Tổng giám đốc PV Power Lê Như Linh chia sẻ, kế hoạch sản lượng điện đặt ra trên cơ sở tối ưu hóa hiệu quả hoạt động kinh doanh; trong đó đã lường trước những khó khăn như nguồn khí ngày càng suy giảm ảnh hưởng lớn đến việc đảm bảo đủ khí và độ khả dụng của các nhà máy điện khí.
Ông Linh cũng chỉ ra hàng loạt khó khăn mà PV Power đang phải đối mặt như: nguồn than cung cấp cho các nhà máy điện hạn chế, phải nhập khẩu với giá cao; chi phí bảo dưỡng sửa chữa ngày một lớn; nhiều dự án mới có nhu cầu vốn lớn, tiến độ sát cần tập trung và huy động nguồn lực lớn để đảm bảo tiến độ…
Sản lượng điện hợp đồng (Qc) được giao cho các nhà máy điện năm 2018 giảm nhiều (khoảng 1,4 tỷ kWh) so với tính toán trong kế hoạch được duyệt nên ảnh hưởng đến chào giá thị trường điện và vận hành.
Cùng đó, nguồn khí Đông và Tây Nam Bộ ngày càng suy giảm. Hạ tầng khai thác, vận chuyển khí còn xảy ra nhiều sự cố, ảnh hưởng đến việc đảm bảo đủ khí và độ khả dụng của các nhà máy nhiệt điện khí.
Bên cạnh đó, nhiệt điện Vũng Áng 1 sản lượng thấp và có sự cố. Quý 3 mưa nhiều nên ưu tiên thuỷ điện và các nhà máy phải cân đối lại nguồn cấp; có nơi lượng nước hồ chứa thấp thì lại phải sản xuất cầm chừng.
Đặc biệt, đồng ngoại tệ biến động mạnh khiến PV Power chịu lỗ chênh lệch tỷ giá lên tới 181 tỷ đồng, cao hơn so với kế hoạch dự kiến chỉ có 88 tỷ đồng.
Với câu hỏi của cổ đông về khoản chênh lệch tỷ giá mà EVN sẽ thanh toán cho PV Power, ông Linh cho hay, hiện nay hai bên vẫn chưa thống nhất. Mỗi tháng mức chênh này khoảng 55 tỷ đồng và số liệu tổng hợp cả năm khoảng 800 tỷ đồng.
Tổng công ty yêu cầu EVN trả tiền tại ngày chốt tỷ giá tuy nhiên như vậy lại thiệt cho phía EVN. Do đó, hai bên đang tìm cách giải quyết vướng mắc về mặt cơ chế. Năm 2019, hy vọng có thể giải quyết dứt điểm để tập trung cho hoạt động kinh doanh.
Dự án thủy điện Luông Pha Băng cũng được các cổ đông quan tâm. Ông Linh cho biết, công suất dự kiến ban đầu 1.200MW, PV Power sẽ tham gia lớn nhất góp 38% vốn, một đối tác nước ngoài đóng góp 37% và Chính phủ Lào góp 25%. Tổng mức đầu tư có thể ở mức 4-5 tỷ USD. Theo ý kiến của tư vấn nước ngoài, dự án sẽ triển khai trong vòng 6 năm. Đây sẽ là dự án tốt về cả uy tín và đóng góp cho kết quả của doanh nghiệp.
Mặc dù năm 2019 vẫn chưa hết khó khăn nhưng PV Power vẫn phấn đấu đạt tổng doanh thu trên 32.769 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế hơn 2.275 tỷ đồng và nộp ngân sách 1.304,4 tỷ đồng.
Chủ tịch HĐQT PV Power Hồ Công Kỳ cho hay, Tổng công ty sẽ bám sát thị trường điện cạnh tranh, tối ưu hoá hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh các nhà máy điện; sẵn sàng tham gia thị trường bán buôn điện cạnh tranh.
Năm 2019, PV Power sẽ trùng tu Nhà máy Thủy điện Hủa Na, tiểu tu các nhà máy điện Cà Mau 1 và 2, Nhơn Trạch 1 và 2, Đakđrinh, Nậm Cắt; sửa chữa định kỳ Nhà máy điện Vũng Áng 1. Việc đầu tư và bảo dưỡng nhằm đảm bảo chất lượng, tiến độ, an toàn hiệu quả bảo dưỡng định kỳ các nhà máy điện trong năm 2020. Tổng nhu cầu vốn đầu tư dự kiến là 486.1 tỷ được huy động từ nguồn vốn chủ sở hữu.
Tại Đại hội đồng cổ đông, PV Power nâng số lượng thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2018-2023 từ 5 lên 7 thành viên, gồm 1 Chủ tịch HĐQT hoạt động chuyên trách, 1 thành viên HĐQT là Tổng giám đốc, 5 thành viên HĐQT (trong đó có 2 thành viên HĐQT độc lập). Ngoài ra, số lượng thành viên Ban kiểm soát dự kiến nâng từ 3 lên 4 người.