Điện gió còn nhiều rào cản

Với chiều dài bờ biển hơn 3.000 km, Việt Nam có tiềm năng điện gió rất lớn. Nếu khai thác hết tiềm năng này, tổng công suất điện gió có thể gấp 20 lần so với tổng công suất điện hiện nay. Tuy nhiên, đến thời điểm này chỉ có 3 trong số 50 dự án đi vào hoạt động và hòa vào lưới điện quốc gia, số còn lại vẫn đang chờ cấp phép đầu tư hoặc kêu gọi hợp tác đầu tư.


Tiềm năng lớn


Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, Việt Nam có tiềm năng điện gió lớn hơn nhiều so với các nước khác trong khu vực. Theo đó, nếu như công suất hiện nay của toàn hệ thống điện Việt Nam khoảng 25.000 MW, thì tiềm năng về điện gió cao gấp 20 lần công suất này. Khảo sát của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho thấy, những vùng có thể xây dựng cơ sở năng lượng điện gió hiệu quả cao tập trung vào các tỉnh Trung Trung Bộ (từ Quảng Bình đến Khánh Hòa), các tỉnh Nam Trung Bộ (Ninh Thuận, Bình Thuận) và các tỉnh Nam Bộ (Bạc Liêu, Sóc Trăng…). Trong đó, Ninh Thuận và Bình Thuận được coi là có tiềm năng lớn nhất. Cụ thể, với tốc độ gió từ 6 - 7m/s và ở độ cao từ 60 - 80m, hai tỉnh Bình Thuận và Ninh Thuận có thể xây dựng nhiều trang trại điện gió với tổng công suất lên đến 9.500 MW, gấp gần 4 lần Nhà máy thủy điện Sơn La.

 

Muốn phát triển điện gió, cần tăng giá mua.


Trong thời gian qua, nhiều tỉnh đã được quy hoạch phát triển điện gió. Có hơn 50 dự án điện gió đã đăng ký đầu tư, phần lớn tập trung ở khu vực từ Trung Trung Bộ và các tỉnh phía Nam. Trong đó, Bình Thuận là tỉnh được quy hoạch điện gió đầu tiên với 15 dự án điện gió được đăng ký đầu tư với tổng công suất 1.182 MW (5 dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư, 10 dự án đang hoàn chỉnh hồ sơ trình cấp giấy chứng nhận). Tuy nhiên, theo Ths Nguyễn Đặng Anh Thi, Giám đốc Môi trường và Tiết kiệm năng lượng - Quỹ đầu tư năng lượng tái tạo và môi trường MeKong, đến thời điểm này Việt Nam mới chỉ có 3 nhà máy điện gió đã phát điện thương mại, chiếm 1,07% công suất so với toàn bộ dự án được đăng ký. Nguyên nhân chính vì đầu tư điện gió tại Việt Nam lợi nhuận thấp, nhưng rủi ro lại cao. Nhiều dự án nằm trên giấy vì thiếu vốn và khó kêu gọi hợp tác đầu tư.


Cần hỗ trợ về giá điện


Theo quy hoạch, dự kiến đến năm 2020, Việt Nam có 1.000 MW điện gió và đến năm 2030 có khoảng 6.000 MW. Ông Bùi Văn Thịnh, Phó Chủ tịch Hội Điện gió Bình Thuận (BTWEA) cho rằng, đây là thách thức rất lớn vì hiện nay tổng công suất chỉ mới có 54 MW. Trong khi đó, Việt Nam đang gặp khó khăn về nguồn tài chính, thiếu chuyên gia đầu ngành, chuyên gia tư vấn, không có công nghệ nên rất cần sự hỗ trợ từ các nước, các nhà cung cấp thiết bị.


Đồng tình quan điểm, ông Nguyễn Đặng Anh Thi cho biết, khả năng điện gió tại Việt Nam có thể khai thác thương mại khoảng 7.000 - 8.000 MW. Đây là số liệu trên bờ, chưa tính đến tiềm năng về điện gió trên biển. Để khai thác tiềm năng này, một trong những yếu tố quan trọng là giá mua điện gió. Nhưng với mức giá 7,8 cent/kWh (theo Quyết định 37) hiện nay chỉ bước đầu hỗ trợ phát triển điện gió mà chưa đáp ứng được nhu cầu của nhà đầu tư và các đối tác khác. Trong khi đó, cơ chế thanh toán giá điện đang chồng chéo và nặng tính xin - cho, không thấy được mối quan hệ giữa giá mua điện gió và quy hoạch phát triển điện gió. Mặt khác, lộ trình mua giá điện gió không rõ ràng. Nếu muốn khuyến khích phát triển điện gió thì Nhà nước phải sớm tăng giá điện gió lên 12 - 13,5 cent/kWh.


Theo BTWEA, một dự án điện gió khoảng 30 MW có vốn đầu tư gần 65 triệu USD, trong đó khoảng 80% vốn là đi vay. Với giá 7,8 cent/kWh như hiện nay thì để dự án có hiệu quả, nhà đầu tư phải vay được vốn với lãi suất nhỏ hơn 1,1%/năm, lãi suất này là rất khó tiếp cận hiện nay. Do vậy, BTWEA kiến nghị với Chính phủ và các bộ ngành liên quan cần đưa ra lộ trình tăng giá mua điện gió từ mức 7,8 cent/kWh lên trên 10 cent/kWh vào năm 2015 và lên trên 12 cent/kWh vào năm 2017.


Cũng theo BTWEA, chỉ cần giải quyết được giá điện, mọi khó khăn khác các doanh nghiệp đều có thể vượt qua. Điển hình như, để khắc phục khâu chuẩn bị hồ sơ dự án đầu tư chưa theo chuẩn mực quốc tế, làm hạn chế cơ hội tiếp cận các nguồn tài chính quốc tế… ngày 17/4 vừa qua, BTWEA đã liên kết với TUV SUV Việt Nam (Tổ chức cung cấp dịch vụ quốc tế hàng đầu trong phân khúc công nghiệp, chuyển động và chứng nhận) cung cấp những hỗ trợ kỹ thuật cho BTWEA và doanh nghiệp hội viên BTWEA trong khuôn khổ những dự án điện gió Việt Nam. Ông Bùi Văn Thịnh cho hay, sự hợp tác này sẽ giúp các doanh nghiệp hội viên bảo đảm tối ưu hóa quy trình thu hồi vốn và giảm thiểu những nguy cơ tiềm ẩn cho những dự án điện gió tại Việt Nam.

 

3 dự án điện gió đang vận hành trên cả nước hiện nay:

Dự án điện gió Tuy Phong 1, (Bình Thuận) do Công ty REVN đầu tư, công suất 30MW, vốn đầu tư 1.450 tỷ đồng, giá bán 6 cent/KWh. Dự án điện gió trên đảo Phú Quý (Bình Thuận) với công suất 6MW do Tổng Công ty Điện lực dầu khí làm chủ đầu tư, vốn đầu tư 335 tỷ đồng, giá bán 7,8 cent/KWh. Dự án Bạc Liêu 1 do Công ty Công Lý đầu tư, công suất 16 MW, vốn đầu tư 5.200 tỷ đồng, giá bán 9,8 cent/KWh.

Hải Yên

Hướng đến phát triển điện gió Việt Nam
Hướng đến phát triển điện gió Việt Nam

Mặc dù có nhiều tiềm năng điện gió nhưng Việt Nam vẫn chưa khai thác triệt để. Nguyên nhân là do thiếu chuyên gia giàu kinh nghiệm, thiếu nguồn lực, công nghệ...

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN