Đến thời điểm này, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đã có kế hoạch điều chỉnh lương tối thiểu vùng theo Nghị định 182 của Chính phủ (có hiệu lực từ ngày 31/12/2013).
Công ty Cổ phần May Đồng Tiến (Đồng Nai) tạo việc làm ổn định cho 2.750 công nhân, thu nhập 5,5 triệu đồng/người/tháng. Trong ảnh: Dây chuyền sản xuất quần áo xuất khẩu của công ty. Ảnh: Vũ Sinh - TTXVN |
Dù điều kiện kinh tế còn khó khăn, nhưng đến thời điểm này, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đã có kế hoạch điều chỉnh lương tối thiểu vùng theo Nghị định 182 của Chính phủ. Sự chủ động của doanh nghiệp đã góp phần đảm bảo quyền lợi chính đáng cho công nhân, tạo niềm vui cho người lao động khi Tết đến, Xuân về, giúp họ yên tâm gắn bó với công việc.
Công ty Taekwang Vina (doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài, đóng tại Khu công nghiệp Biên Hòa 2, thành phố Biên Hòa), chuyên sản xuất giày thể thao, hiện có trên 24.000 lao động. Đại diện công ty cho biết, hiện mức lương cơ bản của người lao động tại công ty đã cao hơn mức lương tối thiểu Nhà nước quy định, cộng với các chế độ phúc lợi, thu nhập trung bình của lao động phổ thông toàn công ty đạt trên 4 triệu đồng/người/tháng, với lao động có tay nghề, cấp quản lý thì mức thu nhập cao hơn. Thực hiện việc điều chỉnh lương theo Nghị định 182, công ty đã có kế hoạch cụ thể, theo đó, mức tăng bình quân là 430.000 đồng/người, riêng những người làm việc lâu năm, mức tăng có thể trên 1 triệu đồng/người/tháng. Ông Đinh Sỹ Phúc, Chủ tịch Công đoàn Công ty Taekwang Vina cho biết: Từ 1/1/2014, công ty sẽ điều chỉnh tăng lương tối thiểu cho người lao động từ mức 2,3 triệu đồng lên 2,7 triệu đồng. Ngoài ra, công ty còn tăng phụ cấp từ 250.000 đồng lên 300.000 đồng để người lao động yên tâm làm việc.
Bên cạnh Taekwang Vina, nhiều doanh nghiệp có đông công nhân khác của Đồng Nai như: Công ty ChangShin Việt Nam, Công ty Fujitsu, Công ty Pouchen... đều đã lên kế hoạch để đảm bảo tăng lương cho người lao động từ ngày đầu tiên của năm 2014 như quy định của Nghị định 182. Theo lãnh đạo các doanh nghiệp này, hiện họ đều đã trả lương cao hơn mức lương tối thiểu vùng của Nhà nước, tuy nhiên doanh nghiệp vẫn sẽ tiếp tục tăng lương để đảm bảo quyền lợi cho người lao động.
Về quỹ lương tăng lên, doanh nghiệp đã tính toán, giảm bớt lợi nhuận để trả lương cho công nhân. Chị Nguyễn Thanh Loan, công nhân của Công ty ChangShin Việt Nam chia sẻ: "Tôi làm công nhân tại Công ty ChangShin Việt Nam (huyện Vĩnh Cửu) được hơn 5 năm, thu nhập bình quân gần 5 triệu đồng/tháng. Hiện công ty chúng tôi đã có thông báo về việc điều chỉnh lương tối thiểu vùng từ tháng 1/2014 và giữ nguyên các khoản phụ cấp. Tăng lương với công nhân là một niềm vui rất lớn, nhưng chúng tôi càng vui hơn nếu giá các mặt hàng thời gian tới không có nhiều biến động".
Có được sự kịp thời này của doanh nghiệp, vai trò của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Đồng Nai rất lớn. Để các doanh nghiệp nắm được quy định của Chính phủ về việc tăng lương, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Đồng Nai đã sớm có thông báo bằng văn bản gửi đến tất cả các doanh nghiệp trên địa bàn; phối hợp với các ngành liên quan tổ chức các lớp tập huấn phổ biến về đợt điều chỉnh tăng lương tối thiểu. Ông Lâm Duy Tín, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Đồng Nai cho biết: Dù sản xuất không thực sự thuận lợi, nhưng hầu hết các doanh nghiệp tại Đồng Nai đã sẵn sàng thực hiện điều chỉnh lương tối thiểu theo quy định, trong tháng 1/2014, doanh nghiệp sẽ báo cáo về sở việc điều chỉnh lương.
Cũng theo ông Lâm Duy Tín, những năm trước, ở Đồng Nai đã xảy ra tình trạng khi điều chỉnh tăng lương tối thiểu, doanh nghiệp cắt bớt các khoản trợ cấp; một số công ty viện dẫn lý do đang trả lương tối thiểu cho người lao động cao hơn quy định của Nhà nước nên tăng không tương xứng. Để ngăn chặn tình trạng này, Sở sẽ tăng cường công tác thanh, kiểm tra việc thực hiện chính sách điều chỉnh lương tối thiểu, không để doanh nghiệp cắt giảm phụ cấp, điều chỉnh lương sai quy định.
Theo khảo sát mới đây của Liên đoàn Lao động tỉnh Đồng Nai, thu nhập của công nhân tại các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trên địa bàn tỉnh đạt từ 3 triệu - 4 triệu đồng/người/tháng; doanh nghiệp Nhà nước từ 5 triệu - 6 triệu đồng/người/tháng. Với đợt tăng lương tới đây, lương bình quân của người lao động sẽ được tăng thêm 15%, tuy nhiên, mức điều chỉnh tăng cũng mới chỉ đáp ứng được 75% mức sống tối thiểu của công nhân. Song song với việc tăng lương, các cơ quan quản lý Nhà nước cần có những biện pháp kiểm soát giá các mặt hàng, ngăn chặn tình trạng tăng giá tùy tiện.
Mức thưởng Tết các doanh nghiệp Hà Nội giảm nhẹ Dù kinh tế khó khăn, nhưng theo Sở LĐTBXH Hà Nội, khảo sát 162 doanh nghiệp trên địa bàn cho thấy mức thưởng Tết năm nay của các doanh nghiệp chỉ giảm nhẹ, từ 1,2-3,5%. Khối doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (FDI) thậm chí vẫn giữ được mặt bằng thưởng tương đương năm ngoái. Theo đó, mức thưởng Tết Âm lịch cao nhất là doanh nghiệp FDI là 65 triệu đồng/cá nhân và mức bình quân là 3,72 triệu đồng/người. Khối các công ty TNHH một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu, mức thưởng cao nhất là 21 triệu đồng; khối các doanh nghiệp có cổ phần, vốn góp của Nhà nước cao nhất là 30 triệu đồng; khối doanh nghiệp tư nhân, công ty cổ phần không có vốn nhà nước mức thưởng cao nhất là 40 triệu đồng. Trong khi đó, Tết dương lịch, khối các công ty TNHH một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu mức thưởng cao nhất là 5,5 triệu đồng/người và khối FDI cao nhất chỉ 500.000 đồng/người. Mức thưởng thấp nhất dịp Tết dương lịch là 100.000 đồng/người. Trong năm 2013, doanh nghiệp có mức trả lương cao nhất là khối tư nhân, công ty cổ phần không có vốn nhà nước với 91,9 triệu đồng/người. Trong khi đó, mức thấp nhất của các doanh nghiệp là 2,35 triệu đồng. XM |
Công Phong