Doanh nghiệp 'bó tay' với hàng giả, hàng nhái

Tại diễn đàn “Sở hữu trí tuệ trong môi trường thương mại toàn cầu” được tổ chức ngày 28/ tại TP. Hồ Chí Minh, nhiều doanh nghiệp cho rằng hành vi vi phạm quyền sở hữu trí tuệ ngày càng tinh vi. Trong khi đó, việc ngăn chặn và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ lại nhiều gian nan và vất vả, không đem lại hiệu quả. Theo đó, tình trạng buôn bán hàng giả, hàng nhái ngày càng tràn lan trên thị trường.


Khó kiểm soát hàng giả, hàng nhái


Mặc dù đã đăng ký sở hữu trí tuệ nhãn hiệu, nhưng sản phẩm may mặc Viettien (Việt Tiến) vẫn bị làm giả, làm nhái và bày bán tràn lan trên thị trường. Theo đại diện nhãn hiệu Viettien, tuy đã phối hợp với các cơ quan chức năng tiến hành kiểm tra các điểm bán hàng giả, hàng nhái của thương hiệu mình nhiều lần, nhưng đâu lại vào đó.


Đồng tình quan điểm, ông Ngô Đức Hoà – CT HĐQT Tập đoàn May Thắng Lợi cũng bức xúc: “Số lượng hàng Thắng Lợi tung ra thị trường không nhiều so với Viettien, thế nhưng nhãn hiệu Thắng Lợi cũng bị làm giả, làm nhái bày bán không ít. Tính đến nay, có khoảng 10 cửa hàng bán nhái nhãn hiệu của Thắng Lợi, chưa kể các sạp bán ở các chợ…”


Để mua hàng thật, người tiêu dùng nên đến các cửa hàng, đại lý chính thức của doanh nghiệp


Cũng theo ông Hoà, dù đã đăng ký sở hữu trí tuệ nhãn hiệu hơn 10 năm nay, nhưng để bảo vệ thương hiệu không phải chuyện dễ dàng. “Tôi đã tham khảo cách làm của bên Viettien, nhưng hiệu quả chẳng đi đến đâu, chưa kể lại tốn kém. Vì thế, doanh nghiệp đành phải chấp nhận thiệt thòi” – ông Hoà nói.


Bà Ngô Thị Báu – Phó TGĐ Cty TNHH SX-MM Nguyên Tâm- Foci cho hay: Thực tế, bên Cục Quản lý thị trường cũng thường xuyên kiểm tra định kỳ về chất lượng, hàng nhái, hàng giả rất nghiêm ngặt. Thế nhưng, việc phát hiện những mặt hàng xâm phạm sở hữu trí tuệ lại rất ít. Vì thế, doanh nghiệp rất mệt mỏi khi phải đối phó với những những hàng giả, hàng nhái trên thị trường. Điều đáng nói, không chỉ mất thời gian, tiền bạc của doanh nghiệp mà còn gây mất niềm tin cho người tiêu dùng.


Không dễ bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ


Theo chia sẻ của bà Hoàng Tố Như – Phó Trưởng phòng Sở hữu trí tuệ, Sở Khoa học và Công Nghệ TP. Hồ Chí Minh: Hiện nay, ngoài hàng giả, hàng nhái những mặt hàng tiêu dùng trong nước bán với giá rẻ, còn có những mặt hàng nhái giả mạo các thương hiệu nổi tiếng của nước ngoài. Đa phần, những mặt hàng này được nhập lậu. Tuy nhiên, giá bán cũng không rẻ, từ vài triệu đến vài chục triệu và được bày bán tràn lan tại các trung tâm thương mại. Mặc dù các cơ quan thực thi vào cuộc, nhưng vẫn khó có thể kiểm soát và ngăn chặn hết.


Bà Ngô Thị Báu cho rằng, điều này rất bất công với doanh nghiệp đã có thương hiệu đứng vững trên thị trường bao nhiêu năm. Vì khi các đơn vị quản lý thị trường khi đi kiểm tra định kỳ, đều yêu cầu các cửa hàng, doanh nghiệp phải xuất hoá đơn hàng khi nhập hàng về. Như vậy đồng nghĩa, nếu cửa hàng, doanh nghiệp nào không thể xuất được hoá đơn chứng từ thì hàng đó có khả năng là hàng lậu, hàng giả, hàng nhái.


Ông Nguyễn Văn Bảy – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Đào Tạo, Cục Sở hữu trí tuệ thừa nhận: Tuy hệ thống pháp luật về bảo về quyền sở hữu trí tuệ Việt Nam đầy đủ, nhưng việc thực thi lại là chuyện khác. Nguyên nhân cơ quan thực thi không thể kiểm soát và phát hiện, xử lý triệt để vì thiếu sự phối hợp của các doanh nghiệp. Bởi đơn vị quản lý thị trường không thể biết hết thương hiệu nào đã đăng ký quyền sở hữu trí tuệ, mặt khác đơn vị này chỉ bắt và niêm phong hàng khi có sự tố cáo của doanh nghiệp khi phát hiện những nơi có dấu hiệu vi phạm sở hữu trí tuệ.


Theo nhiều doanh nghiệp, việc đăng ký sở hữu quyền trí tuệ đã khó (do thủ tục rườm ra, thời gian xử lý hồ sơ lâu), nay để bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ càng khó hơn do lực lượng thực thi mỏng và chế tài còn nhiều hạn chế. Chưa kể, nhiều doanh nghiệp muốn bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ cũng không biết gặp ai, thưa ai. Vì Cục sở hữu trí tuệ chỉ là nơi hướng dẫn và hỗ trợ hồ sơ, còn đơn vị thanh tra và thực thi lại là đơn vị khác.


Bà Hoàng Tố Như cho rằng, để việc bảo vệ quyền lợi sở hữu trí tuệ đem lại hiệu quả, tốt nhất doanh nghiệp nên cần đi tư vấn các văn phòng luật sư chuyên về sở hữu trí tuệ hoặc Cục bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ. Bởi vai trò tư vấn của các văn phòng luật rất quan trọng, giúp doanh nghiệp định hướng được bước đi của mình.


Ngoài ra, hiện nay TP. Hồ Chí Minh cũng đã thành lập được Ban liên ngành các Sở để hỗ trợ doanh nghiệp bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ. “Vì thế, các doanh nghiệp nên chủ động phối hợp với các cơ quan thực thi để việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ mang lại hiệu quả hơn” – bà Như nói.


 Ông Ngô Đức Hoà – CT HĐQT Tập đoàn May Thắng Lợi cho biết: “Để bảo vệ thương hiệu, trước mắt doanh nghiệp thông báo cho khách hàng về sản phẩm của mình, đồng thời giữ nguyên chất lượng để khách hàng dễ nhận biết về sản phẩm của Thắng Lợi. Ngoài ra, chúng tôi cũng khuyến cáo người tiêu dùng muốn mua hàng thật, nên đến các cửa hàng, đại lý chính thức của doanh nghiệp”.



Bài và ảnh: Hải Yên

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN