Kết quả khảo sát cho thấy, nhiều doanh nghiệp đánh giá lạc quan hơn về doanh thu trong năm nay dù còn không ít trở ngại trong việc thúc đẩy đầu tư, phát triển kinh doanh.
Lạc quan kinh tế sẽ phục hồi
Trong quá trình chuẩn bị cho sự kiện công bố bảng xếp hạng FAST 500 năm 2013 - top 500 doanh nghiệp tăng trưởng nhanh nhất Việt Nam (lễ công bố dự kiến tổ chức ngày 4/4), Vietnam Report (Công ty cổ phần Báo cáo đánh giá Việt Nam) đã có sơ bộ kết quả điều tra như sau: Hơn 83,6% lãnh đạo doanh nghiệp lạc quan khi dự báo doanh thu của doanh nghiệp năm nay sẽ cao hơn năm 2013; 11,5% cho rằng tình hình kinh doanh sẽ không có nhiều thay đổi và chỉ chưa tới 5% dự đoán tình hình kinh doanh năm nay khó khăn hơn. Bức tranh chung về tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp Việt Nam năm 2014 đang được điểm tô bằng những gam màu tươi sáng hơn.
Sản xuất gỗ ép xuất khẩu của Công ty Sơn Tú (tỉnh Yên Bái). Ảnh: Trần Việt-TTXVN |
Nhiều doanh nghiệp cho biết họ sẽ mở rộng sản xuất kinh doanh do kinh tế có dấu hiệu phục hồi và doanh nghiệp sẵn có lao động có tay nghề. Bên cạnh đó, doanh nghiệp đang kỳ vọng rất lớn vào những chuyển biến tại thị trường lao động vì năm 2014 được nhận định là thời điểm dễ dàng nhất để doanh nghiệp tuyển dụng được nhân lực đáp ứng ngay yêu cầu của công việc mà không cần đào tạo. Việc mở cửa thị trường, chính sách ưu đãi thuế, các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp phát triển và khả năng huy động vốn được cải thiện cũng giúp cho cộng đồng doanh nghiệp có thêm niềm tin vào nền kinh tế sẽ khởi sắc.
Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ - Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết: Việt Nam có nền tảng diễn biến kinh tế vĩ mô năm 2013 khá thuận lợi: Lạm phát được kiểm soát ở mức 6,04%, là năm thứ hai liên tiếp lạm phát ở dưới mức 7%; tăng trưởng kinh tế đạt 5,42%, cao hơn mức tăng 5,25% của năm 2012. Kinh tế vĩ mô ổn định hơn với mặt bằng lãi suất tiếp tục giảm 2 - 5%/năm, tỷ giá tăng hơn 1% - đúng trong biên độ đặt ra từ đầu năm; dự trữ ngoại hối Nhà nước tiếp tục tăng, thị trường tiền tệ về cơ bản ổn định, nợ xấu từng bước được xử lý, thanh khoản và an toàn hoạt động của hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) được đảm bảo. “Trong năm nay, nếu điều kiện thị trường diễn biến thuận lợi, các mức lãi suất cho vay có thể được các TCTD giảm 1 - 2%/năm để hỗ trợ cho nền kinh tế. Tùy theo giá vốn đầu vào và khả năng tài chính của các ngân hàng, trần lãi suất huy động nhiều khả năng tiếp tục ổn định như hiện nay”, đại diện Vụ Chính sách tiền tệ cho biết.
Áp lực cạnh tranh còn rất lớn
Một số chuyên gia kinh tế cho rằng: Các đối tượng tham gia điều tra trên là các doanh nghiệp đang hoạt động nên không thể suy rộng cho toàn bộ khu vực doanh nghiệp, vốn bao gồm cả những doanh nghiệp đang tạm ngừng hoạt động, doanh nghiệp mới đăng ký nhưng chưa hoạt động. Vì thế, áp lực cạnh tranh vẫn còn rất lớn, có thể đẩy doanh nghiệp vào tình thế phải rời khỏi thị trường trong năm 2014 nếu như doanh nghiệp không có chiến lược và bước đi phù hợp.
Theo lãnh đạo Công ty cổ phần Quốc tế Sơn Hà, trong khó khăn, nhu cầu của khách hàng ngày càng khắt khe hơn, yêu cầu sản phẩm chất lượng hơn nhưng giá cả phải phù hợp. Để tồn tại và phát triển, doanh nghiệp phải đổi mới tư duy quản lý trong hội nhập, cải tiến công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm, tích cực ứng dụng những vật liệu mới. Nếu doanh nghiệp không có kế hoạch vươn ra thị trường thế giới sẽ không bao giờ phát triển tốt tại Việt Nam...
Chia sẻ về giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong năm nay, ông Phạm Ngọc Hưng, Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh cho biết: Năm 2014, thành phố vẫn luôn quan tâm, chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn. Tuy nhiên, bên cạnh các chính sách, giải pháp hỗ trợ của Nhà nước, bản thân các doanh nghiệp phải rà soát, cơ cấu lại các khoản đầu tư, kiểm soát dòng vốn, tập trung vào lĩnh vực kinh doanh chính, hạn chế đầu tư dàn trải, xác định rõ chiến lược, xây dựng các phương án kinh doanh khả thi, tạo niềm tin cho bạn hàng/công chúng.
Nhìn từ góc độ của các doanh nghiệp, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI cho rằng: “Năm 2014 vẫn là một năm khó khăn. Vì vậy, trụ vững vẫn là một yêu cầu rất là quan trọng đối với doanh nghiệp. Theo tôi, các doanh nghiệp cần phải chú trọng đến các biện pháp để đẩy mạnh tự tái cấu trúc, xác định lại vị thế của mình trên thị trường cũng như lĩnh vực kinh doanh cốt lõi để tập trung phát triển!”.
Minh Phương - H.Tuyết