Kinh tế tăng trưởng khả quan
Khác với một số ý kiến lo ngại về kết quả tăng trưởng quý I có thể không cao cách đây hơn 10 ngày thì việc Tổng cục Thống kê công bố GDP quý I tăng 6,79% so với cùng kỳ năm trước đã tạo ra tâm lý khích lệ trong dư luận cũng như tạo đà cho sự tăng trưởng trong các quý tiếp theo.
Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm, kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát ở mức thấp, môi trường kinh doanh tiếp đà cải thiện và tạo niềm tin cho cộng đồng doanh nghiệp, an sinh xã hội được giữ vững... Có thể nói, bức tranh kinh tế quý I chủ yếu mang màu sáng, có tính khả quan trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới vẫn đang diễn biến phức tạp và có dấu hiệu suy giảm...
Phân tích cụ thể cho thấy, quý I, ngành công nghiệp tăng 8,95% so với cùng kỳ, đóng góp tới 3,14 điểm phần trăm vào tổng giá trị gia tăng của nền kinh tế. Riêng ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 12,35% so với cùng kỳ và trở thành động lực quan trọng thúc đẩy kinh tế phát triển. Ngược lại, kết quả hoạt động của ngành khai khoáng lại giảm 2,2% và cho thấy nền kinh tế đang đi đúng hướng là từng bước giảm thiểu hoạt động khai thác tài nguyên, khoáng sản để dự trữ, phục vụ cho nhu cầu lâu dài.
Ông Phạm Đình Thúy, Vụ trưởng Thống kê công nghiệp, Tổng cục Thống kê cho biết, ngành khai khoáng giảm 2,1% trong khi cùng kỳ năm 2018 tăng 0,2% là xu hướng chung và đã được báo trước bởi tài nguyên thiên nhiên ngày càng cạn kiệt, chi phí khai thác và sản xuất cao.
Điểm sáng của nền kinh tế trong quý phải kể tới là kết quả thu hút vốn đầu tư nước ngoài, với tổng vốn đăng ký 10,8 tỷ USD, tăng hơn 86% so với cùng kỳ. Tính chung, tấc cả các loại hình đầu tư nước ngoài đều có mức tăng trưởng. Riêng vốn giải ngân đạt 4,12 tỷ USD, tăng 6,2% so với cùng kỳ năm ngoái.
Bên cạnh đó, cả nước đã đón nhận thêm 28.451 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, với tổng vốn đầu tư 375,5 nghìn tỷ đồng; tăng 6,2% về số doanh nghiệp và tăng 34,8% về lượng vốn so với cùng kỳ. Đặc biệt, vốn bình quân của doanh nghiệp mới thành lập đạt 13,2 tỷ đồng/đơn vị, tăng 26,9%.
Như vậy, lượng vốn mới bổ sung vào nền kinh tế từ nguồn trong và ngoài nước đang tiếp tục gia tăng và thể hiện rõ môi trường đầu tư - kinh doanh Việt Nam được cải thiện rõ nét. Đáng nói là, hiện có hơn 54% doanh nghiệp cho rằng kết quả hoạt động trong quý II sẽ tăng hơn quý I cũng như số đơn hàng xuất khẩu cũng tăng thêm. Niềm tin của doanh nghiệp vào kinh doanh được củng cố đáng kể, hứa hẹn sự tăng tốc trong thời gian tới.
Tiếp đến, kim ngạch xuất khẩu đạt 58,5 tỷ USD, tăng 4,7% so với cùng kỳ. Dù đây là mức tăng trưởng thấp so với kỳ vọng, nhưng tốc độ tăng trưởng xuất khẩu của khu vực doanh nghiệp trong nước đã tăng 9,7% trong khi khu vực có vốn đầu tư nước ngoài chỉ tăng 2,7% so với cùng kỳ. Điều này cho thấy sức vươn của doanh nghiệp nội đang có sự cải thiện đáng ghi nhận.
Hơn nữa, nền kinh tế đã xuất siêu 536 triệu USD giá trị hàng hóa-ghi dấu ấn của hoạt động thương mại. Ngoài ra, hoạt động dịch vụ, nhất là du lịch đang trên đà tăng khá mạnh. Đơn cử cả nước đã đón hơn 4,5 triệu lượt khách du lịch quốc tế trong quý I, tăng 7% so với cùng kỳ và Việt Nam được xác định là đểm đến hấp dẫn trên bản đồ du lịch quốc tế.
Cần các giải pháp tích cực
Tuy nhiên, bên cạnh những điểm sáng nổi bật, nền kinh tế đang và sẽ đối diện không ít thách thức, bất lợi cần nhận diện để tháo gỡ. Đó là, kinh tế quốc tế vẫn trong chu kỳ suy giảm, mâu thuẫn thương mại giữa các nền kinh tế lớn chưa có dấu hiệu chấm dứt. Đặc biệt, các định chế tài chính, tổ chức quốc tế đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2019 gần đây so với dự báo từ cuối năm 2018 cũng sẽ có ảnh hưởng tới sự phát triển của nền kinh tế trong nước.
Ông Nguyễn Bích Lâm cho biết, hiện nay độ mở của nền kinh tế Việt Nam rất lớn và sẽ tiếp tục xu hướng này, vì vậy sẽ trở nên “nhạy cảm” hơn và chịu tác động trực tiếp từ diễn biến đời sống thương mại quốc tế. Nhịp độ và kết quả hoạt động giao thương trên thị trường thế giới sẽ tác động rất nhanh đến Việt Nam cũng như có tính chất đan xen giữa thuận lợi và bất lợi.
Bên cạnh đó, đến nay kết quả giải ngân vốn đầu tư công rất thấp, gây ảnh hưởng tiêu cực đến kết quả tăng trưởng chung. Tốc độ tăng trưởng của ngành công nghiệp chế biến-chế tạo cũng khó tăng cao hơn vì mức độ vận hành đang tới hạn. Chưa kể nguy cơ hiểm họa thiên nhiên, nhất là hạn hán đang rình trực và có thể gây hậu quả đối với hoạt động trồng lúa và hoa màu trên diện rộng. Dịch tả lợn châu Phi tiếp tục lan rộng, trở thành nguy cơ ảnh hưởng nghiêm trọng đến người nuôi.
Theo ông Lê Trung Hiếu, Vụ trưởng Thống kê nông nghiệp (Tổng cục Thống kê), việc 82,2 nghìn con lợn con bị tiêu hủy do dịch tả lợn châu Phi sẽ làm ảnh hưởng đến ngành chăn nuôi các quý tiếp theo và có thể kéo giảm 0,04% GDP cả năm. Hay việc tăng giá điện, xăng dầu cũng sẽ tác động đến tăng trưởng kinh tế năm 2019.
Những yếu tố khác dự báo cũng sẽ gây áp lực tới lạm phát trong các quý tới như: tăng giá dịch vụ y tế, giáo dục, tăng tiền lương cơ sở từ ngày 1/7 và việc tăng giá thịt lợn từ tháng 6 do thiếu hụt nguồn cung.
Tuy nhiên, theo Ban Chỉ đạo điều hành giá của Chính phủ, với cách điều hành linh hoạt, bài bản của Chính phủ và các bộ ngành mà nổi bật là trong điều chỉnh giá điện lần này Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Công Thương tích hợp việc điều chỉnh tăng giá than và tính giá khí bao tiêu cho nhiệt điện theo thị trường, đồng thời tăng cường minh bạch, công khai giá điện, tránh trường hợp như những lần trước là giá điện tăng trước, giá than tăng sau nên gây khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh điện và luôn tạo sức ép đối với việc điều chỉnh giá điện.
Trong khi đó, với lợi thế về Quỹ bình ổn xăng dầu, liên Bộ Tài chính và Công Thương đã thực hiện “xả” Quỹ đề bù vào đà tăng của giá xăng dầu theo tín hiệu tăng của thế giới, tạo dư địa cho tăng giá điện sau đó 2 ngày để giảm tác động của việc tăng giá điện lên CPI.
Với cách điều hành linh hoạt, trên tinh thần chủ động theo dõi, phối hợp chặt chẽ của các bộ, ngành, minh bạch và cung cấp thông tin kịp thời cho xã hội, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá nhận định Chính phủ hoàn toàn có thể kiểm soát lạm phát của năm 2019 ở mức từ 3,3 - 3,9%, vượt yêu cầu của Quốc hội.
Phó Thủ tướng đã chỉ đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quyết liệt ngăn chặn lây lan dịch tả lợn châu Phi, có biện pháp tái đàn để bảo đảm nguồn cung khi bệnh dịch được kiểm soát. Ngân hàng Nhà nước có hình thức hỗ trợ tín dụng với các hộ chăn nuôi bị ảnh hưởng.
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính chủ động nắm bắt thông tin về diễn biến giá thế giới để có phương án điều hành giá xăng dầu trong nước, kết hợp với trích lập và sử dụng quỹ bình ổn giá xăng dầu hợp lý để bình ổn giá trong thời điểm giá thế giới có biến động bất thường, không ảnh hưởng tới kỳ vọng về lạm phát; tiếp tục tăng cường công khai, minh bạch chi phí đầu vào của giá điện, kết quả sản xuất kinh doanh điện theo quy định.
Dưới góc độ sản xuất, bà Bà Đỗ Thị Ngọc, Vụ trưởng Thống kê giá khuyến nghị, trước việc tăng giá điện, doanh nghiệp cần triệt để áp dụng biện pháp tiết kiệm như sản xuất vào giờ thấp điểm, cải tiến máy móc để giảm chi phí sản xuất. Từ đó đảm bảo lợi nhuận cho doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Trung Tiến, Vụ trưởng Vụ Thống kê Thương mại và dịch vụ, Tổng cục Thống kê cho rằng, cần xác định xuất khẩu là động lực của tăng trưởng để tìm cách thúc đẩy tốc độ của hoạt động kinh tế này. Hiện, dư địa làm hàng xuất khẩu của nền kinh tế khá dồi dào nhưng vấn đề đặt ra làm sao có thêm đơn hàng xuất khẩu dựa trên cơ sở tìm kiếm thêm thị trường, đối tác nhập khẩu.
Đại diện vụ Thống kê giá cũng cho biết, để CPI quý II giữ mức phù hợp và CPI cả năm dưới 4%, Tổng cục Thống kê đề nghị cơ quan quản lý không điều chỉnh tăng giá bất cứ mặt hàng nào do nhà nước quản lý. Nếu CPI tăng thấp hơn năm 2018 sẽ đảm bảo kiểm soát lạm phát ở mức dưới 4%. Liên Bộ Tài chính - Công Thương cần sử dụng quỹ bình ổn giá linh hoạt để hạn chế tác động lên CPI.
Tổng cục trưởng Nguyễn Bích Lâm khẳng định, ngành thống kê sẽ luôn phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng trong việc nghiên cứu, đề xuất kịch bản tăng trưởng kinh tế theo từng quý cũng như tiệm cận, đánh giá khả năng hoàn thành nhiệm vụ tăng trưởng kinh tế cả năm.
“Nếu có sự điều hành linh hoạt, hiệu quả thì bức tranh kinh tế cả năm 2019 vẫn sẽ mang màu sáng, đáp ứng yêu cầu đề ra”, Tổng cục trưởng Nguyễn Bích Lâm nhấn mạnh.