Cụ thể, lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải cho hay, Bộ sẽ tập trung chỉ đạo khởi công một số dự án trọng điểm như: dự án kết nối giao thông các tỉnh miền núi phía Bắc; tuyến nối Quốc lộ 91 và tuyến tránh thành phố Long Xuyên; luồng Sông Hậu; kênh Chợ Gạo giai đoạn 2; tuyến tránh Quốc lộ 1A đoạn qua TP Cà Mau; Quốc lộ 1A tỉnh Hậu Giang và Sóc Trăng…
Theo đó, dự án "Kết nối giao thông các tỉnh miền núi phía Bắc" có tổng mức đầu tư gần 5.340 tỷ đồng kết nối giao thông 3 tỉnh Lai Châu, Lào Cai, Yên Bái với cao tốc Nội Bài - Lào Cai. Dự án do Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và Chính phủ Australia tài trợ, được Bộ Giao thông Vận tải phê duyệt tại Quyết định số 2034/QĐ-BGTVT ngày 17/9/2018 và phê duyệt điều chỉnh tại Quyết định số 1630/QĐ-BGTVT ngày 30/8/2019. Thời gian thực hiện dự án 5 năm, kể từ khi Hiệp định tài trợ có hiệu lực (4/6/2019).
Đại diện Ban Quản lý dự án 2 – Bộ Giao thông Vận tải (đại diện chủ đầu tư dự án) cho biết, tuyến đi qua khu vực có điều kiện địa chất, địa hình phức tạp và do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên việc triển khai thiết kế bị chậm so với dự kiến, dẫn đến chưa thể tổ chức khởi công vào quý II/2021 như dự kiến trước đó.
Đối với dự án đầu tư xây dựng tuyến nối Quốc lộ 91 và tuyến tránh thành phố Long Xuyên dài 15,3km, đi qua địa phận thành phố Cần Thơ và tỉnh An Giang, được đầu tư với bề rộng mặt đường 11m có 2 làn xe cơ giới và 2 làn xe thô sơ. Dự án cũng được ADB tài trợ vốn vay trên 2.100 tỷ đồng để thực hiện đầu tư.
Dự án này được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào cuối tháng 12/2016, được kỳ vọng sẽ góp phần giảm ùn tắc, hạn chế tai nạn, từng bước hoàn chỉnh kết nối mạng lưới hạ tầng giao thông khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Tiếp theo là dự án đầu tư xây dựng luồng Sông Hậu 2 có tổng mức đầu tư giai đoạn 2 là 2.596,17 tỷ đồng. Nguồn vốn thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước trong kế hoạch đầu tư trung hạn giai đoạn 2021-2025. Theo đánh giá của Bộ Giao thông Vận tải, sau khi hoàn thành dự án luồng Sông Hậu 2 sẽ phát huy hiệu quả tổng thể toàn dự án tối đa, thu hút tàu có trọng tải đến 20.000 tấn đầy tải lưu thông thường xuyên trên tuyến luồng, đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng hàng hóa thông qua khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Dự án xây dựng tuyến tránh Quốc lộ 1, đoạn qua thành phố Cà Mau, tỉnh Cà Mau, với tổng mức đầu tư của dự án dự kiến trên 1.728 tỷ đồng được đầu tư bằng vốn ngân sách nhà nước.
Đây là dự án được kỳ vọng sẽ giảm tải cho Quốc lộ 1 đi qua trung tâm thành phố Cà Mau, giảm thiểu ùn tắc và hạn chế tai nạn giao thông, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, củng cố an ninh quốc phòng của tỉnh Cà Mau nói riêng và các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long nói chung.
Bên cạnh đó, Bộ Giao thông Vận tải đặc biệt tập trung chỉ đạo quyết liệt để hoàn thành một số dự án trọng điểm như: cao tốc Cao Bồ - Mai Sơn; Đường cất hạ cánh, đường lăn cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất; Quốc lộ 24; Quốc lộ 25; Quốc lộ 53…
Theo báo cáo của Sở Giao thông Vận tải tỉnh Ninh Bình, sau gần 2 năm thi công, dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam, đoạn Cao Bồ - Mai Sơn với tổng mức đầu tư dự án là 1.162 tỷ đồng, nối Nam Định - Ninh Bình dài hơn 15,2km đang dần được hoàn thành. Chủ đầu tư và nhà thầu thi công đang đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện những hạng mục cuối cùng của dự án để thông xe vào cuối năm.
Đối với dự án cải tạo, nâng cấp đường cất hạ cánh, đường lăn Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất và Cảng hàng không quốc tế Nội Bài cũng sẽ được hoàn thành trong năm nay. Theo đó, dự án dự án cải tạo, nâng cấp đường cất hạ cánh, đường lăn Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất được khởi công xây dựng vào ngày 1/7/2020 bao gồm: 2 phần là nâng cấp đường cất hạ cánh 25R/07L và xây dựng mới các đường lăn song song, đường lăn thoát nhanh. Mục tiêu của dự án nhằm đảm bảo an toàn và nâng cao năng lực khai thác của Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất.
Đầu năm 2021, đường cất hạ cánh 25R/07L đã đưa vào khai thác với mặt đường băng mới nhưng vẫn với hệ thống đèn halogen cũ được lắp đặt từ những năm 2000. Từ tháng 9/2021 đến nay, dự án đã đóng cửa đường cất hạ cánh 25R/07L để thay thế hệ thống đèn hiệu sử dụng công nghệ đèn LED và hệ thống đèn tiếp cận đầu 25R tương đương CAT II. Dự kiến đến 31/12 tới sẽ hoàn thành dự án này.
Trong khi đó, dự án cải tạo, nâng cấp đường cất hạ cánh, đường lăn Cảng hàng không quốc tế Nội Bài được chia làm hai giai đoạn. Giai đoạn 1 hoàn thành trước ngày 31/12/2020 gồm 3.000m đường cất/hạ cánh 1B và các đường lăn nối, hệ thống thoát nước đồng bộ... đảm bảo khai thác được máy bay Code E. Giai đoạn 2 hoàn thành các hạng mục còn lại của đường cất/hạ cánh 1B và hoàn thiện đường cất/hạ cánh 1A, các đường lăn nối và toàn bộ dự án trước ngày 31/12/2021.
Chia sẻ về các dự án trọng điểm quốc gia của lĩnh vực giao thông vận tải giai đoạn 2021-2025, đại diện lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải cho hay, trong dự kiến phân bổ kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, Bộ Giao thông Vận tải dự kiến triển khai khởi công mới 67 dự án, gồm: 6 dự án quan trọng quốc gia, 10 dự án nhóm A, 51 dự án nhóm B, C.
Đến nay, đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư 3/10 dự án nhóm A; Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải phê duyệt theo thẩm quyền 42/51 dự án nhóm B, C; đang hoàn thiện hồ sơ để trình Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư 2/6 dự án quan trọng quốc gia. Như vậy, theo Bộ Giao thông Vận tải, còn lại 4 dự án quan trọng quốc gia, 7 dự án nhóm A và 9 dự án nhóm B,C chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư.
Riêng đối với dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải đã thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình Quốc hội xem xét, thông qua chủ trương đầu tư vào phiên họp đầu tháng 12/2021. Bên cạnh đó, đã hoàn thiện, trình Chính phủ dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển đường bộ cao tốc giai đoạn 2021-2025.
Cũng theo Bộ Giao thông Vận tải, thời gian tới, sau khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư, hàng loạt dự án giao thông quan trọng sẽ sớm được triển khai. Hiện, các đơn vị liên quan của Bộ Giao thông Vận tải đang khẩn trương chuẩn bị công tác đầu tư với các dự án trọng điểm trên.
Lũy kế 11 tháng, Bộ Giao thông Vận tải ước giải ngân 31.869 tỷ đồng, đạt 73,4% kế hoạch. Bộ Giao thông Vận tải cùng các đơn vị đang nỗ lực giải ngân thêm khoảng 9.932 tỷ đồng, đạt tối thiểu 96% kế hoạch vốn cả năm…