Ngành chế biến, chế tạo là trụ cột chính của tăng trưởng công nghiệp. Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN
Tuy nhiên, bà Phí Thị Hương Nga, Trưởng ban Thống kê công nghiệp xây dựng, Cục Thống kê, Bộ Tài Chính cho biết: Trong bối cảnh tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, với nền kinh tế có độ mở lớn như Việt Nam, thời gian tới, các doanh nghiệp sẽ đối mặt với nhiều thách từ các biến động về kinh tế, chính trị trên thế giới… Do vậy, các bộ, ngành, đơn vị cần chủ động điều hành linh hoạt, phù hợp với tình hình mới, kịp thời ứng phó với các tình huống phát sinh để có thể đạt được các mục tiêu tăng trưởng.
Cục Thống kê vừa công bố kết quả điều tra xu hướng kinh doanh trong quý III/2025 đối với các doanh nghiệp thuộc ngành công nghiệp chế biến, chế tạo. Qua khảo sát, các doanh nghiệp đều thể hiện sự lạc quan trong sản xuất kinh doanh quý III/2025. Cụ thể, dự kiến sang quý III năm nay, có 37,3% số doanh nghiệp đánh giá xu hướng sẽ tốt lên so với quý trước; 43,5% số doanh nghiệp cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh sẽ ổn định.
Đáng chú ý, khu vực doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) lạc quan nhất với 81% số doanh nghiệp dự báo tình hình sản xuất kinh doanh quý III tốt hơn và giữ ổn định so với quý trước. Tỷ lệ này ở khu vực doanh nghiệp ngoài Nhà nước và khu vực doanh nghiệp Nhà nước lần lượt là 80,7% và 79,8%.
Các chỉ số về khối lượng sản xuất đơn đặt hàng, tỷ lệ doanh nghiệp cho rằng tăng lên và ổn định cũng tăng, đặc biệt về đơn đặt hàng xuất khẩu... Bất chấp chích sách thuế đối ứng của Mỹ sẽ áp dụng đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ tới đây, quý III/2025 so với quý II/2025,có 30,8% số doanh nghiệp dự kiến tăng số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu mới; 51 % số doanh nghiệp dự kiến ổn định và 18,2% số doanh nghiệp dự kiến giảm.
Theo bà Phí Thị Hương Nga, những tháng tới là giai đoạn quan trọng cho tăng trưởng sản xuất để chuẩn bị nhu cầu tiêu dùng cho các kỳ nghỉ lễ lớn ở Mỹ, châu Âu.
Ông Nguyễn Việt Thắng, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Hòa Phát cho hay, mặc dù, giá thép cuộn cán nóng (HRC) tại Mỹ tăng lên hơn 900 USD/tấn sau khi bị áp thuế, nhưng doanh nghiệp xuất khẩu vẫn có lãi. Tuy nhiên, doanh nghiệp hiện vẫn ưu tiên thị trường nội địa, chiếm 80% sản lượng tiêu thụ.
Ngoài ra, Công ty cổ phần Tập đoàn Hòa Phát đang vận hành giai đoạn 1 Nhà máy Dung Quất 2, dự kiến hoạt động toàn bộ vào quý IV/2025, nâng công suất HRC lên 8,6 triệu tấn/năm. Cùng đó, doanh nghiệp hướng tới phát triển thép chất lượng cao, thép đặc biệt để tăng giá trị gia tăng trong dài hạn.
Ở trong nước, việc chuyển đổi mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, giảm bớt tầng nấc trung gian và các thủ tục hành chính cũng giúp doanh nghiệp chủ động hơn trong xây dựng kế hoạch sản xuất kinh doanh. Ngoài ra, cuộc chiến chống hàng giả, hàng nhái được thực hiện quyết liệt sẽ kích thích doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất…
Tuy nhiên, bên cạnh các thuận lợi trên, đại diện Cục Thống kê nhận định: Các hoạt động sản xuất công nghiệp chịu tác động từ giá dầu, khí quốc tế biến động và chính sách thương mại có thể gây áp lực lên chi phí sản xuất hoặc gián đoạn chuỗi cung ứng. Điều này có thể làm giảm khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp và gây khó khăn cho hoạt động sản xuất và xuất khẩu.
Cùng với đó, sự chuyển đổi mô hình sản xuất xanh, sạch, ứng cung công nghệ thông tin trong sản xuất nhằm chuyển hướng thị trường, nâng cao giá trị nội bộ đòi hỏi nguồn vốn đầu tư lớn, điều này tạo áp lực không nhỏ với các doanh nghiệp.
Từ góc độ doanh nghiệp, theo kết quả điều tra xu hướng kinh doanh, trong thời gian qua, các doanh nghiệp cho biết, hai yếu tố “nhu cầu thị trường trong nước thấp” và “tính cạnh tranh của hàng trong nước cao” ảnh hưởng nhiều nhất đến hoạt động. Các yếu tố khác là khó khăn do nhu cầu thị trường quốc tế thấp (30,8%), khó khăn về tài chính (24,5%), không tuyển dụng được lao động theo yêu cầu của doanh nghiệp (23,2%), không đủ sức cạnh tranh với hàng nhập khẩu (21,9%)…
Để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho hoạt động sản xuất kinh doanh trong các tháng còn lại của năm, bà Phí Thị Hương Nga cho biết thêm, dù tỷ lệ doanh nghiệp kiến nghị giảm lãi suất đã giảm 1,7 điểm phần trăm so với quý I/2025 song vẫn còn 38,7% doanh nghiệp kiến nghị các ngân hàng tiếp tục giảm lãi suất cho vay.
Có 31,8% doanh nghiệp kiến nghị Nhà nước cần có các biện pháp hỗ trợ hữu hiệu hơn nhằm ổn định giá nguyên vật liệu và giá năng lượng, đặc biệt là việc tăng giá điện liên tục từ tháng 10/2024 đến nay đã gia tăng gánh nặng lên chi phí sản xuất của doanh nghiệp.
Liên quan đến cải cách thủ tục hành chính, có 25,9% doanh nghiệp kiến nghị cần thực hiện phần việc này đồng bộ hơn nữa, tập trung ở một số ngành như: ngành sản xuất xe có động cơ với 33,3%; ngành chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa (trừ giường, tủ, bàn, ghế) với 48,6% với 16,8%; ngành sản xuất kim loại với 32,2%.
Có 25,4% doanh nghiệp kiến nghị cần ổn định nguồn cung nguyên vật liệu, tập trung ở một số ngành như: ngành sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác 34,6%; ngành chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa (trừ giường, tủ, bàn, ghế) và ngành sản xuất chế biến thực phẩm với 32,1%...
Để hỗ trợ doanh nghiệp, về phía địa phương, ông Lê Công Lý, Trưởng Ban Quản lý các khu chế xuất và công nghiệp Cần Thơ cho hay, thời gian tới, ban tập trung thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm như nhanh chóng ổn định tổ chức bộ máy, phát huy tối đa năng lực, sở trưởng của từng cá nhân để tạo đồng thuận, đoàn kết và chuyên nghiệp trong thực thi công vụ.
“Cùng với đó, Ban quản lý sẽ tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đẩy mạnh xúc tiến đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, hỗ trợ nhà đầu tư, doanh nghiệp và tham mưu cho UBND thành phố tháo gỡ điểm nghẽn về thủ tục hành chính, hạ tầng quy hoạch để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp hoạt động và phát triển. Mặt khác, đẩy mạnh chuyển đổi số trong việc quản lý, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, cung cấp dịch vụ công trực tuyến đảm bảo minh bạch, công khai, nâng cao sự hài lòng của doanh nghiệp và người dân”, ông Lê Công Lý cho hay.
Còn bà Cao Thị Phi Vân, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP Hồ Chí Minh (ITPC) cho rằng, trong bối cảnh doanh nghiệp đang gặp nhiều thách thức về thị trường tiêu thụ, đặc biệt thị trường xuất khẩu dự báo sẽ sụt giảm do tác động từ thuế đối ứng của Hoa Kỳ, việc chú trọng khai thác tốt thị trường nội địa với hơn 100 triệu dân là vô cùng quan trọng.
Nắm bắt được nhu cầu của doanh nghiệp về mong muốn kết nối, đưa sản phẩm Việt Nam vào kênh phân phối hiện đại, ITPC đã phối hợp với nhiều hệ thống phân phối có mạng lưới siêu thị, cửa hàng rộng khắp tổ chức chuỗi hoạt động xúc tiến thương mại thường niên. Qua đó, sẽ tạo cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam quảng bá sản phẩm có chất lượng và thương hiệu uy tín; trong đó các sản phẩm mới nghiên cứu phát triển của nhóm doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.
“Với sự đồng hành của Chính phủ, các bộ, ngành địa phương trong thời gian qua, đặc biệt là các phản ứng của lãnh đạo Đảng, Chính phủ, Bộ Công Thương đối với chính sách áp thuế nhập khẩu mới của Mỹ trong thời gian qua rất nhanh, chúng tôi kỳ vọng sản xuất công nghiệp sẽ nhanh chóng vượt qua những khó khăn trước mắt và duy trì đà tăng trưởng trong quý tiếp theo”, bà Phí Thị Hương Nga nhận định.