Doanh nghiệp cần các chính sách hỗ trợ phù hợp

Tại Việt Nam, số doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm tới 97% tổng số doanh nghiệp, sử dụng tới hơn 50% lực lượng lao động và đóng góp hơn 40% GDP. Nhưng hiện nay khối này vẫn đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, trở ngại trong tiếp cận các nguồn lực kinh doanh như: tín dụng, mặt bằng sản xuất, thị trường…

Ông Đặng Huy Đông, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, hỗ trợ khối doanh nghiệp này phát triển mạnh mẽ không những sẽ giải quyết được những vấn đề kinh tế, mà còn giải quyết tốt những vấn đề xã hội.

Theo báo cáo của Cục Phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến tháng 10/2016, Việt Nam có 590.000 doanh nghiệp đang hoạt động và đang thực hiện các nghĩa vụ thuế (trong tổng số 959.000 doanh nghiệp đã đăng ký kinh doanh). Nếu nhìn vào khoảng thời gian dài hơn từ năm 2005 cho tới nay, khoảng cách giữa các doanh nghiệp đăng ký và doanh nghiệp thực sự đi vào hoạt động trong năm ngày một lớn. 

Doanh nghiệp nhỏ và vừa cần thêm nhiều chính sách hỗ trợ. Ảnh: An Hiếu/TTXVN

Tuy nhiên, khi tính trung bình trong giai đoạn 2005-2013, tỷ lệ giữa các doanh nghiệp đăng ký và doanh nghiệp thực sự đi vào hoạt động và vẫn duy trì được hoạt động chỉ đạt 45%. “Điều này cho thấy sự cần thiết phải có các hoạt động nhằm hỗ trợ doanh nghiệp đã đăng ký đi vào hoạt động duy trì được các hoạt động một cách bền vững và có các đóng góp thực sự cho nền kinh tế -xã hội”, ông Lê Văn Khương, Trưởng phòng Phòng Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, Cục Phát triển doanh nghiệp nhấn mạnh. 

Ở nhiều quốc gia, doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm từ 97-99% trong tổng số doanh nghiệp và được xác định là động lực tăng trưởng, là “xương sống” của nền kinh tế. Các nước đã phát triển như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore… và các nước đang phát triển trong khu vực như Malaysia, Thái Lan, Trung Quốc, Ấn Độ… đều coi trọng vai trò của khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa. Trong khi đó, ở Việt Nam , doanh ngiệp nhỏ và vừa vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn. 

Ông Phí Văn Hoan, Giám đốc Công ty TNHH Ngân Giang cho biết, nguồn lực của doanh nghiệp là có hạn, để hội nhập thành công, doanh nghiệp cần dành nguồn lực cho sáng tạo, cho phát triển thị trường. Các cơ quan quản lý nhà nước phải thực sự là cơ quan hỗ trợ, ủng hộ doanh nghiệp, thì doanh nghiệp mới có cơ hội để phát triển. 

Nhấn mạnh tới vị trí của doanh nghiệp nhỏ và vừa trong nền kinh tế, ông Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch, kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa, cho biết, trong những giai đoạn khó khăn nhất của nền kinh tế, khu vực này luôn được nhắc tới là nơi vững vàng chống đỡ, nhưng đến giờ lại đang vất vả với việc tiếp cận các cơ hội kinh doanh mới. Doanh nghiệp nhỏ và vừa yếu về năng lực, thiếu về nguồn lực, nhưng lại là nơi đang tạo việc làm cho gần 60% lao động; trong đó có tới 80% lao động chưa qua đào tạo; đóng góp tới 40% GDP…  “Nếu thúc đẩy khu vực này nâng cao năng lực cạnh tranh, tôi tin là dư địa để nền kinh tế tăng trưởng bền vững sẽ nằm ở đây”, ông Nam chia sẻ. 

Đề cập đến những khó khăn của khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) đã chỉ ra rằng, khu vực này còn gặp nhiều khó khăn trong hoạt động đầu tư liên quan đến tiếp cận đất đai, mặt bằng sản xuất, kinh doanh, tín dụng (do không có tài sản đảm bảo hoặc tài sản giá trị thấp). Thêm nữa, hành lang pháp lý hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa tuy đã có nhiều cải thiện với nhiều chính sách được ban hành nhưng nội dung còn chung chung, mang tính khẩu hiệu và do vậy mức độ thực thi thấp. 

Dự thảo Luật Hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa đã được đưa ra tại Kỳ họp thứ II, Quốc hội khóa XIV. Đây là dự thảo luật đang được cộng đồng doanh nghiệp nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa kỳ vọng sẽ giúp khối doanh nghiệp này của Việt Nam lớn lên, nâng cao sức cạnh tranh để vươn xa. 

Dự thảo Luật được xây dựng nhằm thiết lập đồng bộ các chính sách, chương trình hỗ trợ chọn lọc, phù hợp với mục tiêu và định hướng phát triển kinh tế của đất nước, lợi thế cạnh tranh của từng địa phương, của quốc gia và nguồn lực có thể bố trí trong từng thời kỳ. Qua đó, nâng cao sức cạnh tranh và chất lượng hoạt động của khối doanh nghiệp này; đồng thời, tạo khung pháp lý để huy động khu vực kinh tế tư nhân và các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước tham gia cùng Chính phủ thực hiện hỗ trợ. 

Ông Lê Văn Khương, Cục Phát triển doanh nghiệp, đại diện cơ quan soạn thảo Dự án Luật Hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa cho biết, hiện quy mô vốn đăng ký bình quân của một doanh nghiệp là 7,5 tỷ đồng/doanh nghiệp, đến năm 2020 sẽ có ít nhất 3.075 nghìn tỷ đồng được đưa vào đầu tư sản xuất kinh doanh. Nguồn nội lực quan trọng này nếu được giải phóng, sẽ góp phần trực tiếp cho việc nâng cao năng lực sản xuất, khả năng cung ứng dịch vụ, đóng góp trực tiếp vào việc tạo ra sản phẩm và GDP. 

Đánh giá cao những nội dung quan trọng của Dự thảo Luật, ông Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Đầu tư nước ngoài nhìn nhận, sau Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư mới được ban hành, xây dựng Luật Hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa là một ý tưởng rất phù hợp với giai đoạn phát triển kinh tế hiện nay. Luật được thông qua sẽ giúp các doanh nghiệp Việt Nam đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng. 

Thứ trưởng Đặng Huy Đông cho rằng, Việt Nam có những đặc điểm kinh tế riêng, là quốc gia có thu nhập trung bình thấp nên nguồn lực cho hoạt động hỗ trợ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa không nhiều và đa dạng như tại các quốc gia đang phát triển khác. Luật Hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa hướng đến mục tiêu hỗ trợ sử dụng nguồn lực nhà nước thông qua việc tạo cơ chế, chính sách, điều kiện thuận lợi để các tổ chức trung gian cung cấp dịch vụ hỗ trợ; đồng thời, khuyến khích sự tham gia của các tổ chức, cá nhân ngoài nhà nước trong hỗ trợ, giúp khối doanh nghiệp này tăng trưởng về chất lượng và quy mô. 

Thứ trưởng Đặng Huy Đông cũng nhấn mạnh: “Luật Hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa sẽ không hỗ trợ tài chính trực tiếp hoặc bao cấp cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, mà sẽ thực hiện hỗ trợ chủ yếu thông qua việc tạo cơ chế chính sách và điều kiện thuận lợi để các tổ chức trung gian cung cấp dịch vụ cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa”. 

“Với cách tiếp cận hỗ trợ toàn diện như Dự án Luật đề xuất cùng với các chính sách, chương trình hỗ trợ chọn lọc, phù hợp với mục tiêu và định hướng phát triển kinh tế của đất nước, lợi thế của từng địa phương thì các doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam sẽ nâng cao sức cạnh tranh và hội nhập thành công”, Thứ trưởng Đông tin tưởng.

Thúy Hiền (TTXVN)
TP Hồ Chí Minh tập trung hỗ trợ doanh nghiệp phát triển
TP Hồ Chí Minh tập trung hỗ trợ doanh nghiệp phát triển

TP Hồ Chí Minh tiếp tục triển khai các giải pháp hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, cải thiện môi trường kinh doanh. Trong đó, tập trung hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất, chất lượng, hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp...

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN