kháng' cho doanh nghiệp

Dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp tại nhiều địa phương trên toàn quốc đã gây ảnh hưởng tiêu cực tới đời sống xã hội, các hoạt động sản xuất kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN