Sản xuất may mặc tại Công ty TNHH MLB Tenergy, huyện Yên Thành. Ảnh: Bích Huệ/TTXVN |
Nhiều ưu đãi đang bị bỏ quênÔng Nguyễn Ngọc Hòa, Phó Giám đốc Sở Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, Việt Nam đã và đang hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới với tốc độ khá nhanh và hiện đang là một trong những nước tham gia nhiều Hiệp định thương mại tự do nhất trên thế giới. Tính đến nay Việt Nam đã tham gia vào 12 FTA song phương và đa phương, trong đó có 10 FTA đã chính thức có hiệu lực.
Hầu hết các FTA mà Việt Nam đang tham gia đều thực hiện cắt giảm thuế, trong đó nhiều FTA đưa thuế suất mặt hàng dệt may về 0% ngay từ khi có hiệu lực. Đây được xem là điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu, nâng cao thị phần tại các thị trường chủ lực.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp xuất khẩu hàng dệt may Việt Nam vẫn đang tập trung vào một vài thị trường quen thuộc như Mỹ, Hàn Quốc… mà chưa tận dụng được hết tiềm năng xuất khẩu vào các quốc gia, khu vực khác đã có FTA với Việt Nam.
Theo ông Nguyễn Ngọc Hòa, việc tập trung vào một vài thị trường lớn mà bỏ qua các thị trường tiềm năng khác không chỉ khiến doanh nghiệp dệt may Việt Nam tự giới hạn khả năng xuất khẩu của mình mà còn tăng nguy cơ rủi ro khi các thị trường lớn thay đổi chính sách hoặc gặp sự cố bất ngờ.
Số liệu của Bộ Công Thương cho thấy, tỷ lệ tận dụng giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) của ngành dệt may trong năm 2016 chỉ chiếm hơn 57% tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành. Đồng nghĩa với việc gần 43% hàng dệt may xuất khẩu của Việt Nam vẫn bị áp thuế thông thường kể cả xuất khẩu đến các quốc gia mà Việt Nam đã có FTA.
Xét về thị trường, Hàn Quốc là địa điểm mà doanh nghiệp Việt Nam tận dụng được nhiều ưu đãi từ FTA nhất, khoảng 60 – 70% kim ngạch xuất khẩu. Trong khi đó, tỷ lệ tận dụng ưu đãi FTA hàng dệt may đối với các thị trường thuộc khu vực ASEAN chỉ đạt khoảng 30%.
Bà Trịnh Thị Thu Hiền, Trưởng phòng Xuất xứ hàng hóa, Cục Xuất nhập khẩu - Bộ Công Thương cho biết, mặc dù tỷ lệ tận dụng ưu đãi FTA của hàng dệt may Việt Nam vào Hàn Quốc khá cao nhưng phần lớn là sản phẩm của các doanh nghiệp FDI của Hàn Quốc tại Việt Nam, còn tỷ lệ tận dụng FTA của các doanh nghiệp thuần Việt là rất thấp.
Theo bà Trịnh Thị Thu Hiền, nguyên nhân khiến doanh nghiệp xuất khẩu dệt may Việt Nam chưa tận dụng được hết ưu đãi từ các FTA mà Việt Nam tham gia là do chưa hiểu hết các lợi thế ưu đãi mà các FTA mang lại. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp chưa biết cách thực hiện thủ tục chứng nhận xuất xứ hàng hóa để được hưởng ưu đãi; trong đó, vấn đề thường gặp khi xin C/O hưởng ưu đãi của doanh nghiệp Việt Nam là không đảm bảo các yêu cầu về nguồn gốc xuất xứ hàng hóa.
Điển hình là rất nhiều doanh nghiệp Việt Nam chỉ gia công sản phẩm thì không thể đáp ứng các yêu cầu về tỷ lệ nội địa cao như quy tắc “từ sợi trở đi”, “từ vải trở đi” của các FTA. Ngoài ra, một số doanh nghiệp chưa có kinh nghiệm trong việc xử lý các tình huống yêu cầu xác minh lại nguồn gốc xuất xứ hàng hóa nên dễ dàng từ bỏ các ưu đãi thuế quan.
Giải pháp cho doanh nghiệp Việt Nam
Muốn nâng cao thị phần hàng dệt may Việt Nam trên thị trường thế giới, đồng thời đem lại nhiều lợi nhuận hơn các doanh nghiệp Việt Nam cần biết cách để tận dụng hiệu quả ưu đãi thuế quan mà các FTA mang lại.
Ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội Dệt may thêu đan Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, mặc dù Việt Nam có lợi thế đã tham gia nhiều FTA nhưng mỗi FTA lại có quy định khác nhau về xác định nguồn gốc hàng hóa nên không phải doanh nghiệp nào cũng có thể đáp ứng được yêu cầu đó của tất cả các FTA.Do đó, doanh nghiệp phải chủ động tìm hiểu mức ưu đãi của từng FTA mang lại, đồng thời đối chiếu với khả năng đáp ứng điều kiện về nguồn gốc xuất xứ hàng hóa của doanh nghiệp mình để lựa chọn thị trường xuất khẩu phù hợp.
Thêm vào đó, doanh nghiệp dệt may Việt Nam phải nhanh chóng nâng cao năng suất lao động, chất lượng sản phẩm và khả năng cung ứng nguyên vật liệu mới có thể đáp ứng được các yêu cầu mà thị trường thế giới đặt ra và có thể cạnh tranh với các quốc gia khác trong khu vực.
Ở góc độ doanh nghiệp, ông Lâm Văn Hà, đại diện Công ty May thêu Thuận Phương chia sẻ, việc tận dụng ưu đãi từ FTA mà Việt Nam tham gia phụ thuộc nhiều vào quá trình xin cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa. Do đó, để tận dụng được lợi thế và áp dụng hiệu quả các FTA vào việc xuất khẩu, các doanh nghiệp cần được tập huấn các kiến thức liên quan đến yêu cầu xuất xứ hàng hóa cũng như thủ tục xin giấy chứng nhận xuất xứ tránh trường hợp doanh nghiệp phải chịu thuế chỉ vi sai sót kỹ thuật không đáng có.
Bà Trịnh Thị Thu Hiền cho rằng, bên cạnh các FTA đa phương, Việt Nam đã có nhiều FTA song phương với các thị trường xuất khẩu dệt may lớn như Hàn Quốc, Nhật Bản... sắp tới là EU với nhiều điều khoản ưu đãi cao hơn và yêu cầu xuất xứ hàng hóa cũng “dễ thở” hơn.
Do đó, doanh nghiệp phải tích cực tìm hiểu thông tin, kịp thời cập nhật các ưu đãi mà sản phẩm dệt may Việt Nam được hưởng để áp dụng đạt hiệu quả nhất. Ví dụ việc xuất khẩu hàng hóa từ Việt Nam sang Hàn Quốc có thể áp dụng Hiệp định thương mại tự do ASEAN – Hàn Quốc (AKFTA) hoặc Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Hàn Quốc (VKFTA). Vì vậy doanh nghiệp nên xem xét ưu đãi và yêu cầu đi kèm nào phù hợp và có lợi hơn cho doanh nghiệp để áp dụng.
Ngoài ra, theo bà Trịnh Thị Thu Hiền, quá trình toàn cầu hóa thương mại dẫn dến ngày càng có nhiều quốc gia tham gia các FTA và doanh nghiệp cần thay đổi chiến lược trong việc nhập khẩu nguyên phụ liệu để có thể tận dụng “quy tắc xuất xứ cộng gộp” khi hưởng ưu đãi. Đơn cử, doanh nghiệp Việt Nam có thể nhập khẩu nguyên phụ liệu từ Hàn Quốc, gia công tại Việt Nam để xuất khẩu sang thị trường EU mà vẫn đáp ứng các yêu cầu về xuất xứ hàng hóa vì cả Việt Nam và Hàn Quốc đều có FTA với EU.
Có thể nói, các FTA mà Việt Nam tham gia đã mở ra “con đường lớn” giúp dệt may có nhiều cơ hội xuất khẩu hơn. Nhưng để biến những lợi thế đó thành cơ hội giảm giá thành sản phẩm và nâng cao lợi nhuận, các doanh nghiệp Việt Nam phải thật sự chủ động tìm hiểu thông tin mới có thể áp dụng đúng và đạt hiệu quả nhất.