Chương trình chuyển đổi số quốc gia cùng với Chương trình phát triển bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia sẽ tạo thành những trụ cột quan trọng thúc đẩy nền kinh tế Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.
Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam từng nhiều lần nhấn mạnh, chuyển đổi số sẽ giúp đem lại một nền kinh tế thương mại minh bạch, hiệu quả; đặc biệt, giải quyết được vấn đề không để ai bị bỏ lại phía sau trong các hoạt động thương mại xuyên biên giới. Tuy nhiên, để quyết định việc chuyển đổi số thành công hay thất bại lại phụ thuộc rất lớn vào công nghệ - lĩnh vực chưa nhận được sự đầu tư xứng đáng với giá trị đem lại.
Hiện nay, có không ít doanh nghiệp rất thờ ơ với kỹ thuật số và coi việc chuyển đổi số chỉ là phương tiện để trình diễn, hay là chi phí phải gánh chịu chứ không phải khoản đầu tư quan trọng hàng đầu để nâng cao lợi thế cạnh tranh. Ông Lộc cho biết, khi đề cập tới việc đầu tư, nâng cấp công nghệ để số hóa các hoạt động, nhiều doanh nghiệp Việt vẫn giữ tư duy “sợ mất mát, ngại thay đổi”. Đó chính là rào cản lớn nhất cho chuyển đổi số của doanh nghiệp ở Việt Nam.
Nhiều doanh nghiệp Việt Nam nói chung, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ vẫn chưa nhận thức đúng vai trò chuyển đổi số trong cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Nhiều báo cáo của VCCI đã chỉ ra rằng, doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam hiện chiếm khoảng 97% tổng số doanh nghiệp nhưng trình độ khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo còn thấp. Có từ 80-90% máy móc sử dụng trong các doanh nghiệp Việt Nam là sản phẩm nhập khẩu; trong đó, gần 80% là những công nghệ cũ từ thập niên 1980-1990. Điều đó khiến nhiều doanh nghiệp lúng túng và gặp khó trong công cuộc chuyển đổi số để đáp ứng yêu cầu của thực tiễn khách quan.
Cisco System - Nhà cung cấp các giải pháp về sản phẩm và dịch vụ công nghệ thông tin cho doanh nghiệp vừa thực hiện một nghiên cứu, đánh giá về chỉ số phát triển kỹ thuật số của doanh nghiệp vừa và nhỏ khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Nghiên cứu được thực hiện với hơn 1.340 doanh nghiệp tại khu vực nói chung và 50 doanh nghiệp Việt Nam nói riêng.
Theo đó, tại Việt Nam, các doanh nghiệp vừa và nhỏ đang đối mặt với những rào cản trong quá trình chuyển đổi kỹ thuật số như thiếu kỹ năng số và nhân lực (17%), thiếu nền tảng công nghệ thông tin đủ mạnh để cho phép chuyển đổi kỹ thuật số (16,7%), thiếu tư duy kỹ thuật số hoặc các thách thức về văn hóa kỹ thuật số trong doanh nghiệp (15,7%) ... Tuy nhiên, cũng đã có tới 18% doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam đang bước đầu đầu tư vào công nghệ đám mây, 12,7% đầu tư cho an ninh mạng và 10,7% doanh nghiệp đầu tư để nâng cấp phần mềm, phần cứng để chuyển đổi số.
Nguyên nhân khiến các doanh nghiệp dè dặt đổi mới và chưa đầu tư xứng đáng về công nghệ, theo Tiến sĩ Lương Minh Huân, Viện trưởng Viện Phát triển doanh nghiệp (VCCI) phân tích, là do chi phí cho hoạt động đổi mới công nghệ quá cao, dẫn tới các doanh nghiệp rất khó đáp ứng. Ngoài ra, cũng vì doanh nghiệp thiếu nhân lực đủ trình độ chuyên môn thực hiện các hoạt động đổi mới công nghệ. Cùng đó, Nhà nước còn thiếu những chính sách hỗ trợ hấp dẫn cho hoạt động đổi mới công nghệ nhằm thúc đẩy, khuyến khích doanh nghiệp tham gia nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh.
Từ thực tiễn doanh nghiệp, ông Bùi Đức Vương, Giám đốc Công ty cổ phần Á Mỹ Thọ Xuân cho biết, đối với doanh nghiệp, việc đầu tư, đổi mới công nghệ là khâu cốt lõi để nâng cao năng suất, giá trị kinh tế và khả năng cạnh tranh. Song, để đổi mới công nghệ là điều không dễ dàng, đòi hỏi doanh nghiệp cần phải có tiềm lực kinh tế, có đội ngũ nhân công đủ khả năng “lĩnh hội” và ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất.
Nhận thức rõ điều này và đặt mục tiêu đạt doanh thu 100 tỷ đồng/năm, doanh nghiệp đã tập trung ưu tiên cải tiến công nghệ, đầu tư trang thiết bị máy móc hiện đại để tăng năng suất, giảm chi phí, nâng cao chất lượng sản phẩm. Nhờ vào việc đầu tư hệ thống công nghệ sản xuất hiện đại đã giúp doanh nghiệp giảm khoảng 50% số lao động phải vận hành; giảm chi phí nhân công, góp phần hạ giá thành sản phẩm. Từ đó, hiệu quả kinh tế được nâng lên cao, gấp 2 đến 3 lần so với sản xuất truyền thống. Tuy nhiên, trong quá trình đầu tư, đổi mới công nghệ công ty gặp không ít khó khăn về vốn, chuyển giao kỹ thuật cho lực lượng lao động…
Trước những thách thức lớn đặt ra khi doanh nghiệp còn loay hoay đổi mới công nghệ để số hóa hoạt động và tiến tới chuyển đổi số, ông Vũ Tiến Lộc cho rằng, các cơ quan Nhà nước cần tiếp tục thể chế hóa và tích cực triển khai các chủ trương, chính sách về đổi mới công nghệ tại địa phương. Cùng với đó, là tăng cường phối hợp giữa các sở, ban, ngành và các địa phương trong việc thúc đẩy, triển khai các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ. Các chính sách của Nhà nước về lĩnh vực này cũng chưa thực sự hấp dẫn, thủ tục xin xét duyệt hỗ trợ còn rườm rà, mất thời gian khiến doanh nghiệp ngần ngại, khó tiếp cận nguồn vốn ưu đãi và các nguồn hỗ trợ khác.
Về phía các doanh nghiệp, ông Lộc cho rằng cần phải có những nhìn nhận đúng đắn; ý thức rõ trách nhiệm là phải đổi mới mô hình kinh doanh, hệ thống công nghệ máy móc sản xuất và lập mô hình quản trị dựa trên công nghệ số… Đó là yếu tố then chốt để doanh nghiệp hướng tới các mục tiêu phát triển sáng tạo, bền vững và bao trùm.