Cụ thể, theo một cuộc khảo sát của Phòng Thương mại Mỹ ở Đức (AmCham), 71% số lãnh đạo các doanh nghiệp “ở cả hai bờ Đại Tây Dương” đang tỏ ý băn khoăn về việc liệu hai bên có đạt được một thỏa thuận cắt giảm thuế quan kéo dài hay không.
Hơn 40% số doanh nghiệp Đức đang hoạt động tại Mỹ cho rằng thị trường Mỹ đã trở nên kém quan trọng hơn đối với họ kể từ khi xung đột thương mại giữa Mỹ và châu Âu cùng với các nước khác leo thang. Trong khi đó, 20% số doanh nghiệp Mỹ đang hoạt động tại Đức cho rằng thị trường Đức đã kém quan trọng hơn đối với họ.
Cũng theo cuộc khảo sát trên, tình trạng xung đột thương mại cũng đang tác động tới các quyết định đầu tư của các lãnh đạo doanh nghiệp. Khoảng 18% số doanh nghiệp Đức và 6% số doanh nghiệp Mỹ thông báo đã ngừng các kế hoạch đầu tư của họ.
Trước đó, hồi tháng 7/2018, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã nhất trí với Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jean-Claude Juncker về việc hoãn áp thuế quan đối với ô tô nhập khẩu từ châu Âu trong khi hai bên đàm phán về việc cắt giảm thuế quan đối với các mặt hàng khác.
Thỏa thuận tạm thời này đã giảm bớt rủi ro của một cuộc xung đột thương mại xuyên Đại Tây Dương toàn diện, mang lại sự hỗ trợ cho các nhà sản xuất ô tô Đức và nâng cao niềm tin của giới doanh nghiệp ở nền kinh tế lớn nhất châu Âu này trong tháng 8/2018.
Theo Nhà Trắng, Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Mỹ Donald Trump, trong cuộc điện đàm ngày 27/8 (giờ địa phương), đã nhất trí về việc ủng hộ mạnh mẽ các cuộc thảo luận giữa Washington và Brussels nhằm dỡ bỏ các rào cản để tăng cường quan hệ thương mại giữa đôi bên.