Liên quan đến nhóm vấn đề chất vấn thuộc lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV về giải pháp ổn định thị trường, kiểm soát sự biến động giá của một số mặt hàng nông sản, thủy sản, thức ăn chăn nuôi, vật tư nông nghiệp, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho biết, ngành hướng dẫn địa phương điều chỉnh kế hoạch tổ chức sản xuất, mùa vụ phù hợp với điều kiện thời tiết và theo tín hiệu thị trường, giúp người nông dân có thu nhập ổn định và có lãi. Đồng thời, chuyển đổi sang tư duy kinh tế nông nghiệp theo hướng tích hợp đa giá trị, đa ngành; phát triển nông nghiệp tuần hoàn.
Ngành tổ chức lại sản xuất, nhất là liên kết sản xuất; tăng cường chế biến, nhất là sơ chế, bảo quản và chế biến sâu; thúc đẩy hợp tác, liên kết theo chuỗi ngành hàng để phù hợp với yêu cầu của thị trường và giảm chi phí, tăng năng lực cạnh tranh. Các địa phương phát huy công tác khuyến nông cộng đồng hướng đến “giảm chi phí - tăng chất lượng”; hướng dẫn người dân canh tác hiệu quả, giảm vật tư đầu vào, tận dụng phế phụ phẩm nông nghiệp.
Ngành tăng cường minh bạch hóa thông tin giá cả, thị trường nhằm hạn chế thông tin thất thiệt gây bất ổn thị trường; truyền thông nâng cao nhận thức, khuyến cáo về sản xuất nhằm đảm bảo cân đối cung cầu hàng hóa, hạn chế tình trạng dư thừa hàng hóa trên thị trường.
Về hỗ trợ thúc đẩy tiêu thụ nông sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp cùng các địa phương tổ chức kết nối tiêu thụ sản phẩm nông sản đặc sản tới thị trường các thành phố lớn như Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh thông qua các diễn đàn trọng điểm, như: Sơn La (mận, xoài, bơ, chanh leo, na, nhãn, mắc cọp), Hòa Bình (sản phẩm chế biến từ cam và chanh, măng sơ chế, chè), Lào Cai (trái cây, thủy sản), Bắc Giang (nhãn, vải), Lạng Sơn (na), Quảng Ninh (rau củ quả thủy canh, thủy sản chế biến), Đồng Tháp (thanh long, ổi, cam, chanh, xoài, nhãn, khoai, dưa vàng, rau củ, các loại bún miến), Lâm Đồng (rau, củ, quả), Vĩnh Long (khoai lang, rau quả)...
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức xúc tiến thương mại, giới thiệu, quảng bá sản phẩm nông sản chất lượng cao, an toàn, hữu cơ, Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) thông qua các sự kiện lớn như hội chợ, triển lãm và các phiên chợ, điểm giới thiệu. Bộ phối hợp với các cơ quan, hiệp hội, doanh nghiệp phân phối, logistics lớn để hỗ trợ chuyển đổi số cho doanh nghiệp, hợp tác xã; thúc đẩy tiêu thụ nông sản thông qua các kênh phân phối hiện đại, nâng cao ý thức về đảm bảo chất lượng, nguồn gốc xuất xứ và hạn chế các vấn đề bất ổn về giá cả.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cũng cho rằng, giá vật tư đầu vào phục vụ sản xuất tăng cao làm chi phí sản xuất và giá sản phẩm nông nghiệp tăng, giảm sức cạnh tranh của nông sản. Việc kết nối tiêu thụ nông sản gặp nhiều khó khăn. Nhiều địa phương còn hạn chế về nguồn lực, cơ chế, chưa có kịch bản tổng thể phát triển thị trường và sản phẩm phục vụ tiêu thụ nội địa theo đặc thù và lợi thế so sánh của địa phương, nên còn lúng túng trong triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại, phát triển thị trường.
Thời gian tới, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục phối hợp với Bộ Công Thương, các địa phương đánh giá cân bằng cung - cầu nông sản, điều tiết xuất nhập khẩu vật tư đầu vào; tăng cường kiểm tra công khai giá, chất lượng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn chăn nuôi. Đặc biệt là kiểm soát chặt chẽ nguồn cung nông sản, triển khai xây dựng cơ sở dữ liệu cung cầu nông sản làm công cụ theo dõi sản lượng cung cầu, qua đó đưa ra các kịch bản và giải pháp can thiệp cần thiết điều tiết cung cầu từng nhóm hàng và từng khu vực trong các tình huống.
Về thúc đẩy liên kết sản xuất, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các bộ, ngành, địa phương, hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp tập trung, liên kết chặt chẽ với các vùng nguyên liệu, đẩy mạnh chế biến, chế biến sâu bảo quản, nâng cao giá trị gia tăng. Đồng thời thúc đẩy sản xuất theo chuỗi sản phẩm, xây dựng mã định danh, mã số vùng trồng, truy xuất được nguồn gốc sản phẩm, đảm bảo an toàn thực phẩm.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tăng cường kiểm tra, kiểm soát giá nguyên liệu và giá thành sản xuất phân bón, thức ăn chăn nuôi, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho hoạt động nhập khẩu nhằm đảm bảo nguồn cung, ổn định giá cả, tạo điều kiện để doanh nghiệp và người dân yên tâm tái đàn, phục hồi sản xuất. Đồng thời, thực hiện các giải pháp khắc phục tình trạng thiếu giống, vật tư nông nghiệp phục vụ sản xuất; tăng cường sử dụng thức ăn tinh, giảm thức ăn thô và tận dụng tối đa phụ phẩm trong sản xuất, chế biến nông sản.
Bên cạnh việc tăng cường kết nối tiêu thụ nông sản, khai thác tối đa các kênh thương mại điện tử, hạn chế khâu trung gian, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Bộ Công Thương, các địa phương tổ chức kết nối, giới thiệu doanh nghiệp liên kết hợp đồng tiêu thụ, bảo quản, chế biến nông sản; tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh quảng bá tiêu thụ trong nước, ưu tiên tiêu thụ sản phẩm nông sản gặp khó khăn tại địa phương. Cùng với đó, hỗ trợ các cơ sở sản xuất, kinh doanh tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đề nghị Bộ Công Thương điều chỉnh bổ sung nguồn lực cho nhóm nhiệm vụ nghiên cứu phát triển thị trường trong nước, phổ biến thông tin thị trường; tư vấn, điều tra nghiên cứu về văn hóa gắn với sản phẩm; tập huấn kỹ năng kinh doanh nông sản, nhất là kỹ năng bán hàng…