Điều này phản ánh những khó khăn, thách thức trong tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp như: sức mua thấp, áp lực cạnh tranh tăng; tín dụng, tiếp cận vốn còn khó khăn; thị trường bất động sản tồn tại nhiều vướng mắc…
Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho rằng, các doanh nghiệp đã có xu hướng thận trọng trong đầu tư sản xuất, kinh doanh. Việc này phản ánh qua tổng số vốn đăng ký bổ sung trong 5 tháng đầu năm 2024 giảm 9% so với cùng kỳ năm 2023; trong đó, vốn đăng ký tăng thêm giảm 19,2%; quy mô vốn đăng ký bình quân/doanh nghiệp mới chỉ tương đương cùng kỳ năm trước và thấp hơn mức trung bình giai đoạn 2019-2022 (12,2 tỷ đồng/doanh nghiệp).
Trong bối cảnh hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp còn nhiều khó khăn, Thứ trưởng Trần Quốc Phương đề xuất các bộ, ngành cần nâng cao tính chủ động; đồng hành cùng doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ. Đồng thời, coi khó khăn của doanh nghiệp cũng là khó khăn của mình để tập trung tháo gỡ.
Bên cạnh đó, các ngành chức năng tăng cường kích cầu tiêu dùng trong nước; đổi mới công tác tổ chức và triển khai thực chất, hiệu quả Cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam; chủ động có các giải pháp phòng vệ thương mại phù hợp, tăng cường phòng, chống gian lận xuất xứ, buôn lậu qua khu vực cửa khẩu biên giới.
Bên cạnh những giải pháp trên, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất các bộ, ngành, địa phương tích cực chuẩn bị và thực hiện khi bắt đầu vào mùa cao điểm du lịch hè 2024. Theo đó, đẩy mạnh thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế; theo dõi chặt chẽ tình hình biến động giá vé máy bay để có giải pháp điều chỉnh phù hợp, góp phần thúc đẩy du lịch trong nước; đồng thời, tạo thuận lợi, hỗ trợ doanh nghiệp trong thông quan hàng hóa, hoàn thuế VAT và đáp ứng các tiêu chuẩn mới của thị trường xuất khẩu…
“Chúng ta cần tăng dòng tiền hỗ trợ đầu vào cho doanh nghiệp và giải pháp đầu ra liên quan đến thị trường xuất khẩu để khai thác tối đa hiệu quả các FTA đã ký kết, thúc đẩy ký kết các FTA mới; đồng thời, giúp doanh nghiệp có thêm đơn hàng mới để thúc đẩy sản xuất kinh doanh trong tháng 6 tháng và 6 tháng cuối năm”, Thứ trưởng Trần Quốc Phương nhấn mạnh.
Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho hay, trong tháng 5/2024, tình hình đăng ký doanh nghiệp cho thấy, những chuyển biến tích cực hơn so với cùng kỳ năm 2023. Cụ thể, tổng số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và tái gia nhập thị trường đạt gần 20 nghìn doanh nghiệp, gấp 1,7 lần số rút lui khỏi thị trường, tăng 10,6% so với cùng kỳ; trong đó, số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới là hơn 13,2 nghìn doanh nghiệp, tăng 9,2% và doanh nghiệp tái gia nhập thị trường là hơn 6,7 nghìn doanh nghiệp, tăng 13,4%.
Tính chung 5 tháng đầu năm 2024, cả nước có 98,8 nghìn doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường, tăng 4,1% so với cùng kỳ và cao hơn số rút lui khỏi thị trường; trong đó, có 10/17 ngành có số doanh nghiệp thành lập mới tăng với cùng kỳ, bao gồm những ngành trọng điểm như: công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 6,2%; bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, xe máy tăng 11,2%; sản xuất phân phối điện, nước, gas tăng 9,4%; nghệ thuật, vui chơi và giải trí tăng 7,9%…
Trước đó, khi trao đổi về những chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp phát triển, đại biểu Quốc hội khóa XV Hoàng Văn Cường cho rằng, những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp cần loại bỏ thủ tục rườm rà, chồng chéo.
Bởi, doanh nghiệp Việt Nam hiện nay chủ yếu là các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Thị trường cho nhóm này chủ yếu tập trung vào thị trường trong nước. Do vậy, hiện nay thị trường thế giới bắt đầu hồi phục, xuất khẩu tăng nhưng thị trường trong nước và tiêu dùng nội địa lại vẫn giảm. Chỉ số bán lẻ hàng hóa ở mức thấp nhất trong nhiều năm nay. Chính việc thị trường thu hẹp đã làm cho doanh nghiệp khó khăn, thậm chí mất thị trường.
Thêm vào đó, doanh nghiệp phải trải qua một thời gian dài chịu tác động của đại dịch COVID-19. Vì vậy, khi thị trường bị thu hẹp lại thì khả năng phục hồi của doanh nghiệp càng khó khăn hơn. Điều này, khiến nhiều doanh nghiệp phải rút khỏi thị trường.
Để hỗ trợ cho doanh nghiệp trong bối cảnh này, theo đại biểu Hoàng Văn Cường, các chính sách đã áp dụng trước đây như: chính sách tài khóa mở rộng sẽ hiệu quả. Cụ thể là thông qua biện pháp như giãn - hoãn các khoản nghĩa vụ đóng góp và tiếp tục cần giảm một số loại thuế (thuế VAT, thuế môi trường…). Các trợ lực chính sách này một mặt làm giảm gánh nặng trực tiếp phải đóng góp, chi trả của doanh nghiệp và đồng thời cũng chính là giải pháp để tăng, kích cầu, giúp cho thị trường tiêu dùng nội địa tăng lên.
Bên cạnh đó, chương trình về đầu tư công, hỗ trợ của Chính phủ cũng cần phải đẩy mạnh hơn để tạo thêm “cầu” của doanh nghiệp lớn. Từ đó, tạo sức lan tỏa cho các khu vực, doanh nghiệp khác có thêm việc làm và thị trường.
Tuy nhiên vẫn còn một số vướng mắc cần tháo gỡ. Điển hình là các chính sách hỗ trợ mặc dù đã có nhưng thủ tục vẫn rườm rà, chồng chéo. Do đó, bên cạnh chính sách hỗ trợ tài chính, những thủ tục về mặt hành chính cần tiếp tục cải tiến, nhất là đang trong xu thế cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm các khâu trung gian, chi phí không chính thức của doanh nghiệp.
“Thêm một khó khăn doanh nghiệp đang đối diện lại không phải tác động trực tiếp từ phía cơ quan quản lý doanh nghiệp mà từ khâu quản lý công. Những cơ quan thực thi công vụ đang trong tình trạng e ngại không mạnh dạn để thực thi, giải quyết những yêu cầu phát sinh của doanh nghiệp. Chính điều đó cũng là một trong những rào cản không đáp ứng kịp thời các yêu cầu của doanh nghiệp”, đại biểu Hoàng Văn Cường cho hay.
Do vậy, bên cạnh hỗ trợ trực tiếp về mặt tài chính, cải cách thể chế, hành chính là cấp bách; đặc biệt là giải quyết những nút thắt để cơ quan thực thi công vụ phải dám nghĩ, dám làm, năng động và không sợ sai. Có thể thông qua một cơ chế đặc thù để giúp cán bộ có thể vận dụng một cách năng động, sáng tạo vào việc giải quyết những nhu cầu thực tế của doanh nghiệp.