Đồng chủ trì Diễn đàn có: Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển; Đại sứ Australia tại Việt Nam Craig Chittick.
Diễn đàn còn có sự tham gia của đông đảo các đại biểu đến từ các cơ quan Trung ương và địa phương, tổ chức quốc tế, doanh nghiệp, trường đại học, viện nghiên cứu, cùng nhiều chuyên gia, học giả trong và ngoài nước.
Cần có sự đột phá trong chính sách
Đồng chí Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương phát biểu tại diễn đàn. Ảnh: Minh Quyết/TTXVN |
Phát biểu đề dẫn, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình cho biết, Việt Nam đã có những bước tiến vượt bậc trong phát triển kinh tế kể từ Đổi mới năm 1986. Tốc độ tăng trưởng kinh tế trung bình khoảng 6,4%/năm từ năm 2000 đến nay và tỷ lệ đói nghèo giảm xuống dưới 3% so với khoảng 50% đầu những năm 1990. Từ năm 2008, Việt Nam đã vượt qua mốc GDP bình quân đầu người 1.000 USD và bắt đầu bước vào ngưỡng có thu nhập trung bình .
Trưởng ban Kinh tế Trung ương nhấn mạnh, Việt Nam xuất khẩu 65% là hàng chế tạo chế biến nhưng phần nhiều từ khu vực đầu tư trực tiếp nước ngoài, còn doanh nghiệp trong nước vẫn chủ yếu xuất khẩu các mặt hàng như dệt may, da giày, nông sản với giá trị gia tăng không cao. Tức là, một phần quan trọng góp phần tạo nên tốc độ tăng trưởng hiện nay của Việt Nam là từ nguồn lực bên ngoài chứ chưa phải nội lực thực tại của nền kinh tế.
Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình cho rằng: “Việc chúng ta cần làm và làm ngay là đánh giá lại mức độ bền vững của những lợi thế so sánh mà chúng ta vẫn thường nhắc tới là nhân công lao động dồi dào, giá rẻ trong bối cảnh giai đoạn dân số vàng chỉ tồn tại ngắn ngủi khoảng 10 năm nữa và sự cạnh tranh ngày một gia tăng từ các quốc gia với chi phí sản xuất thấp hơn. Việt Nam hiện đã đạt đến một trình độ phát triển kinh tế mà để tiếp tục tiến bước trở thành một nước có thu nhập cao hơn, cần có sự đột phá trong chính sách.”
Đánh giá cao những thành tựu phát triển kinh tế mà Việt Nam đã đạt được trong những năm qua, Đại sứ Australia tại Việt Nam Craig Chittick nhấn mạnh, Việt Nam đã có nhiều nỗ lực thực hiện các biện pháp cải cách nhằm tạo sự thông thoáng trong môi trường đầu tư, kinh doanh, xây dựng Chính phủ kiến tạo để phục vụ người dân tốt hơn. Đại sứ Craig Chittick khẳng định, Australia sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm với Việt Nam về lĩnh vực nông nghiệp, công nghệ cao và đồng hành cùng Việt Nam giải quyết các thách thức trong quá trình phát triển kinh tế.
Thông tin về tình hình kinh tế Việt Nam 6 tháng đầu năm 2017, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông cho biết, kinh tế vĩ mô vẫn duy trì ổn định, lạm phát được kiểm soát, chỉ số giá tiêu dùng tháng 6 ước giảm khoảng 0,3% so với tháng trước và chỉ số giá tiêu dùng bình quân 6 tháng đầu năm 2017 ước tăng khoảng 4,2% so với cùng kỳ. Chỉ số giá tiêu dùng bình quân đang có xu hướng giảm, tiệm cận dần với mục tiêu dưới 4% đã được Quốc hội thông qua.
Chỉ tiêu tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước 6 tháng đầu năm, qua tính toán sơ bộ có khả năng đạt khoảng từ 5,5%-5,7%, xấp xỉ bằng mức tăng trưởng theo yêu cầu kịch bản mà Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã giao nhiệm vụ cho các ngành, các cấp. “Đánh giá sơ bộ có thể thấy rằng, kịch bản tăng trưởng và các giải pháp chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ bước đầu có những kết quả tích cực, hướng tới mục tiêu tăng trưởng GDP đạt 6,7% của cả năm 2017”, Thứ trưởng Đặng Huy Đông nhấn mạnh.
Quyết liệt thực hiện các giải pháp đạt mục tiêu tăng trưởng 6,7%
Quang cảnh diễn đàn. Ảnh: Minh Quyết/TTXVN |
Để đạt được mục tiêu tăng trưởng 6,7% trong năm 2017, Thứ trưởng Đặng Huy Đông cho rằng, quyết tâm của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ nhằm phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng năm 2017 là hoàn toàn đúng đắn và hợp lý. Nhiệm vụ là rất khó khăn nhưng vẫn có thể thực hiện được nếu quyết tâm và thực hiện đúng những giải pháp đã đề ra. Mục tiêu, giải pháp đã rõ ràng nhưng thực hiện cũng không đơn giản và cần phải quyết liệt mới có thể thực hiện được. Vượt qua được khó khăn này và thực hiện được mục tiêu mới có động lực, niềm tin để thực hiện được khát vọng lớn hơn trong dài hạn.
Việc cần làm hiện nay là phải duy trì được tinh thần vào cuộc cũng như động lực phấn đấu của tất cả các ngành, các cấp, tiếp tục triển khai mạnh mẽ hơn nữa các giải pháp đã đề ra, thường xuyên theo dõi chặt chẽ những biến động của tình hình thế giới và trong nước, bám sát mục tiêu, giải pháp, quyết tâm thực hiện cho được mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2017 trên nền tảng ổn định kinh tế vĩ mỗ, thực hiện đầy đủ các chính sách an sinh xã hội, bảo vệ môi trường, phát triển bền vững.
Đại diện Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cho rằng, nền kinh tế Việt Nam có mức ổn định, lạm phát trong tầm kiểm soát, môi trường kinh doanh, tỷ giá hối đoái khá ổn định, có sự tăng trưởng về tín dụng, hàng hóa xuất khẩu tăng trưởng lớn, kiều hối, cán cân thanh toán đã được cải thiện và có dòng thanh khoản tốt.
Dự báo năm 2017, tăng trưởng kinh tế Việt Nam đạt khoảng 6,3%, Đại diện Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cho rằng, để kinh tế tiếp tục phát triển trong bối cảnh kinh tế toàn cầu có nhiều biến động, Việt Nam cần tập trung thực hiện các biện pháp hỗ trợ thương mại, thực hiện các Hiệp định thương mại tự do, tạo đà tốt để Việt Nam phát triển.
Thảo luận tại Diễn đàn, TS.Nguyễn Xuân Thành, Giám đốc Phát triển Chương trình Kinh tế Fullbright (Đại học Fullbright Việt Nam) cho rằng, Chính phủ Việt Nam đang đứng trước sức ép lớn về kết quả tăng trưởng kinh tế. Cuối 2015, Chính phủ đã đề ra mục tiêu tăng trưởng cho năm 2016 là 6,7%, nhưng kết quả cuối cùng là 6,21%. Cuối 2016, Chính phủ vẫn kiên quyết đưa ra mục tiêu 6,7% cho 2017.
Cũng theo TS.Nguyễn Xuân Thành, trong thời gian tới, việc lành mạnh hóa hệ thống ngân hàng thương mại thông qua xử lý nợ xấu và nâng vốn chủ sở hữu phải là ưu tiên chính sách hàng đầu. Để có đầu tư công trong ngắn hạn mà không phá vỡ trần nợ công thì chỉ có nguồn tiền từ cổ phần hóa và thoái vốn trong doanh nghiệp nhà nước.
Trong trung hạn, thay vì việc đổi đất lấy hạ tầng như trước đây, khiến cho hoạt động không minh bạch, làm tăng nợ công, nên chấp nhận cho các địa phương đầu tư cơ sở hạ tầng bằng trái phiếu công trình, đảm bảo bằng quyền sử dụng đất, Nhà nước không bảo lãnh thì không gánh nợ công. Tiến hành đấu thầu cạnh tranh, hạ tầng đầu tư xong, giá trị càng cao và thực hiện đấu giá đất, thu tiền về sẽ trả nợ trái phiếu. Như vậy vừa đầu tư cơ sở hạ tầng, không làm tăng nợ công mà vẫn đảm bảo minh bạch.
Trong dài hạn có thể nghĩ tới cải cách thuế, đặc biệt là thuế bất động sản để đầu tư hạ tầng tại địa phương, mô hình hợp tác công – tư ( PPP) và cải cách thể chế để nâng cao hiệu quả đầu tư công.
Diễn đàn Kinh tế Việt Nam năm 2017 đã tập trung thảo luận, xác định những điểm nghẽn, những nút thắt và đề xuất những giải pháp mang tính trung và dài hạn cho nền kinh tế như: Định vị kinh tế Việt Nam trong chuỗi cạnh tranh kinh tế toàn cầu; nhận dạng và đánh giá những nguồn nội lực của đất nước, nhất là những nguồn lực chưa được phát huy đầy đủ; đánh giá quá trình tái cơ cấu nền kinh tế Việt Nam và đề xuất những giải pháp…