Về phía UBND thành phố Cần Thơ, Phó Chủ tịch Nguyễn Văn Hồng cho biết, thành phố ủng hộ đề xuất này và sẽ giao cho Sở Công Thương, Ban quản lý các khu chế xuất và công nghiệp, đặc biệt là Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh rà soát danh sách và sắp xếp theo thứ tự ưu tiên để sớm tiêm vaccine cho nhân sự đang làm việc tại các nhà máy, doanh nghiệp, từ đó phục vụ sản xuất tốt, đạt kế hoạch của năm 2022.
“Hiện nay, UBND thành phố Cần Thơ đã có phương án phục hồi sản xuất và giao cho Sở Công Thương cùng các sở ngành, UBND các quận, huyện tạo mọi điều kiện cho doanh nghiệp phục hồi, phát triển sản xuất trong năm 2022 và các năm tiếp theo”, ông Nguyễn Văn Hồng cho biết thêm.
Ông Ngô Văn Chơn, Giám đốc điều hành Công ty cổ phần May Tây Đô cho biết, toàn bộ người lao động của May Tây Đô đã được tiêm đủ 2 mũi vaccine ngừa COVID-19. Tuy nhiên, nếu sắp tới dịch COVID-19 có diễn biến phức tạp do biến chủng mới của virus SARS-CoV-2 thì đề nghị thành phố xem xét, chỉ đạo các đơn vị liên quan sớm tổ chức tiêm mũi 3 cho công nhân để các doanh nghiệp được tiếp tục hoạt động sản xuất trong điều kiện an toàn, phù hợp với tình hình dịch bệnh chứ không dừng hẳn như trước đây.
Đồng quan điểm này, ông Nguyễn Hiếu Nhân, Phó giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Thuốc thú y Á Châu tại quận Cái Răng cho biết, từ khi đơn vị đạt tỉ lệ người lao động được tiêm đủ 2 mũi vaccine thì bắt đầu chuyển sang phương án “2 vùng xanh”, tâm lý của nhân viên thoải mái hơn, năng suất làm việc tăng hơn so với thời điểm áp dụng “3 tại chỗ”.
“Chúng tôi chỉ mong muốn công nhân được tiêm vaccine đầy đủ để an toàn trước biến chủng mới, bản thân công nhân yên tâm làm việc và doanh nghiệp đảm bảo duy trì sản xuất”, Phó giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Thuốc thú y Á Châu nói.
Cũng với mong muốn sớm tiêm vaccine mũi 3 cho công nhân, Tổng giám đốc Dược Hậu Giang Đoàn Đình Duy Khương chia sẻ, từ khi người lao động được tiêm đủ 2 mũi vaccine thì tình hình hoạt động của doanh nghiệp mới có nhiều khởi sắc. Trước đó, doanh nghiệp đã xây dựng nhiều phương án phòng chống dịch, kết hợp với với Sở Y tế, Sở Công Thương và CDC Cần Thơ để thực hiện sản xuất “3 tại chỗ” để có thể tiếp tục hoạt động, đảm bảo cung ứng thuốc điều trị bệnh cho người dân, song nhược điểm của phương án này là điều kiện ăn ở cho công nhân rất khó khăn. Kết quả sản lượng sản xuất chỉ đạt 30 - 50%.
Trong cuộc làm việc với lãnh đạo UBND thành phố Cần Thơ, theo báo cáo của các doanh nghiệp, có đơn vị đã khôi phục hoạt động toàn bộ, có đơn vị hoạt động 60 - 70% nhưng đa số đã đạt 100% kế hoạch sản xuất. Tất cả các doanh nghiệp cam kết sẽ chi lương tháng 13 cho công nhân, người lao động. Đáng chú ý, trong năm tới, các doanh nghiệp đều đề ra mục tiêu tăng trưởng từ 7 - 10%.
Theo Sở Công Thương thành phố Cần Thơ, tính đến 15 giờ ngày 26/12, 1.000/1.195 doanh nghiệp của thành phố đã hoạt động trở lại, 195 doanh nghiệp chưa xây dựng kế hoạch tái hoạt động sản xuất. Tổng số lao động trong các doanh nghiệp hiện có là 79.017 người; trong đó, số lao động đã quay lại làm việc là 52.842 người, số lao động đang tạm nghỉ là 26.175.