Đồng thời, dự báo chính xác thị trường, khuyến nghị sản xuất theo thị trường; hỗ trợ phát triển sản xuất theo hướng hiện đại, nâng cao năng suất, hiệu quả kinh tế.
Kinh nghiệm bình ổn thị trường
Từ thực tiễn quản lý, điều hành, chương trình Bình ổn thị TP Hồ Chí Minh rút ra những được nhiều bài học kinh nghiệm; trong đó, có những giải pháp đòi hỏi sự thống nhất trong hệ thống chính trị và đồng thuận trong nhân dân. Ngoài ra, sự phối hợp đồng bộ, chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp đối với thực hiện chương trình Bình ổn thị trường TP Hồ Chí Minh đóng với trò quan trọng vào kết quả chương trình trong 20 năm qua.
Theo ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh, Bình ổn thị trường TP Hồ Chí Minh là một trong những chương trình giúp nhiều đơn vị tham gia nâng cao sự chủ động trong xác định rõ phương thức tạo nguồn hàng và chọn đúng mặt hàng thiết yếu. Các đơn vị này cũng đầu tư chiều sâu, tạo đầu ra sản phẩm, chủ động trong cung ứng hàng hóa; đồng thời kiểm tra giám sát chặt chẽ từ khâu chuẩn bị đầu tư đến thành phẩm đưa vào thị trường nên không để thiếu hàng hóa cục bộ, dẫn đến giá cả tăng đột biến.
Riêng đối với mạng lưới phân phố, hiệu quả của chương trình Bình ổn thị trường TP Hồ Chí Minh thể hiện ở sự kết nối chặt chẽ chuỗi cung ứng từ khâu sản xuất, phân phối... đến tiêu dùng. Trong đó, đơn vị sản xuất kinh doanh tập trung phát triển mạnh mạng lưới phân phối tạo điều kiện đưa hàng hóa đến tận tay người tiêu dùng, giảm các tầng nấc trung gian, giảm chi phí.
Đặc biệt, nhiều doanh nghiệp, nhà bán lẻ, đơn vị tham gia... đã phát triển kênh phân phối phủ rộng vào khu dân cư, vùng sâu, vùng xa, các khu công nghiệp – khu chế xuất... Còn loại hình kênh phân phối cũng được đa dạng, chú trọng khai thác mặt bằng và tập trung phục vụ hàng hóa tại những nơi mạng lưới phân phối chưa đáp ứng đủ bằng nhiều phương tiện như bán hàng lưu động; hội chợ đưa hàng Việt về nông thôn... để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng với giá cả hợp lý.
Qua những phương thức đưa hàng hóa đến tay người tiêu dùng nêu trên, đạt được ý nghĩa và mục tiêu của chương trình Bình ổn thị trường TP Hồ Chí Minh là đưa hàng hóa phục vụ cho người dân thành phố. Ngoài ra, chương trình góp phần chuyển biến nhận thức của người tiêu dùng, nâng cao ý thức ưu tiên dùng hàng Việt.
Theo đại diện Tổng công ty Thương mại Sài Gòn - TNHH Một thành viên SATRA, bên cạnh thiết kế khu vực riêng trưng bày nhóm mặt hàng tham gia chương trình Bình ổn thị trường TP Hồ Chí Minh trong siêu thị, cửa hàng tự chọn, SATRA còn thực hiện kế hoạch bán hàng lưu động định kỳ và tăng cường đột xuất tại các mặt bằng cố định trong các khu công nghiệp, khu chế xuất... Kết nối giữa Ban quản lý khu công nghiệp trên địa bàn thành phố với các đơn vị thành viên của SATRA để tạo điều kiện thuận lợi cho nhiều đơn vị mở gian hàng kinh doanh luân phiên.
Còn đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Hồ Chí Minh cho biết, đơn vị này đã giới thiệu, kết nối cho doanh nghiệp tham gia chương trình liên kết, đầu tư phát triển chăn nuôi tạo nguồn hàng bình ổn thị trường cung ứng cho chương trình Bình ổn thị trường TP Hồ Chí Minh. Song song đó, Sở cũng giới thiệu đơn vị chăn nuôi, sản xuất sản phẩm nông nghiệp an toàn và có nguồn hàng ổn định tham gia phân phối hoặc cung ứng hàng hóa vào mạng lưới điểm bán của chương trình Bình ổn thị trường TP Hồ Chí Minh.
Đồng hành cùng chương trình Bình ổn thị trường TP Hồ Chí Minh, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn TP Hồ Chí Minh đã thúc đẩy xây dựng thương hiệu, website cho 782 đơn vị hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, hỗ trợ chứng nhận GAP tạo sản phẩm an toàn. Trong những năm qua, Sở đẩy mạnh xây dựng Đề án phát triển chăn nuôi, tạo nguồn thực phẩm, phục vụ bình ổn thị trường; vùng chăn nuôi công nghệ cao tập trung, tạo nguồn cung cấp sữa lớn nhất toàn quốc...
Với hành trình 20 năm, nhờ vào sự chung tay, góp sức của không chỉ chính quyền các địa phương, sở, ngành trên địa bàn TP Hồ Chí Minh mà còn có sự hưởng ứng tích cực và lan tỏa của cơ quan quản lý Nhà nước nhiều tỉnh, thành, nên chương trình Bình ổn thị trường TP Hồ Chí Minh đã khẳng định là một trong những công cụ điều tiết thị trường hữu hiệu thông qua cân đối cung cầu. Đặc biệt, chương trình trở thành mắt xích quan trọng trong gia tăng hiệu quả lưu thông hàng hóa, xây dựng môi trường cạnh tranh lành mạnh, kiềm chế lạm phát không chỉ cho TP Hồ Chí Minh mà còn cho cả nước.
Giải pháp nâng cao hiệu quả
TP Hồ Chí Minh là địa phương luôn có nhiều hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp, được xếp thứ hạng cao trong Bộ chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) nhiều năm liền. Trong đó, có chương trình Bình ổn thị trường TP Hồ Chí Minh mà kết quả lớn nhất vẫn là giữ vững bình ổn thị trường, góp phần ổn định cho đời sống người lao động và người dân thành phố.
Đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh (HUBA) cho rằng, hiện nay nhiều doanh nghiệp vẫn mong muốn thành phố phát huy tinh thần đồng hành, tiếp tục bổ sung thêm giải pháp và cải thiện thêm phương pháp tổ chức thực hiện để hướng đến mục tiêu hiệu quả phát triển cao hơn cho chương trình Bình ổn thị trường TP Hồ Chí Minh. Cộng đồng doanh nghiệp cũng kỳ vọng chương trình tiếp tục hoàn thiện chính sách, cải cách thủ tục và bổ sung thêm nhiều hoạt động hỗ trợ mới trong cải thiện môi trường kinh doanh, bình ổn thị trường.
Tương tự, bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm TP Hồ Chí Minh chia sẻ, nhằm hướng đến gia tăng tính hiệu quả của chương trình Bình ổn thị trường TP Hồ Chí Minh doanh nghiệp đề xuất, các sở, ban, ngành phân luồng lại cho kênh chợ truyền thống để chọn lọc, mở rộng thêm nhiều chợ đạt chuẩn tham gia vào kênh bán hàng bình ổn thị trường trong giai đoạn 2023-2032.
Ngành công thương thành phố cần hỗ trợ đơn vị bán lẻ, phân phối... thông qua hệ thống phân phối của họ tiếp cận và tăng cường đưa sản phẩm bình ổn thị trường đến đa dạng nhóm khách hàng chuyên ngành như nhà hàng, khách sạn, công ty… để người tiêu dùng nhiều nơi có thể sử dụng hàng hóa bình ổn dễ dàng với giá tốt.
Không chỉ là thị trường tiêu thụ lớn nhất cả nước với dân số khoảng 13 triệu người, thu nhập cao, tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ đạt xấp xỉ 1 triệu tỷ đồng/năm, mà TP Hồ Chí Minh còn là trung tâm phân phối, trung chuyển, xuất nhập khẩu. Hay nói cách khác, TP Hồ Chí Minh là đầu mối hình thành nên nhiều chuỗi liên kết từ nguyên liệu, nuôi, trồng, chế biến, sản xuất đến tiêu thụ đối với thị trường trong và ngoài nước.
Do đó, ngoài cơ chế chính sách vĩ mô, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, chương trình đề ra những giải pháp nâng cao hiệu quả thực hiện bình ổn thị trường xoay quanh nhân tố chính là hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Song song tiêu chí tổng cầu, tổng cung; chương trình Bình ổn thị trường TP Hồ Chí Minh sẽ tăng cường dự báo, đánh giá thị trường bổ sung thêm một số tiêu chí liên quan đến thói quen tiêu dùng như sự thay đổi hành vi tiêu dùng, tỷ lệ sử dụng thực phẩm an toàn, xu hướng thương mại điện tử, lựa chọn điểm mua hàng…
Cụ thể, chương trình Bình ổn thị trường TP Hồ Chí Minh sẽ chủ động nguồn cung, điều tiết cung – cầu, dự báo chính xác thị trường, khuyến nghị sản xuất theo thị trường. Mặt khác, chương trình sẽ phát huy nguồn lực xã hội, sử dụng nguồn lực thị trường thực hiện bình ổn thị trường; gia tăng hiệu quả lưu thông hàng hóa, phát triển hệ thống phân phối, tiết giảm chi phí trung gian; quản lý thị trường hiệu quả đảm bảo cạnh tranh công bằng giữa các nhà sản xuất....
Theo bà Phan Thị Thắng, Thứ trưởng Bộ Công Thương, ngoài chính sách vĩ mô, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, chương trình Bình ổn thị trường TP Hồ Chí Minh cần đề ra đa dạng giải pháp nâng cao hiệu quả chương trình xoay quanh nhân tố chính là hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Trong đó, hình thành cơ chế liên kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp cung ứng và doanh nghiệp phân phối hàng bình ổn thị trường theo hướng nâng cao trách nhiệm phân phối sản phẩm bình ổn thị trường, tăng hiệu quả bán hàng, giảm chi phí phân phối hàng bình ổn thị trường.
Chương trình Bình ổn thị trường TP Hồ Chí Minh cũng nên khảo sát, nghiên cứu thay đổi cơ bản quy ước về giá bán bình ổn thị trường, đảm bảo giá bình ổn thị trường được hình thành hợp lý, trên cơ sở tổng hợp đầy đủ dữ liệu thị trường, có sự đồng thuận của doanh nghiệp và đảm bảo khả năng dẫn dắt thị trường. Đặc biệt, chương trình phải chú trọng hình thành cơ sở pháp lý hỗ trợ vận chuyển hàng bình ổn thị trường giờ cao điểm trên địa bàn thành phố và quy định về hệ thống nhận diện thương hiệu.