Diễn đàn Kinh tế phương Đông: Đoàn Việt Nam tích cực đóng góp các tham luận

Đoàn Việt Nam tham dự Diễn đàn Kinh tế phương Đông (EEF) lần thứ 4 đang diễn ra tại thành phố Vladivostok, LB Nga, do Bộ trưởng Bộ Kế hoạch đầu tư Nguyễn Chí Dũng dẫn đầu.

Ngày 11/9, trong ngày làm việc chính thức đầu tiên của diễn đàn, Bộ trưởng đã có bài tham luận phát biểu tại phiên thảo luận "Nga-ASEAN".

Đại diện cho nền kinh tế đang phát triển năng động, tăng trưởng nhanh và ổn định với mức tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong khoảng 10 năm trở lại đây luôn đạt khoảng 6-7%, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đã thông báo những nét chính trong phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.

Chú thích ảnh
Bộ trưởng Bộ Kế hoach và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng (ngoài cùng, bên phải) tham dự phiên thảo luận “Nga-ASEAN” trong khuôn khổ Diễn đàn. Ảnh: Tâm Hằng/Pv TTXVN tại LB Nga

Việt Nam hiện có quan hệ thương mại với khoảng 220 quốc gia trên thế giới với quy mô thương mại đạt 425 tỷ USD, GDP bình quân đầu người đạt gần 2.400 USD. Bảy tháng đầu năm 2018, kinh tế Việt Nam tiếp tục tăng trưởng trên 7%, tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam đạt 334 tỷ USD từ 129 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Với nền chính trị ổn định, môi trường đầu tư luôn được cải thiện, chi phí đầu tư cạnh tranh, hạ tầng giao thông được nâng cấp mạnh mẽ với tính kết nối quốc tế thuận lợi, chính sách phát triển kinh tế và thu hút đầu tư hấp dẫn, dân số vàng, thị trường tiềm năng, hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới… Việt Nam đang trở thành điểm đến đầu tư hấp dẫn mang tầm chiến lược đối với các nhà đầu tư nước ngoài.

Với tốc độ tăng trưởng đó, trong những năm gần đây, Việt Nam tích cực đầu tư ra nước ngoài, tập trung chủ yếu ở khu vực Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Ngoài ra, Nga cũng là thị trường chiếm 13% tổng vốn đăng ký đầu tư ra nước ngoài, đứng thứ 3 trong 75 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư của Việt Nam.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết tại LB Nga, đã có 23 dự án của Việt Nam đăng ký hoạt động với tổng vốn đầu tư khoảng 2,9 tỷ USD, tập trung trong các lĩnh vực như khai thác dầu khí, viễn thông, trung tâm thương mại, nông nghiệp, chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa, ...

Tập đoàn viễn thông lớn nhất của Việt Nam Viettel cũng lựa chọn Nga làm điểm đến cho các hoạt động sản xuất các loại thiết bị viễn thông, quốc phòng và tiến hành các hoạt động nghiên cứu về công nghệ. Đặc biệt, tại tỉnh Primorye, thuộc vùng Viễn Đông, đã có dự án chế biến sữa của Tập đoàn TH True Milk với tổng vốn đầu tư đăng ký 300 triệu USD.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định Việt Nam mong muốn tiếp tục thúc đẩy hoạt động đầu tư sang các địa bàn truyền thống hữu nghị tốt đẹp lâu đời như Nga và ASEAN. Với việc Việt Nam là nước đầu tiên mà Liên minh Kinh tế Á - Âu ký Hiệp định Thương mại tự do, chính thức có hiệu lực từ  5/10/2016, có cơ sở để kỳ vọng quan hệ kinh tế, thương mại và đầu tư giữa LB Nga và Việt Nam nói riêng, giữa Liên minh Kinh tế Á-Âu và Việt Nam nói chung sẽ tiếp tục được thúc đẩy mạnh mẽ trong thời gian tới. Việt Nam sẽ nỗ lực hỗ trợ Nga mở rộng quan hệ hợp tác với Cộng đồng Kinh tế ASEAN - một thị trường thống nhất, năng động với trên 600 triệu dân và GDP đạt khoảng 2.500 tỷ USD.

Quan hệ Việt Nam-LB Nga đứng trước cơ hội vươn lên tầm cao mới sau chuyến thăm Nga vừa qua của Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng theo lời mời của Tổng thống Vladimir Putin. Chuyến thăm đã góp phần củng cố mối quan hệ chính trị tin cậy, tăng cường gắn bó chiến lược, nâng cao hiệu quả hợp tác, thúc đẩy việc thực hiện hàng loạt dự án liên doanh góp phần hiện thực hóa mục tiêu kim ngạch thương mại song phương đạt 10 tỷ USD vào năm 2020.

Tại các cuộc làm việc hai bên đã khẳng định sự ủng hộ và nhất trí tạo điều kiện thuận lợi cho cộng đồng doanh nghiệp hai nước hợp tác đầu tư kinh doanh trong các lĩnh vực như năng lượng, dầu khí, nông nghiệp, hạ tầng giao thông đô thị, thông tin và viễn thông… Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng tin tưởng rằng, trên nền tảng quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Nga, xu hướng đầu tư sang Nga nói chung và sang vùng Viễn Đông nói riêng của doanh nghiệp Việt Nam, cũng như quan hệ thương mại giữa hai nước sẽ ngày càng gia tăng trong thời gian tới.

Bộ trưởng được thông tin về các thế mạnh cũng như chính sách ưu đãi đầu tư của Chính phủ LB Nga đối với vùng Viễn Đông như giảm thuế/ miễn thuế/ chính sách hỗ trợ đất đai, phát triển hệ thống các đặc khu khu kinh tế (ASEZs) và cơ chế cảng biến tự do khởi điểm tại Vladivostok và nhân rộng ra 5 cảng biển khác trong khu vực. Khu vực này có nhiều tiềm năng thu hút đầu tư trong các lĩnh vực năng lượng, phát triển hạ tầng, nông - lâm nghiệp, kỹ thuật, công nghệ…

Viễn Đông cũng là một vùng đất với tài nguyên thiên nhiên và khoáng sản vô cùng phong phú: 20% tổng trữ lượng dầu mỏ và khí đốt, 70% lượng hải sản, 75% tài nguyên rừng, 75% trữ lượng kim cương và 30% trữ lượng vàng của toàn nước Nga. Trong 5 năm trở lại đây, vùng Viễn Đông nói chung và Vladivostok nói riêng đã trở thành một điểm hẹn của nhiều diễn đàn quan trọng của khu vực và thế giới, như APEC 2012 và 4 năm trở lại đây là Diễn đàn Kinh tế phương Đông.

Cơ hội tại Viễn Đông là vô cùng to lớn và tốc độ phát triển tại khu vực này là đáng kinh ngạc: thành lập 17 đặc khu kinh tế, thu hút hơn 600 dự án đầu tư với tổng giá trị lên tới 35 tỷ USD chỉ từ năm 2015 đến 2017. Những con số đã nói lên sức hút mạnh mẽ của vùng Viễn Đông với các nhà đầu tư trong khu vực và trên thế giới.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định với thành viên tham gia phiên thảo luận, sự phát triển của khu vực Viễn Đông không chỉ đem lại động lực cho kinh tế Nga, mà còn đem lại cơ hội cho các nước khác trong khu vực mà Việt Nam là một trong số đó. Do đó tới đây, có thể kỳ vọng vào một làn sóng đầu tư của Việt Nam sang LB Nga nói chung và vùng Viễn Đông nói riêng.

Diễn đàn Kinh tế phương Đông lần thứ 4 được tổ chức trong ba ngày tại Vladivostok thu hút đại biểu đến từ 60 quốc gia tham dự. Đoàn Việt Nam đóng góp các bài tham luận trong một số phiên họp.

TTXVN/Báo Tin tức
Diễn đàn Kinh tế phương Đông: Lãnh đạo nhiều nước nhất trí thúc đẩy hòa bình trên Bán đảo Triều Tiên
Diễn đàn Kinh tế phương Đông: Lãnh đạo nhiều nước nhất trí thúc đẩy hòa bình trên Bán đảo Triều Tiên

Ngày 11/9, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã có cuộc gặp với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bên lề Diễn đàn Kinh tế phương Đông (EEF) lần thứ 4 tại thành phố Vladivostok của Nga.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN