Ngay trong khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao – nơi được xác định là đầu tư phát triển nông nghiệp là chính nhưng một số doanh nghiệp vẫn lắp đặt hàng loạt hệ thống điện mặt trời để bán điện. Doanh nghiệp đã “phớt lờ” cơ quan quản lý nhà nước để xảy ra nhiều vi phạm trong quá trình xây dựng.
Biến không thành có
Tại Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (xã Hòa Quang Bắc, huyện Phú Hòa), Công ty trách nhiệm hữu hạn Đầu tư Nam Việt Hưng Phú Yên (gọi tắt là Công ty Nam Việt Hưng Phú Yên) và Công ty trách nhiệm hữu hạn Fam Việt (gọi tắt là Công ty Fam Việt) đều được Ban Quản lý Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao cấp chủ trương đầu tư với mục tiêu ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật công nghệ cao để trồng rau quả, nấm dược liệu.... Trong quy mô dự án, các doanh nghiệp này chỉ được phép tận dụng mái nhà nấm để xây dựng hệ thống điện mặt trời phục vụ cho các thiết bị sử dụng điện và các hoạt động sản xuất nông nghiệp.
Theo ghi nhận và tìm hiểu của phóng viên TTXVN, khu vực dự án ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất một số loại rau quả, nấm và dược liệu của Công ty Nam Việt Hưng Phú Yên có nhiều dãy nhà đã được lắp pin điện mặt trời. Phía dưới các nhà nấm chỉ có một vài người làm việc và hoạt động sản xuất cầm chừng. Dự án này có 1 hệ thống điện mặt trời với công suất 990 KWp và mã số khách hàng là PC08HH0836817.
Tại dự án ứng dụng công nghệ cao nông sản Fam Việt của Công ty Fam Việt, nhiều dãy nhà đã được lắp các tấm pin điện mặt trời cùng với trạm biến áp. Một số nhà màng, nhà lưới trồng dưa hoàng kim và dưa lưới. Mặc dù trong chủ trương đầu tư, điện mặt trời được dùng phục vụ cho hoạt động của dự án nhưng tại đây có tới 6 hệ thống điện. Công ty Fam Việt đã “chia nhỏ” các hệ thống điện mặt trời này và đứng tên nhiều công ty khác nhau. Cả 6 hệ thống điện mặt trời trong dự án của Công ty Fam Việt đều có công suất là 990,25 KWp. Các mã khách hàng đã được cấp gồm: PC08HH0836811, PC08HH0836812, PC08HH0836813, PC08HH0836814, PC08HH0836815, PC08HH0836816.
Theo ông Đoàn Minh Hiếu, Phó Giám đốc Công ty Fam Việt, việc lắp các tấm pin điện mặt trời trên mái là chủ trương của công ty. Nhiệm vụ của ông Hiếu chỉ là vận hành, phát triển các sản phẩm nông nghiệp tại dự án.
Kiểm tra hiện trạng của Sở Xây dựng tỉnh Phú Yên cho thấy, Công ty Nam Việt Hưng Phú Yên có thời gian nghiệm thu đóng điện hệ thống điện mặt trời mái nhà so với thời điểm được cấp giấy phép xây dựng là 23 ngày. Công ty chưa lập thủ tục về xây dựng đối với hệ thống điện mặt trời mái nhà, đường dây trung áp và trạm biến áp. Ngoài ra, có 2 nhà màng được xây dựng và lắp đặt thêm hệ thống điện mặt trời mái nhà trên hạng mục công trình; đường dây trung áp và trạm biến áp không có trong giấy phép xây dựng được cấp.
Đối với Công ty Fam Việt thời gian nghiệm thu hệ thống điện mặt trời mái nhà (ngày 28/12/2020) chỉ sau thời gian được cấp giấy phép xây dựng là 3 ngày (ngày 25/12/2020). Quyết định phê duyệt dự án không có hệ thống đường dây trung áp và trạm biến áp nhưng quyết định phê duyệt bản vẽ thi công lại có. Toàn bộ trên mái có hệ thống tấm pin điện mặt trời nhưng trong giấy phép xây dựng không có hạng mục này.
Ông Nguyễn Văn Hưng, Trưởng Ban Quản lý Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Phú Yên cho biết, đơn vị không cấp chủ trương đầu tư riêng các dự án điện mặt trời. Đây không phải là loại hình điện mặt trời trang trại mà tận dụng mái để sản xuất điện phục vụ cho sản xuất các loại nấm lạnh. Giấy phép xây dựng các hạng mục công trình tại các dự án của Công ty Nam Việt Hưng Phú Yên và Fam Việt đều do Ban Quản lý Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Phú Yên cấp. Doanh nghiệp vi phạm trong xây dựng Ban Quản lý Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Phú Yên nhận thiếu sót trong quản lý. Giai đoạn đầu, doanh nghiệp đang trong quá trình đầu tư nên còn khó kiểm soát, về sau khi hoàn thiện Ban Quản lý Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Phú Yên sẽ quản lý, giám sát chặt chẽ để các dự án này hoạt động theo đúng mục tiêu.
“Nhùng nhằng” trong quản lý
Trả lời chất vấn của Hội đồng nhân dân tỉnh Phú Yên vừa qua (kỳ họp thứ 16, HĐND tỉnh khóa VIII) liên quan đến vấn đề điện mặt trời “núp bóng” trang trại nông nghiệp, ông Nguyễn Trọng Tùng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Phú Yên thẳng thắn thừa nhận, về văn bản chấp thuận chủ trương đầu tư trang trại của cấp có thẩm quyền thì không có hạng mục điện áp mái. Tuy nhiên, thực tế điện áp mái các trang trại là hạng mục lớn, thậm chí là hạng mục chính của các trang trại. Việc đầu tư trồng trọt (nấm, cây dược liệu,…) chưa được chú trọng, đầu tư đúng mức…. Cây trồng mật độ thưa, kém phát triển và chết nhiều.
Có một số trang trại thực tế triển khai chưa đúng theo nội dung chủ trương đầu tư được cấp thẩm quyền chấp thuận. Nếu xét về tiêu chí giá trị sản xuất kinh tế trang trại theo quy định tại Điều 3, Thông tư số 02/2020/TT-BNNPTNT của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định tiêu chí kinh tế trang trại thì các trang trại này không đảm bảo.
Ông Nguyễn Thanh Tuấn, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Phú Yên khẳng định, không có khái niệm điện mặt trời trang trại mà chỉ có điện mặt trời mái nhà. Điều này được quy định tại Khoản 5, Điều 3 Quyết định số 13/2020/QĐ-TTg ngày 6/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời tại Việt Nam.
Báo cáo kiểm toán chuyên đề: “Đánh giá hiệu quả của chính sách ưu đãi và hỗ trợ về thuế, đất đai, bảo vệ môi trường cho phát triển và sử dụng năng lượng tái tạo theo Quyết định số 2068/QĐ-TTg ngày 25/11/2015 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chiến lược phát triển năng lượng tái tạo của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 tại tỉnh Phú Yên” đã chỉ rõ: Công ty Điện lực Phú Yên ký hợp đồng mua điện khi các thủ tục liên quan đến đất đai của các trang trại nông nghiệp chưa chuyển mục đích sử dụng đất, đăng ký biến động sang đất nông nghiệp khác theo quy định; chưa có chứng nhận phòng cháy chữa cháy, giấy phép xây dựng của cơ quan có thẩm quyền nhưng vẫn nghiệm thu và đấu nối bán điện lên lưới…
Dẫn chiếu theo phụ biểu số 06/BCKT-NLTT của Kiểm toán Nhà nước cho thấy, hệ thống điện mặt trời của công ty Fam Việt và Công ty Nam Việt Hưng Phú Yên tại Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Phú Yên có tên trong danh sách các dự án, trang trại điện mặt trời mái nhà chưa chuyển mục đích sang đất nông nghiệp khác tại thời điểm nghiệm thu, đấu nối và thời điểm kiểm tra đối chiếu. Kiểm toán Nhà nước đã đề nghị Ủy ban Nhân dân tỉnh Phú Yên và các đơn vị liên quan kiểm tra, xử lý đúng theo quy định.
Mặc dù vậy, Ban Quản lý Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Phú Yên lại cho rằng hai dự án của Công ty Fam Việt và Công ty Nam Việt Hưng Phú Yên không phải chuyển mục đích sử dụng đất. Điều này được căn cứ theo Nghị quyết số 129/NQ-HĐND ngày 12/12/2014 cho phép thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh; phát triển kinh tế - xã hội, vì lợi ích quốc gia, cộng đồng. Diện tích 460 ha của khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao không nằm trong danh mục công trình, dự án phải thu hồi, chuyển mục đích đất lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng.
Theo ông Nguyễn Văn Hưng, Trưởng Ban Quản lý Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Phú Yên, hai dự án của Công ty Fam Việt và Nam Việt Hưng Phú Yên đã được Ban Quản lý Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Phú Yên chấp nhận chủ trương đầu tư, cấp giấy chứng nhận đầu tư và quyết định cho thuê đất để thực hiện dự án phù hợp theo quy định tại điểm đ, khoản 1, Điều 56 Luật Đất đai 2013. Chủ đầu tư là Công ty Fam Việt đã được Sở Tài nguyên và Môi trường cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Công ty Nam Việt Hưng Phú Yên đang làm các thủ tục đề nghị cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Tại tỉnh Phú Yên, ngoài các doanh nghiệp trong khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao còn 19 trang trại nông nghiệp khác có lắp đặt hệ thống điện mặt trời. Hội đồng Nhân dân tỉnh Phú Yên nhìn nhận, việc phát triển kinh tế trang trại trên địa bàn tỉnh để khai thác tốt tiềm năng, lợi thế của các địa phương là xu thế tích cực, góp phần quan trọng vào việc thúc đẩy phát triển kinh tế nông nghiệp. Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy tình hình đầu tư điện mặt trời mái nhà dưới hình thức các dự án trang trại trồng trọt trên địa bàn tỉnh chưa rõ ràng, có hiện tượng lợi dụng trang trại để làm điện mặt trời.
Do đó, Hội đồng nhân dân tỉnh đề nghị UBND tỉnh Phú Yên chỉ đạo thanh tra, kiểm tra và xử lý đối với các chủ trang trại hoạt động không đúng với chủ trương đầu tư đã được cấp có thẩm quyền cấp phép; đảm bảo sự công bằng, minh bạch, đúng quy định của pháp luật trong đầu tư, phát triển kinh tế trang trại trên địa bàn.