Điều hành kinh tế: Đảm bảo ổn định trong điều kiện bất định

Trái với kỳ vọng của nhiều chuyên gia về sự phục hồi mạnh mẽ của nền kinh tế trong năm 2022, kinh tế toàn cầu đang đứng trước nguy cơ suy giảm. Các tổ chức quốc tế liên tục điều chỉnh hạ dự báo tăng trưởng của hầu hết các nền kinh tế trên thế giới. Trong bối cảnh đó, kinh tế Việt Nam đang nỗ lực vượt sóng khó khăn để đảm bảo các mục tiêu đề ra.

Chú thích ảnh
Sản xuất hàng may mặc tại Xí nghiệp Sơ mi, Veston của Tổng Công ty May 10 tại Sài Đồng, quận Long Biên, Hà Nội. Ảnh minh họa: Anh Tuấn/TTXVN

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đánh giá kinh tế Việt Nam có triển vọng tăng trưởng lạc quan, đi ngược với xu hướng chậm lại của khu vực, trong khi lạm phát tăng cao đang là xu hướng chủ đạo của nền kinh tế thế giới, dường như xu hướng ngược lại xuất hiện ở Việt Nam. 

Điều này cho thấy kinh tế Việt Nam vẫn đang ổn định trong một môi trường kinh tế thế giới đầy "bất định".

Việt Nam vẫn đang thực hiện linh hoạt các chính sách kinh tế, kiểm soát tốt lạm phát. CPI tháng 8 tăng nhẹ so với tháng trước, bình quân 8 tháng năm 2022 ước tính tăng khoảng 2,58% - 2,6% so với cùng kỳ năm 2021. Nếu so với tình hình chung của nhiều nước trên thế giới thì Việt Nam đang kiểm soát tốt lạm phát. Đặc biệt, GDP tăng trưởng ở mức khả quan, cơ cấu kinh tế tương đối hợp lý, tỷ lệ đóng góp của khối ngành dịch vụ trong cơ cấu kinh tế khá lớn và không ngừng tăng nhanh trong thời gian gần đây.

Công tác điều hành giá đạt được kết quả tích cực đến thời điểm này là do sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, cùng sự triển khai tích cực của các bộ, ngành, địa phương cũng như sự ủng hộ của các doanh nghiệp và người dân. Điển hình như ngay khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất, sáng 22/9, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chỉ đạo "nóng" các nhiệm vụ, giải pháp để ứng phó với tình hình. Người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh, chính sách tiền tệ và tài khóa phải phối hợp hài hoà, nhịp nhàng, chặt chẽ, hiệu quả cùng các chính sách để giữ được ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn.

Từ đầu năm đến nay Việt Nam cũng đã triển khai nhiều giải pháp tổng thể để kiểm soát giá cả các nhóm hàng hóa, dịch vụ đóng góp lớn vào CPI hiện nay, như 2 lần giảm mức thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu, giảm thuế giá trị gia tăng với một số nhóm hàng hóa, dịch vụ từ 10% xuống 8%, giảm mức thu 37 khoản phí, lệ phí trong 6 tháng đầu năm 2022. Các nỗ lực bình ổn giá xăng dầu của Chính phủ đã cho thấy sự hiệu quả.

Tác động của giá nhiên liệu tăng lên lạm phát ít hơn đáng kể so với các quốc gia khác. Đồng thời, Chính phủ và các bộ, ngành liên tục chỉ đạo các địa phương thực hiện quản lý giá trên địa bàn, nhiều doanh nghiệp tích cực tham gia chương trình bình ổn giá, đảm bảo đầy đủ các hàng hóa thiết yếu phục vụ nhu cầu của người dân, đặc biệt là mặt hàng lương thực, thực phẩm.

Mặc dù đã đạt được những thành tựu ấn tượng, Việt Nam vẫn phải đối mặt với một số thách thức cả bên trong và bên ngoài, cần phải có những cải cách kinh tế quyết liệt và sâu rộng để đạt được các mục tiêu phát triển. Đó là:

Đối với những thách thức từ bên ngoài: Đại dịch COVID-19, xung đột Nga - Ukraine… đã tác động sâu rộng đến nhiều mặt nền kinh tế Việt Nam. Những tác động này khiến kinh tế Việt Nam đối mặt với tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu, giá nguyên liệu đầu vào tăng cao, nhu cầu các thị trường xuất khẩu lớn, truyền thống suy yếu, sự bất ổn gia tăng trong thương mại toàn cầu và các thị trường tài chính... và đặc biệt là sức ép lạm phát ngày càng tăng đang trở thành vấn đề nóng với các quốc gia. Bởi vậy, những tháng còn lại của năm 2022, các chuyên gia dự báo tình hình kinh tế, địa - chính trị thế giới còn rất nhiều phức tạp, diễn biến khó lường.

Đối với những thách thức nội tại của nền kinh tế: Sau hơn 2 năm chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, sức khỏe của doanh nghiệp bị bào mòn, rủi ro hiện hữu. Nhiều chuyên gia cho rằng năng lực chống chịu và tính tự cường của nền kinh tế Việt Nam chỉ ở mức “trung bình - khá”, trong đó các chỉ tiêu thể chế và quản trị vĩ mô; chỉ tiêu kinh tế - tài chính đạt điểm số ở mức khá và khá cao, song các chỉ tiêu về môi trường - xã hội hầu hết ở mức thấp và trung bình thấp.

Trong khi đó, năng lực cung ứng vốn cũng như hấp thụ vốn của nền kinh tế còn thấp; hệ thống ngân hàng tiềm ẩn nhiều rủi ro về nợ xấu, cơ cấu lại hệ thống tài chính - ngân hàng còn nhiều thách thức, khó khăn. Thị trường chứng khoán còn một số tồn tại cần phải được khắc phục; quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp tăng trưởng nhanh nhưng tiềm ẩn rủi ro cao do hình thức phát hành riêng lẻ là chủ yếu, lĩnh vực phát hành chủ yếu là bất động sản và xây dựng; rủi ro liên thông giữa thị trường vốn với hệ thống các tổ chức tín dụng và thị trường bất động sản gia tăng… Đầu tư công, nhân tố quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng vẫn gặp hàng loạt những vướng mắc liên quan đến thể chế, chính sách và thủ tục hành chính.

Trong bối cảnh đó, nếu những khó khăn nội tại không sớm được tháo gỡ, sẽ trở thành lực cản kéo chậm "con tàu kinh tế". Tất cả những yếu tố thách thức từ bên ngoài cũng như nội tại của nền kinh tế đang đòi hỏi các nhà hoạch định chính sách kiên định với mục tiêu phát triển, nhưng linh hoạt về giải pháp ứng phó kịp thời.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đã nhấn mạnh các quan điểm chỉ đạo phải bảo đảm ổn định trong điều kiện bất định; giữ thế chủ động trước diễn biến phức tạp, khó lường, bất ngờ của thế giới; kiên định, nhất quán, phù hợp, hiệu quả trước sự tác động nhiều chiều từ thế giới, trong nước; kiểm soát rủi ro, kịp thời ứng phó nguy cơ suy thoái và khủng hoảng; tạo dựng phòng tuyến hợp tác cạnh tranh kinh tế quốc tế trong điều kiện hội nhập hiện nay.

Nền kinh tế như con tàu vươn ra biển lớn không thể tránh những ngày sóng gió, điều quan trọng là người thuyền trưởng xác định mục tiêu, nhưng mạnh hơn tất cả vẫn là sự đồng lòng, quyết tâm và hiểu biết của tất cả các thành viên trên tàu. Không ai là người đứng ngoài cuộc. Đó chính là sức mạnh của sự ổn định trong điều kiện bất định, để tiến lên phía trước.

Quốc Huy (TTXVN)
Chính sách tài khóa hỗ trợ phục hồi kinh tế, xã hội được tính toán kỹ lưỡng
Chính sách tài khóa hỗ trợ phục hồi kinh tế, xã hội được tính toán kỹ lưỡng

Với vị thế quan trọng trong vùng kinh tế trọng điểm khu vực phía Bắc, có nhiều lợi thế trong đẩy mạnh liên kết vùng, Quảng Ninh ngày càng mạnh, sức cạnh tranh đã cải thiện đáng kể, đà tăng trưởng liên tục trong nhiều năm liền đã tạo tiền đề, nền tảng cơ bản để tỉnh tiếp tục đổi mới, hội nhập, công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển nhanh, bền vững trong những năm tiếp theo.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN