Giảm áp lực của việc tăng giá USD lên đồng Việt Nam
Quyết định trên đưa ra trong bối cảnh Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) liên tục điều chỉnh lãi suất điều hành với các bước tăng mạnh, khiến giá đồng USD leo thang trên thị trường thế giới.
Theo TS Lê Quốc Phương, từ đầu năm 2022 đến nay, Fed và nhiều ngân hàng Trung ương lớn đẩy mạnh lộ trình thắt chặt chính sách tiền tệ, tăng nhanh lãi suất điều hành. Thêm vào đó, xung đột giữa Nga - Ukraine đã làm chuỗi cung ứng toàn cầu tiếp tục bị gián đoạn, giá xăng dầu và hàng hóa tăng cao, lạm phát tại nhiều nền kinh tế vượt mức kiểm soát… gây biến động lớn trên thị trường quốc tế và trong nước.
Áp lực lạm phát toàn cầu gia tăng, đặc biệt tại Mỹ, đồng USD quốc tế tăng giá mạnh sau Fed tăng lãi suất với tốc độ nhanh, mạnh hơn đã gây áp lực lớn lên tâm lý nhà đầu tư, dòng vốn rút ra tạo áp lực mất giá lớn đối với đồng tiền của các quốc gia mới nổi, trong đó có Việt Nam,
Thống kê từ đầu năm 2022 đến nay cho thấy, các đồng tiền trên thế giới chịu áp lực mất giá khi đồng USD tăng giá mạnh. Đồng Euro đã mất 20 - 30% giá trị, các đồng tiền trong khu vực Đông Nam Á mất giá khoảng 10 - 12%. VNĐ là một trong những đồng tiền mất giá thấp nhất so với USD, khoảng gần 5,5% so với đầu năm.
Theo đại diện Công ty chứng khoán Yuanta Việt Nam, trên thị trường quốc tế, chỉ số US Dollar Index tiếp tục tăng mạnh 4,8% so với trước sau khi Fed nâng lãi suất thêm 0,75 điểm %. Dù vậy, trong khi đồng USD tăng giá liên tục, các chuyên gia của Yuanta Việt Nam cho biết: VNĐ tiếp tục là một trong những đồng tiền mất giá ít nhất khu vực nhờ lượng dữ trữ ngoại hối lớn. Nhìn chung, tỷ giá đã phải chịu áp lực do xuất khẩu và dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký chậm lại.
Hiện áp lực việc USD tăng giá là quá lớn, PGS TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) ủng hộ việc điều chỉnh biên độ giao ngay. Dù mong muốn ổn định tỷ giá nhưng do đồng USD quá mạnh nên NHNN phải điều chỉnh. Trong thời gian qua, NHNN đã phải bán ra một lượng lớn đồng USD kèm với đó thực hiện nhiều giải pháp để kìm đà tăng tỷ giá.
Báo cáo từ VinaCapital và ACBS ước tính NHNN đã bán ra khoảng 21 tỷ USD từ đầu năm 2022 giảm mức dự trữ ngoại hối của Việt Nam xuống mức 89 - 90 tỷ USD, tương đương với giá trị nhập khẩu khoảng 3 tháng. Còn theo ước tính của Công ty dữ liệu WiGroup, dự trữ ngoại hối của Việt Nam trong 9 tháng năm nay đã giảm từ 110 tỷ USD xuống còn 87 tỷ USD, chạm ngưỡng an toàn. Tuy nhiên, diễn biến tăng lãi suất chống lạm phát của Mỹ vẫn chưa có dấu hiệu chấm dứt.
“Giá USD tăng nên doanh nghiệp xuất khẩu có thêm chút lợi nhuận. Thời gian qua, cứ mỗi đơn hàng 100.000 USD, doanh nghiệp được lợi từ tỷ giá 150 triệu đồng so với thời điểm năm ngoái. Chỉ những doanh nghiệp nhập khẩu sử dụng đồng USD trong thanh toán thay vì những ngoại tệ khác đang giảm mới bị ảnh hưởng”, bà Nguyễn Anh Thư, Giám đốc Công ty TNHH thủy sản và thương mại tổng hợp Thành Nhơn cho biết. Đối với với việc xuất khẩu các nông sản của Việt Nam như cà phê, tiêu…nguyên liệu đều chủ động được trong nước nên không rơi vào tình trạng được đầu này, mất đầu kia như một số ngành phải nhập khẩu nguyên phụ liệu
Theo TS Lê Quốc Phương, việc điều chỉnh biên độ tỷ giá giao ngay USD/VND từ mức ± 3% lên ± 5% là cần thiết bởi sẽ hỗ trợ được lĩnh vực xuất khẩu trong ngắn hạn nhưng tạm thời nhập khẩu cũng bị thiệt hại. Ví dụ, đồng USD tăng giá sẽ giúp các doanh nghiệp dệt may chủ yếu xuất khẩu sẽ có lợi nhiều hơn. Nhưng ngược lại, các nguyên phụ liệu của ngành dệt may vẫn phải nhập khẩu nhiều nên bù trừ qua lại sẽ không còn chênh lệch nhiều. Hơn nữa, trong bối cảnh đơn hàng đang sụt giảm mạnh thì doanh nghiệp lo lắng để tìm cách có hàng hóa, duy trì sản xuất hơn là về nỗi vui khi tỷ giá tăng.
Là doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi, Công ty cổ phần Công nghệ Hà Lan (Vĩnh Phúc) thường phải nhập khẩu nguyên liệu để sản xuất. Ông Vũ Văn Hòa, Tổng Giám đốc công ty cho biết: Giá nguyên liệu trên thế giới và tỷ giá tăng khiến công ty chịu tác động kép, chi phí sản xuất ngày càng đắt đỏ, trong khi giá sản phẩm không thể tăng tương ứng.
Chưa kể, lạm phát tăng nhanh khiến người dân các quốc gia nhập khẩu thắt chặt chi tiêu, đơn hàng ngày càng ít, các nhà nhập khẩu liên tục “ép” giá. Trong khi đó, nhiều đối thủ của Việt Nam phá giá đồng tiền mạnh hơn khiến hàng Việt mất lợi thế cạnh tranh. Đây là tình trạng chung với doanh nghiệp nhiều ngành hàng xuất khẩu có sử dụng nguyên liệu nhập khẩu. Nhiều doanh nghiệp cho rằng: Kể cả với nhiều doanh nghiệp không sử dụng nguồn nguyên liệu nhập khẩu, tỷ giá tăng cũng khiến chi phí sản xuất đội lên đáng kể, đặc biệt là chi phí logistics, chi phí lãi vay với các doanh nghiệp vay nợ nước ngoài.
"Các khó khăn của doanh nghiệp cũng đã lường được trước. Song khi điều chỉnh rồi, các biến động của tỷ giá cũng sẽ dần hạ nhiệt. Như vậy, về bản chất doanh nghiệp sẽ có môi trường kinh doanh ổn định", chuyên gia kinh tế PGS TS Đinh Trọng Thịnh cho biết.
Triệt tiêu động lực của các nhà đầu cơ ngoại tệ
Theo PGS TS Đinh Trọng Thịnh, khi điều chỉnh biên độ giao ngay, việc đầu tiên là chênh lệch giá USD ở thị trường chính thống và thị trường “chợ đen” sẽ giảm. Theo đó, các ngân hàng thương mại có thể bán được USD giá cao so với mức quy định trước đây của NHNN, cũng có thể mua được USD giá thấp. Như vậy hoạt động đầu cơ USD được giảm đi. Các hoạt động mua bán USD từ ngân hàng để tuồn ra "chợ đen" để giao dịch lại sẽ được hạn chế. “Việc NHNN điều chỉnh biên độ giao dịch, sẽ có thêm nhiều dư địa để thực hiện các giải pháp tiền tệ khác nữa nhằm ổn định kinh tế vĩ mô”, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho biết.
Động thái điều chỉnh biên độ tỷ giá trên của NHNN sẽ tạo điều kiện để tỷ giá điều chỉnh linh hoạt hơn, phản ánh sát tình hình cung cầu ngoại tệ trên thị trường, góp phần hạn chế nhập siêu và khuyến khích xuất khẩu, bảo đảm tăng trưởng kinh tế hợp lý, phù hợp với bối cảnh kinh tế trong nước và quốc tế. "NHNN sẽ tiếp tục theo dõi sát diễn biến thị trường, phối hợp đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ, sẵn sàng bán ngoại tệ can thiệp để ổn định thị trường", đại diện NHNN cho biết.
Trước kia, Việt Nam cũng có một biên độ rộng +/-5%. Điều này tạo cho các lực lượng trong thị trường có thể giao dịch trong không gian rộng lớn lên tới biển độ 10% (tổng cả hai chiều). Thế nhưng, do những câu chuyện bất ổn năm 2008 và 2009, NHNN đã hạ biên độ từ +/-5% xuống +/-3%. Và mức này đã được giữ từ đó đến tận ngày hôm nay.
Theo Phó Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế Quốc dân, GS Hoàng Văn Cường, từ nay đến cuối năm, áp lực về lạm phát không phải lớn nhưng lớn nhất là áp lực về kiểm soát tỷ giá. Việt Nam phải kiên định giữ tỷ giá nhưng không có nghĩa là cứng nhắc mà phải linh hoạt với thị trường. Nếu không ổn định được tỷ giá thì có thể dẫn đến nguy cơ dự trữ ngoại tệ chuyển thành dự trữ của cá nhân doanh nghiệp. Khi đó Việt Nam sẽ mất khả năng chủ động về nguồn ngoại tệ”,ông Hoàng Văn Cường cho biết.
Sáng 17/10, Sở Giao dịch NHNN đã có biểu niêm yết mới về giá mua – bán ngoại tệ. Theo đó, giá bán ra USD đã tăng từ 23.925 VND lên 24.380 VND, tương đương mức tăng tới 455 VND.
Đây là bước tăng mạnh chưa từng thấy của NHNN trong nhiều năm qua, về tần suất, đây cũng là lần tăng thứ 3 liên tiếp chỉ trong vòng 1 tháng. Nếu tính trong năm 2022, đây là lần điều chỉnh tăng thứ 5 của NHNN với tổng mức tăng của 5 lần là 1.330 VND, tương đương tăng 5,7%.
Dưới đây là clip chia sẻ của PGS TS Đinh Trọng Thịnh (Giảng viên Học viện Tài chính):