Đây là nhận định của các chuyên gia tại Hội thảo “CPTPP: Cơ hội từ một hiệp định thế hệ mới – chất lượng cao” do Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao tổ chức tại TP Hồ Chí Minh, sáng 26/3.
Bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập, Phòng thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phân tích, CPTPP mở ra cơ hội tiếp cận các thị trường mới mà Việt Nam chưa có hiệp định thương mại song phương là Canada, Mexico và Peru; đồng thời, cũng có thêm những khách hàng mới ở những thị trường truyền thống trong lĩnh vực mua sắm công.
“Việc cạnh tranh giữa các doanh nghiệp với nhau trên quy mô toàn cầu là điều không thể tránh khỏi, kể cả có CPTPP hay không nhưng áp lực cạnh tranh này tác động đến tất cả các doanh nghiệp chứ không chỉ riêng Việt Nam. Nhìn một cách tổng thể thì việc cạnh tranh giữa các doanh nghiệp nước ngoài còn giúp các doanh nghiệp sản xuất Việt Nam được hưởng lợi nhờ đa dạng hóa nguồn cung nguyên phụ liệu, công nghệ phục vụ sản xuất cũng như giảm giá nguyên liệu", bà Trang cho biết.
Theo đó, các ngành hàng được dự đoán có cơ hội tăng cao về sản lượng sản xuất cũng như xuất khẩu là thực phẩm, đồ uống, dệt may, da giày, nhựa, phương tiện vận tải… Ngoài ra, CPTPP còn thúc đẩy phát triển thương mại điện tử và tăng cơ hội tham gia vào dịch vụ phân phối cho các doanh nghiệp Việt Nam.
Theo bà Nguyễn Thị Thu Trang, ở góc độ vĩ mô, CPTPP mang lại nhiều cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam hơn là thách thức. Mấu chốt nằm ở chỗ cơ cấu sản phẩm hàng hóa của Việt Nam và các thành viên mang tính bổ sung cho nhau mà không cạnh tranh trực tiếp. Thêm vào đó, phân khúc thị trường xuất khẩu của Việt Nam và các quốc gia khác cũng khác nhau và doanh nghiệp Việt Nam có khả năng thích ứng, tận dụng các thị trường, phân khúc khá tốt.
Quan trọng hơn, việc thực thi CPTPP cũng đồng nghĩa với việc Chính phủ cam kết hoàn thiện thể chế, cải cách môi trường kinh doanh, tạo cơ chế thuận lợi thương mại, từ đó tạo cơ hội cho doanh nghiệp phát triển.
Thế nhưng thách thức của doanh nghiệp Việt Nam trong CPTPP chính là khả năng tận dụng cơ hội, cụ thể là khả năng đáp ứng quy tắc xuất xứ để được hưởng ưu đãi và vượt qua các hàng rào phi thuế quan, các biện pháp phòng vệ thương mại của thị trường.
Luật sư Vũ Xuân Hưng, Phó trưởng phòng Pháp chế Trọng tài Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chi nhánh tại TP Hồ Chí Minh cho biết, việc tận dụng ưu đãi từ các hiệp định thương mại tự do nói chung của doanh nghiệp Việt Nam hiện nay còn khá hạn chế, trung bình chỉ ở mức 30 -50%; trong đó, các doanh nghiệp có vốn dầu tư nước ngoài chiếm ưu thế hơn hẳn.
Theo Luật sư Vũ Xuân Hưng, mức cam kết cắt giảm thuế quan trong CPTPP hiện nay là rất cao, hầu như xóa bỏ hàng rào về thuế. Tuy nhiên, các doanh nghiệp lại vấp phải hàng rào phi thuế quan nhiều khi còn lớn hơn và khó đáp ứng hơn hàng rào thuế. Đơn cử là nhiều quốc gia đã đưa ra các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật hoặc quy trình đánh giá sự phù hợp của hàng hóa nhập khẩu nhằm hạn chế nhập khẩu một mặt hàng nào đó. Ngoài ra còn có các biện pháp về an toàn thực phẩm, kiểm dịch động thực vật...
“Nếu không đáp ứng được các tiêu chuẩn này thì doanh nghiệp không thể xuất khẩu hàng hóa chứ chưa nói đến việc nhận được ưu đãi thuế như cam kết trong hiệp định.”, ông Hiếu nhấn mạnh.
Tuy nhiên, nếu doanh nghiệp chủ động nâng cao chất lượng, tiêu chuẩn sản phẩm đáp ứng được các yêu cầu của thị trường CPTPP thì cơ hội tiếp cận, mở rộng thị trường sang các khu vực khác là rất cao.
Các chuyên gia khuyến nghị, về lâu dài, rất có thể nhiều quốc gia có cơ cấu sản xuất, xuất khẩu tương tự Việt Nam sẽ tham gia thị trường CPTPP, khi đó, lợi thế so sánh của Việt Nam không còn và áp lực cạnh tranh sẽ cao hơn hiện nay rất nhiều. Vì vậy, doanh nghiệp Việt Nam cần nắm rõ các điều khoản, quy định trong CPTPP và có chiến lược sản xuất sản phẩm phù hợp, vượt qua các hàng rào phi thuế quan để tận dụng cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu ngay từ bây giờ.